Aa

"Những giải pháp này, chúng tôi đã nói cách đây hàng chục năm"

Thứ Ba, 12/09/2017 - 06:01

Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông. Theo ông Thủy, những giải pháp đưa ra trong đề án chống ùn tắc vừa đoạt giải nhì không có gì mới, thực tế, Hà Nội đã và đang làm, thậm chí có những giải pháp, thế hệ ông đã đề xuất cách đây 20 năm.

Chiều 8/9/2017, Ban tổ chức cuộc thi Ý tướng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 đã tổ chức trao giải nhì (không có giải nhất) trị giá 100.000 USD cho  Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP)- Nikken Sekkei Civi Engineering LDT (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI).

Sau khi giải thưởng được trao, dư luận xuất hiện những ý kiến trái chiều. Xung quanh việc trao giải này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông.

PV: Mới đây. Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp UBND TP Hà Nội đã tổ chức trao giải cuộc thi "Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030" , trong đó giải nhì trị giá 100.000 USD thuộc về viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia. Là một chuyên gia gắn bó nhiều năm với lĩnh vực giao thông Hà Nội, đọc đề án của đơn vị đoạt giải, ông có quan điểm như thế nào?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Quan điểm của tôi nếu thưởng thì phải có nhưng nó có tương xứng với sự sáng tạo và đề xuất không, cái đó mới là quan trọng.

Việc này phải minh bạch, công khai, công bằng. Quan trọng nhất là đề án nêu ra phải khoa học, phải được trải nghiệm qua thực tiễn và cho hiệu quả, chứ không phải lý thuyết mà thưởng được.

Một công trình khoa học, một luận án tiến sỹ 4+4 phải bằng 8, chứ 4+4 =12 thì thưởng sao được. Đó là quan điểm của tôi.

PV: Hiện đang có luồng dư luận cho rằng đề án được thưởng không có gì mới so với những biện pháp đang triển khai và giống nghị quyết đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Đúng là vấn đề nêu ra không có gì mới. Thậm chí, thế hệ chúng tôi đã nói cách đây 10-15 năm rồi.

Đã là tầm nhìn và đề xuất phải có cái mới. Cái mới ở đây không phải là mới hoàn toàn nhưng phải mang tính ứng dụng và hiệu quả. Còn sao có thế nói chung chung theo kiểu "xây dựng đô thị phải có đường" được?

Thứ hai, nếu nói phải phát triển giao thông công cộng thì chúng tôi cũng đã nêu ra cách đây 20 năm. Việc này tôi từng có bài báo viết cách đây 20 năm đề cập đến. Tôi nói ra không phải để khoe mà để dẫn chứng. Vấn đề này các nhà khoa học đã nói cách đây lâu rồi, bây giờ nói lại có xứng đáng được thưởng hay không?

Thứ ba, có trường hợp nêu không hợp lý. Ví dụ, tuyến đường 5 làn xe thì bây giờ đổi thành, buổi sáng làn vào tăng 3 và dịch chuyển giải phân cách. Việc này đâu phải đơn giản có thể dịch chuyển được. Một con đường có giải phân cách cứng ở giữa. Bây giờ lấy bao nhiêu người để bê đi?

TS. Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Đất Việt

TS. Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Đất Việt

Còn một điểm nữa là tính sáng tạo không rõ ràng. Dùng những câu chữ hơi ẩn ý một tý chứng tỏ mình có nghiên cứu và có một phần hiểu biết nhưng những từ đó không có gì mới cả.

Chúng tôi đã nói rất nhiều lần, ùn tắc giao thông chủ yếu phải giải quyết ở ngã tư. Cứ nói rõ là ngã tư chứ không nên dùng những từ ngữ khó hiểu như Tes. Chúng ta là những người dân nên phải nói với nhau để hiểu chứ không phải để “dọa” người ta. Việc đó phải trong sáng, minh bạch, khoa học và phải tiếp cận với thực tiễn.

Việc trao thưởng như thế là quá vội. Ví dụ, anh nêu 7 điểm mà trong đó có một điểm hiệu quả rồi, qua thực tế rồi thì mới xứng đáng được thưởng. Còn anh nêu một loạt điểm mà toàn “chơi vơi”, người ta đã nói nhiều lần, thậm chí sách vở nói quá nhiều rồi thì thưởng như vậy là quá sớm.

Tôi cho rằng thưởng là tốt. Đây là cách động viên các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, thưởng theo cách châm trước là không được. Việc thưởng như vậy không khác nào ông “vừa đá bóng vừa thổi còi”. 

Một phần thưởng chưa thật xứng đáng, tự chấm với nhau, không cho báo chí biết, dư luận biết. Không có một hội đồng nghiêm túc. Ở đây chúng tôi không cần tham gia nhưng phải là những người có kinh nghiệm, có tâm huyết, có sự chân thành, trung thực và phải nghiên cứu rất kỹ mới làm được.

PV: Theo ông 7 giải pháp trong đề án đoạt giải có thể đem ra áp dụng vào thực tiễn?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Các giải pháp này không phải là không áp dụng được nhưng đây là những giải pháp người ta làm rồi và đang làm. Như tôi đã nói rất nhiều lần, việc đó phải diễn ra hàng chục năm, hàng mấy thập kỷ và phải tốn 20 tỷ USD, cùng thời gian và trí tuệ của con người mới chống được ùn tắc.

Bây giờ vấn đề anh nêu ra đã chống được ùn tắc chưa? Nếu bây giờ chưa làm được gì thì chưa nên thưởng.

Còn quan điểm, lấy xe buýt nhanh làm phương tiện chính trong giao thông công cộng, tôi cũng không đồng ý.

Trong tương lai át chủ bài vẫn là đường sắt đô thị. Còn xe buýt nhanh chỉ nên có vài tuyến thôi. Không thể cả Hà Nội này chuyển thành xe buýt nhanh hết. Nếu vậy người dân đi bằng gì? Ông dành 1/3 làn đường cho xe buýt nhanh thì người dân có đường đi nữa không?

Tôi thấy việc này thiếu thực tế và bảo thủ. Bao nhiêu báo đài đã nêu việc làm xe buýt nhanh là sai lầm rồi. TP.HCM bây giờ người ta cũng phải giảm bớt xe buýt nhanh thì Hà Nội vẫn khăng khăng quan điểm lấy xe buýt nhanh làm chủ lực, đây là một quan điểm sai.

PV: Vậy theo quan điểm của ông, một đề án như vậy có xứng đáng với giải thưởng được trao?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Việc trao giải là của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, việc trao giải đó có xứng đáng hay không, có tạo ra lòng tin cho người dân hay không, có tạo ra hiệu quả chống ùn tắc hay không? Đó là câu hỏi của người dân. Tôi thì cho rằng, không nên trao giải vội như thế.

PV: Hiện có một số ý kiến cho rằng, thay vì trao một giải thưởng như vậy, Hà Nội nên giữ lại số tiền trên để bổ sung cho công tác tổ chức chống ùn tắc giao thông, như xây dựng thêm bãi đỗ xe, cầu vượt, mở mang thêm tuyến đường... Quan điểm của ông về việc này thế nào?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Đúng vậy! Bây giờ bao nhiêu vấn đề ở Hà Nội đều cần đến tiền để giải quyết. Tại sao, chúng ta không dùng những đồng tiền quý giá đó để làm những điều phù hợp để chống ùn tắc, giảm bớt ô nhiễm và tai nạn? Trong điều kiện hiện nay, mỗi một tỷ hay một đồng đều quý cả chứ không thể đem tiền ra thưởng một cách đơn giản như vậy.

Phải hết sức cầu thị. Kể cả chủ trương đề ra sai thì phải sửa. Thậm chí xin lỗi người dân là chúng tôi hơi vội vàng, chúng tôi sẽ giữ tiền lại để làm việc khác.

Thành phố nên tập trung vào làm thêm cầu vượt, hè phố, cầu vượt ngã tư, chỗ đỗ ô tô, phát triển giao thông công cộng... Tôi nghĩ còn tốt hơn là "cố đấm ăn xôi". Tức là đã đề ra là phải làm cho được và phải tiêu tiền cho được. Nếu như vậy tôi nghĩ là không nên. Tiêu tiền phải đúng mục đích, nó tạo ra hiệu quả cho xã hội thì sẽ tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top