Aa

Những đồng xu vang vọng

Thứ Hai, 06/08/2018 - 06:00

Nhưng “đậm đà bản sắc” nhất là có cái đám cưới vừa rồi, cô dâu chú rể tay lăm lăm điện thoại, khách đến là... quẹt. Tôi đã tròn mắt để xem cái clip hết sức... bốn chấm không ấy.

Cuối những năm 50 đầu những năm 60 thế kỷ trước (hì, mới đấy mà đã phải gọi là thế kỷ trước rồi, kinh thật), thời ấy tôi bé tí, thấy bà ngoại tôi có cái bao lưng bằng nhiễu xanh, bên trong ấy có một chuỗi xâu loằng ngoằng những đồng chinh. Thi thoảng tôi thấy bà lần tay vào lôi ra mấy đồng chinh để trao đổi. Hôm rồi, hỏi bác Đỗ Ngọc Yên, nhà phê bình văn học quê Thanh Hóa bởi bác hơn tôi đâu chừng gần chục tuổi, bác bảo, hồi ý vẫn có thứ tiêu bằng chinh như mua bao diêm, hộp tăm, bỏng ngô...

Sau này hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ người ta mới tiêu bằng xu. Xu là đồng tiền nhỏ nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra đời năm 1958. Còn chinh là loại tiền nhỏ nhất của tiền Đông Dương. Nhưng khi ấy trao đổi 10 chinh được tính bằng 1 xu, đồng tiền kẽm có lỗ tròn ở giữa. Còn chinh là đồng tiền bằng đồng tròn, nhưng ở giữa có lỗ vuông. Có chinh Khải Định và chinh Bảo Đại nữa. Đầu những năm 60 thế kỷ XX, các cụ vẫn dùng đồng chinh. Khoảng từ giữa những năm ấy, 1964 - 1965 thì thưa dần và đến khoảng 1969 - 1970 thì không mấy ai dùng nữa.

Thế hệ chúng tôi hay dùng xu để... đánh đáo. Muốn đánh đáo thì phải có hòn cái. Lấy những cái vỏ hộp thuốc đánh răng, phải rất nhiều, phía đuôi hộp ấy, có một ít chì. Nung cho chảy ra thành những hòn cái, tùy tay mà nung hòn cái to hay nhỏ, nặng hay nhẹ. Đấy là vật bất ly thân trong túi quần của những thằng con trai sành điệu. Còn xu thì làm một chuỗi đeo ở cổ. Cái vòng xu ấy trên cổ đứa nào càng dầy thì thằng ấy càng oai. Có điều những đồng xu ấy thường bị bẹt dí hết ra, sứt sẹo... vì hậu quả của những ván đáo kịch liệt, kết quả của những va đập liên hồi giữa hòn cái và xu. Giờ, trẻ con không còn cái trò chơi thần thánh của chúng tôi thời ấy nữa. Thời ấy, đánh đáo, chơi khăng, chi chi chành chành... là thiên đường của chúng tôi.

Tiền xu một thời.

Tiền xu một thời.

Trên xu thì đến hào, đến đồng, và cao nhất là 10 đồng. Tờ 10 đồng màu đỏ, luôn được xếp thẳng tưng cất ở một nơi thiêng liêng nào đấy bởi ít ai dùng đến. Nó được kính cẩn gọi là Cụ Mượt. Lũ chúng tôi coi thường tất cả những hào những đồng, chỉ khoái xu, vì chỉ có xu chúng tôi mới đánh đáo được, và chúng tôi mới có quyền... sở hữu. Tờ 10 đồng đến ba chúng tôi có khi còn chả được cầm tới bởi nó phải do người to nhất nhà trịnh trọng cất giữ. Người to nhất tất nhiên là... mẹ.

Thời ấy hình như chưa ai biếu nhau tiền. Mừng tuổi bằng đồng chinh và xu, mà cũng rất hãn hữu. “Ví” của các bà ở nông thôn chính là cái bao lưng bằng lụa, đũi hay nhiễu ấy. Sau này trong bài thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc có nhắc đến cái bao lưng này: “Con sông Cầu làm bao xanh/ ngang lưng làng quan họ xanh xanh”. Là tôi hình dung nó là cái bao lưng ấy, chả biết có đúng không?

Sau này đi làm nhà nước thì xuất hiện... phong bì. Ban đầu thì... rón rén, đi họp biếu nhau cái phong bì mong mỏng, thay vì mời cơm trưa. Sau thì, phong bì dày lên dần và vẫn có... cơm trưa. Có hồi, phong bì như một chế độ công khai nữa, phàm cứ đi họp là có phong bì, như là một lẽ đương nhiên, một thu nhập chính đáng của công chức, có khi còn cao hơn lương. Và tiền phong bì ấy được ngân sách chi, được duyệt kế hoạch hẳn hoi. Giờ thì lại ít đi, một số nơi tuyệt nhiên không có, là phong bì họp chính thống ấy, còn các loại phong bì khác thì... muôn hình vạn trạng.

Về quê, đi đám cưới thấy bà con tới nơi, trước khi ngồi vào bàn, móc túi lôi ra nắm tiền, đếm đếm rồi... đưa cho gia chủ, có người còn đợi... thối. Tôi có lần buồn cười, bảo sao lại... trắng trợn thế, nhưng lại tắc lưỡi, nó còn hơn phong bì, nhiều lúc hình thức bỏ mẹ, nhất là một số cơ quan nhà nước, thi thoảng quyên góp, các ông bà bỏ tiền vào phong bì, đi vòng cái hòm xếp hàng rất trịnh trọng, mắt nhìn thẳng trang nghiêm, đến cái hòm thả tiền thì hai tay giữ chặt phong bì, chưa thả ngay mà mắt ngước lên để "bọn" tivi và chớp ảnh nó mần việc đã. Tiền phong bì do cơ quan mua, tính ra cũng kha khá, có khi bằng một xuất ủng hộ. Giờ về quê, nếu có việc, đám cưới hay đám ma, thường có người ngồi ngay ở vị trị thuận tiện, trước mặt là chồng phong bì, cụ nào cần chỉ việc đưa tiền, người ấy sẽ bỏ vào phong bì, ghi tên hộ, lịch sự nhé, không cần phải xếp hàng bỏ phong bì mắt nghiêm trang nhìn vào... ống kính.

Hôm rồi vào Sài Gòn, ngồi với mấy nhà báo nhà văn, nói đùa nhau chuyện... bao thơ. Ừ, Sài Gòn có cái từ bao thơ hay thiệt. Nó nhẹ, thanh và nhã, dù nó cũng đựng... tiền. Em gửi anh cái bao thơ. Nghe bẫng lên, như có như không, như hơi rượu, như... chả là gì cả, nhưng lại rất là gì, mà lại vẫn không là gì, chả như phong bì, nặng trịch, nghe thấy ngay bốc mùi... tiền. Nhận bao thơ thấy yên tâm hơn hẳn nhận... phong bì, ngôn ngữ nó kỳ diệu thế đấy.

Đám cưới thời bao cấp

Đám cưới thời bao cấp

Nhưng sau phong bì, sau bao thơ, thì bây giờ người ta... chuyển khoản. Ban đầu chuyển khoản rất an tâm, vì có vẻ như nó an toàn và nhanh. Anh bạn tôi, mỗi lần chuyển tiền cho con đi học, bảo tớ đi mail tiền cho con. Hết sức tiện, 30 giây là tiền đến nơi. Nhưng nếu là tiền đen, thì nó chính là nơi lưu lại dấu vết đậm đà nhất. Vừa rồi có mấy vụ tham nhũng lớn, người ta lần theo nhật ký chuyển khoản lôi ra khá nhiều chuyện. Nhưng “đậm đà bản sắc” nhất là có cái đám cưới vừa rồi, cô dâu chú rể tay lăm lăm điện thoại, khách đến là... quẹt. Tôi đã tròn mắt để xem cái clip hết sức... bốn chấm không ấy.

Thật, hồi tôi cưới vợ, 4 đứa bạn thân chung tiền mua một bộ ấm chén thủy tinh đến tặng, 5 đứa khác mua chung cái chậu men, thế mà có một ông đưa trực tiếp cái phong bì 5 đồng. Hai vợ chồng cứ đưa đẩy mãi, ngượng ngượng là, ai lại thế, dù trong bụng cũng... thích. Giờ đứng chặn ở ngay cổng hội trường đám cưới, ai vào cũng quẹt phát mới được vào, y hệt như ăn buffet ở khách sạn, muốn ăn phải cầm cái phiếu ăn hoặc thẻ phòng trình với nhân viên. Ừ thì, từ lâu lắm rồi, Hà Nội gọi ăn cưới là đi ăn cơm bụi giá cao mà? Có hẳn một vở kịch mang tên như thế thì phải.

Nhưng đâu chả biết, nhà tôi, cứ đúng giao thừa, cả nhà lại... lì xì cho nhau. Cái bao thơ màu đỏ, bỏ trong ấy tờ tiền mới nhất, tùy tâm. Bố mẹ về hưu rồi thì bỏ tờ 1 trăm, 2 trăm, các con đi làm thì tờ 500, có khi tới 2 tờ. Đến một lúc nào đấy mà mừng tuổi nhau cũng... chuyển khoản nhỉ?

Những đồng xu giờ hết thời rồi, chỉ còn trong ký ức thế hệ chúng tôi thôi, vang vọng mãi...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top