Aa

Những công trình biểu tượng của doanh nghiệp BĐS “vang bóng một thời”

Thứ Năm, 11/05/2017 - 06:01

Là những công trình đỉnh cao gắn liền với thương hiệu của các doanh nghiệp BĐS lớn mạnh nhất cả nước, nhưng cùng với dòng chảy thị trường, những tên tuổi từng là biểu tượng một thời nay đã lùi lại phía sau, nhường "ánh hào quang" cho kẻ khác.

Nhìn nhận lại thị trường BĐS Việt Nam 10 năm qua, PGS. TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, năm 2007 là đỉnh cao của thị trường BĐS Việt Nam. Và theo ông Chung, đỉnh cao này có lẽ còn rất lâu nữa mới có thể lặp lại.

Trong giai đoạn đỉnh cao ấy, có rất nhiều tên tuổi nổi lên như những "nhà tiên phong" đặc biệt trong phân khúc nhà ở như Vinaconex, HUD, Sudico... Từng có lúc, nhắc đến HUD là người ta liên tưởng đến "cuộc cách mạng nhà ở" mạnh mẽ. Cũng từng có thời điểm, bất cứ ai mua được một căn hộ trong dự án của Sudico là có thể hãnh diện, cảm thấy tự hào. 

Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2013, thị trường BĐS Việt Nam chạm đáy, năm 2014 - 2015 phục hồi và năm 2016 gần như đạt đỉnh và đến nay thị trường đang đi ngang. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước từng hùng mạnh giờ phải chật vật xoay sở và chấp nhận lùi xuống vị trí sau. Có ai ngờ những chủ thể từng rực rỡ một thời nay thành “dĩ vãng”? Thời điểm hiện tại chỉ còn Viglacera, UDIC còn có những hoạt động đáng kể. Dẫn dắt thị trường lúc này là các doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Sun Group, Novaland...

Cùng với đó, các khu đô thị như Mỹ Đình, khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính hay khu đô thị Linh Đàm… nơi đã từng được coi là biểu tượng của cuộc sống mới nay gần như đã lùi lại phía sau, nhường chỗ cho rất nhiều các khu dân cư mới của các "đại gia" mới.

Liên quan tới vấn đề thành tố thị trường BĐS đã có sự thay đổi, Phóng viên Reatimes đã thực hiện chùm ảnh ghi nhận những “biểu tượng của cuộc sống mới” gắn liền với những doanh nghiệp BĐS lớn từng “vang bóng một thời”. 

Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà

Khu đô thị mới Mỹ Đình Sông Đà do Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 36.86 ha, nằm phía Tây Nam TP. Hà Nội, thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm. 

Khởi công từ năm 2001, dự án KĐTM Mỹ Đình Sông Đà được xây dựng tại trung tâm của khu vực có tốc độ phát triển cao nhất Thủ đô thời điểm đó. Có vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, đây đã từng là niềm mơ ước của không ít gia đình bởi phong cách kiến trúc châu Âu được quy hoạch đồng bộ, hiện đại bao gồm công viên cây xanh, các cơ quan, công sở, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí, bể bơi... 

 Khoảng 10 năm về trước, tòa tháp đôi nằm trên ngã tư Phạm Hùng - Mễ Trì là biểu tượng của Tổng Công ty Sông Đà. Đây cũng là công trình cao nhất nhì khu vực này thời điểm đó.  

Sau nhiều năm, đến nay hệ thống cây xanh, chung cư cao cấp trong khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà vẫn còn giữ được nét riêng theo kiến trúc Pháp. 

Đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm khách hàng, Khu đô thị cũng cung cấp các sản phẩm phong phú từ khu nhà ở thấp tầng, khu chung cư cao tầng đến các biệt thự cao cấp.  Trong ảnh là tòa nhà HH3 Sudico trên đường Mễ Trì. 

Tại KĐTM Mỹ Đình Sông Đà, người ta không chỉ thấy một thương hiệu Sudico mà những căn hộ The Manor do Công ty TNHH Bitexco làm chủ đầu tư cũng là niềm mơ ước của rất nhiều người những năm về trước. Sudico đã "bắt tay" với Bitexco để thực hiện dự án, trong đó có việc doanh nghiệp này đã “nhường” cho Bitexco một phần diện tích của khu đô thị để triển khai dự án The Manor dù chưa được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội. 

 Kể từ thời điểm chuyển nhượng, được xem là “chính chủ” của dự án The Manor, Bitexco đã xây dựng dự án, bán nhà, thu các loại phí… Tuy nhiên, trong nhiều năm liền doanh nghiệp này không làm được sổ đỏ cho các hộ dân, bởi không có giấy phép đầu tư dự án để trình Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khi đến làm thủ tục cấp sổ đỏ. Đến giữa năm 2011, Bitexco mới nhận được quyết định của UBND thành phố Hà Nội, với nội dung thu hồi hai khu đất thuộc dự án The Manor của Sông Đà để giao lại cho Bitexco. Với quyết định này, Bitexco khi đó mới chính thức là “chính chủ” dự án The Manor.  

Cùng với sự phát triển của thị trường, khu đô thị Mỹ Đình được ví như một khu đô thị kiến trúc châu Âu trong lòng Hà Nội đã dần dần phai mờ trong trí nhớ nhiều người. Những công trình khổng lồ khác đã được xây dựng xung quanh khu đô thị này, giá trị sản phẩm BĐS của doanh nghiệp Sudico cũng không còn chiếm lợi thế như trước. 

 Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm

 Khu đô thị mới kiểu mẫu Linh Đàm (Hà Nội) là dự án đô thị mới đầu tiên do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đầu tư và triển khai xây dựng tại Hà Nội. Dự án đã được hội Kiến trúc sư Việt Nam bình chọn danh hiệu Công trình kiến trúc tiêu biểu thời đổi mới và được Bộ xây dựng công nhận là một trong hai khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.  

 Cách đây hơn chục năm, một căn chung cư ở Linh Đàm từng là mơ ước của biết bao gia đình trẻ có thu nhập thấp và trung bình mưu sinh ở Thủ đô. Khu đô thị mới Linh Đàm đã tạo nên một cuộc sống kiểu mẫu với căn chung cư xinh xắn trong một khu đô thị xanh hơn 200 ha thoáng đãng với 74 ha diện tích mặt nước hồ, những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13m2/ người. Một không gian sống thực sự văn minh giữa lòng Thủ đô đất chật người đông.

Tuy nhiên cách đây khoảng 5 năm, khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở bán đảo Linh Đàm đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Câu chuyện phá vỡ quy hoạch hay còn có thể gọi là phá nát Linh Đàm bắt đầu từ đây. Có thể thấy rất rõ, những tòa nhà do HUD đầu tư xây dựng đang lùi dần vào dĩ vãng cạnh những công trình lớn. Trong ảnh là tổ hợp HH gồm 12 tòa chung cư cho người thu nhập thấp, mỗi tòa 35 đến 41 tầng. Dự án do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư. Tiếp đó là hai tòa nhà VP3, VP5 với chiều cao 33 tầng cũng của Tập đoàn Mường Thanh xây dựng ngay cạnh.  

 Những khối tòa nhà chung cư cũng xuất hiện như nấm là hình ảnh quen thuộc tại khu đô thị Linh Đàm hiện nay. 

 Nhắc đến Linh Đàm ngày nay, ít ai còn nhớ đến danh hiệu "Khu đô thị kiểu mẫu" danh giá một thời, thay vào đó là những tiếng thở dài ngán ngẩm cùng những cái lắc đầu liên tưởng đến một khu dân cư quá đông đúc, lúc nào cũng ùn tắc, hạ tầng bị đè nén, thiếu không gian sinh hoạt chung và không gian xanh...

 Nhiều năm nay, người ta không còn thấy vai trò của HUD tại Khu đô thị Linh Đàm nữa. Dự án giúp HUD tạo nên tên tuổi, một dấu ấn thành công khó phai trong thời kỳ hoàng kim lại đang được nhiều chuyên gia đề xuất thu hồi "vương miện" Khu đô thị kiểu mẫu. 

Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính 

Dự án Khu Đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính là dự án đô thị lớn nhất và đầu tiên của Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Đây là một khu đô thị điển hình của Hà Nội, mang dáng dấp khu đô thị của các nước phát triển. 

 Theo quy hoạch thành phố, Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính là một trong những trung tâm trọng yếu nhất của thành phố, nối liền khu công nghệ cao Hòa Lạc với các khu phố trung tâm của Thủ đô. Giữ vai trò quan trọng chiến lược về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. 

 Triển khai xây dựng hàng loạt các chung cư cao tầng, quy mô lớn... từ năm 2003, Trung Hòa Nhân Chính cũng là Khu đô thị mang lại "tiếng tăm" cho Vinaconex trong thời hoàng kim của mình. 

Năm 2005, sau khi hoàn thiện hàng loạt dự án chung cư cao 18 và 24 tầng tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Vinaconex đã bắt tay thi công dự án biểu tượng của mình là tòa nhà 34T, cao 34 tầng cũng tại khu đô thị này. Tại thời điểm dự án 34T Trung Hòa hoàn thiện, đây là dự án cao nhất quận Cầu Giấy và cũng là dự án chung cư cao nhất Hà Nội. Trên thực tế, tòa 34T đã ít nhiều trở thành biểu tượng phát triển thịnh vượng của Vinaconex trong giai đoạn này. 

 Tuy nhiên, đây cũng là "điểm mốc" đánh dấu thời kỳ những tòa nhà chung cư cao tầng mọc lên như nấm tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, nhanh chóng tạo ra sức ép rất lớn lên hạ tầng khu vực. Các tuyến đường xung quanh như: Hoàng Đạo Thúy, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng... luôn trong tình trạng ùn tắc giao thông mỗi giờ tan tầm. Theo thời gian, với sự xuất hiện của hàng loạt các tòa chung cư mới, tòa nhà 34T đã sớm trở thành "nấm lùn". Hình ảnh biểu tượng không còn, cộng với giá trị cuộc sống ngày càng giảm sút bởi sức ép về mật độ dân số tăng chóng mặt đã khiến KĐT Trung Hòa - Nhân Chính dần lùi lại phía sau, nhường ánh hào quang cho các tên tuổi khác.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top