Aa

Những hạt giống của cơn mơ

Thứ Ba, 03/03/2020 - 06:30

Như một người lạc lõng và hão huyền giữa thời đại mình đang sống, trong ngày đầu của năm mới, tôi cất tiếng hỏi: Có ai chuẩn bị những hạt giống của giấc mơ không?

Câu hỏi này không phải bây giờ mới có trong tôi mà đã có từ lâu. Tôi và không ít người đã cất tiếng, nhưng đáp lại là sự hờ hững như là không ai nghe thấy. Hay nói chính xác hơn, là quá ít người nghe thấy hoặc nghe thấy nhưng họ đã bỏ đi. Bởi hai từ giấc mơ vang lên như chẳng có ý nghĩa gì, chẳng làm ai thấy rung động. Giấc mơ là gì mà sao tôi lại phải nói đến như một nỗi dày vò khôn nguôi trong khi hầu hết chúng ta bị cuốn vào sự mê đắm của những lợi ích cụ thể nhìn được trong mắt và cầm được trong tay?

Tôi chỉ muốn chúng ta dừng lại một khắc của một năm để nhìn vào chính mỗi ngôi nhà của chính chúng ta và tự hỏi: Có bao giờ chúng ta nói với nhau trong một buổi tối nào đó về những giấc mơ của mình. Và chúng ta, những người thấu hiểu đời sống này, sẽ giật mình nhận ra rằng: Đã từ lâu, từ lâu lắm rồi, chúng ta không còn nói về những giấc mơ của mỗi chúng ta nữa.

Sẽ không ít người lên tiếng nói với tôi bằng một cử chỉ khó chịu hoặc bằng một âm giọng mỉa mai rằng: Ngươi cứ tiếp tục gieo cái thứ hạt giống đó của ngươi. Còn ta, ta chẳng cần thứ hạt giống đó để làm gì. Đúng vậy. Quá nhiều người không bao giờ hình dung ra thứ hạt giống đó và không hề tin thứ hạt giống đó có chút ý nghĩa gì đó với cuộc sống của họ. Nhưng đấy chính là sự lầm lạc. Và sự lầm lạc này hình như cũng không bao giờ hiện rõ để nói về chính nó với những người bị nó làm cho u uẩn và hoảng loạn.

Năm 2008, có một sự kiện diễn ra trên thế giới làm tôi suy nghĩ mãi. Đó chính là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Một người đàn ông da màu còn rất trẻ và ít danh tiếng đã trở thành Tổng thống Mỹ, ngài Barack Obama. Không ít người nhầm tưởng rằng ông được bầu làm Tổng thống Mỹ là do sự thăng hoa của chủ nghĩa bình đẳng sắc tộc. Nhưng thực tế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ, theo những nhà hoạt động và nghiên cứu xã hội, vẫn là một cơn ác mộng đối với những người da màu. Vậy điều gì đã làm cho một dân tộc được coi là thực dụng nhất đã bỏ phiếu lựa chọn Obama? Đó là bởi trong một ngày, khi Obama đi qua họ thì họ bỗng nhận ra những cái cây của giấc mơ mọc lên lộng lẫy trong tâm hồn họ. Bản chất và hiện thực của nước Mỹ vẫn không có một chút gì thay đổi khi Obama trở thành Tổng thống. Chỉ có một thứ đổi thay. Đó là giấc mơ của người Mỹ về một tương lai đẹp đẽ ngập tràn chủ nghĩa nhân văn. Và họ đã đi theo kẻ gieo những hạt giống của giấc mơ vào con người đang hoảng sợ và vô vọng của họ.

Nếu chúng ta có thời gian, chúng ta sẽ hồi tưởng lại trong một năm chúng ta đã sống như thế nào trong chính ngôi nhà của mình. Tôi chỉ nói về ngôi nhà của mỗi chúng ta mà không nói đến những không gian rộng lớn hơn. Tôi chỉ chọn lựa một không gian mà ở đó chứa đựng nhiều lý do nhất để mỗi chúng ta gieo những hạt giống của giấc mơ vào chính mảnh đất của tâm hồn mình và của những người thân bên cạnh chúng ta. Một việc rất nhỏ đã mất đi trong những ngôi nhà chúng ta làm tôi buồn bã và nuối tiếc. Đó là những buổi tối, những người già kể cho những đứa trẻ nghe những câu chuyện cổ tích.

Tôi đã nói đến điều này trên Vietimes, chuyên trang của báo Vietnamnet và tôi đã bị không ít bạn đọc mỉa mai, thậm chí nhạo báng. Nhưng tôi không hề giận các bạn. Trên một bức tường đã cũ ở làng Chùa của tôi có một câu nói của những người nông dân: Người yêu thơ và ta yêu người. Nhưng người không yêu thơ ta phải yêu người hơn. Thơ ca ở đây không phải là những bài thơ cụ thể. Đó chính là những giấc mơ về cuộc sống này. Bởi thế, chúng vừa thương, vừa lo sợ cho những kẻ không mang trong mình những giấc mơ đẹp ấy.

Và những câu chuyện cổ tích không chỉ là những câu chuyện cổ tích. Ở đó chứa đựng những giấc mơ đẹp đẽ và nhân ái về thế giới. Khi tâm hồn chúng ta đã vắng những giấc mơ, khi đôi cánh của tâm hồn chúng ta không còn da diết đập, thì chúng ta bắt đầu trở về thế giới của mình ngay trên chính những con đường hiện đại siêu tốc của chúng ta.

Hàng triệu đứa trẻ đang lớn lên từ những ngôi nhà của chúng ta. Nhiều lúc, chúng ta trở về và nhìn thật sâu vào ngôi nhà của chính mình. Chúng ta mới giật mình vì sự hoang vắng của ngôi nhà. Đó sẽ chỉ là một thế giới chết nếu không có những con người mang trong họ những giấc mơ đẹp về thế gian này. Có lẽ vì thế mà nhiều lúc chúng ta nổi giận, chúng ta u uất, chúng ta hoảng loạn… nhưng không hiểu vì đâu.

Những công dân tương lai của chúng ta sẽ ra sao khi lớn lên từ những ngôi nhà ấy. Chúng ta đã và đang mắc một sai lầm hệ trọng khi nghĩ rằng chúng ta đã mang lại cho những đứa trẻ tất cả những gì chúng cần với mọi thứ vật chất tốt nhất như quần áo, thực phẩm, đồ chơi... Có bao nhiêu người mẹ, người cha hay thầy, hay cô, nói cho chúng nghe về những điều kỳ diệu ở ngay bên ngoài ô cửa phòng ngủ và phòng học của chúng. Không! Chúng ta đã đã quên lãng điều ấy từ lâu rồi. Và chính vì thế mà khi những đứa trẻ lầm đường lạc bước thì chúng ta không hiểu vì sao lại như vậy.

Không chỉ trong những ngôi nhà của chúng ta, mà trong từng lớp học và nhiều nơi chốn khác, chúng ta gần như không được nhìn thấy bóng dáng và giọng nói của những người gieo hạt giống của giấc mơ vào những đứa trẻ và vào chính chúng ta. Chúng ta mới chỉ lo sợ đến sự đau ốm sinh học của những đứa trẻ, trong khi đó lại quá ít lo sợ cho những cơn đau ốm thuộc về tâm hồn của chúng. Và nếu chúng ta có lờ mờ nhận ra những cơn đau ốm tâm hồn của những đứa trẻ thì chúng ta cũng không biết phải chữa chạy như thế nào.

Bởi chúng ta đã lãng quên những giấc mơ của chính mình. Và khi chúng ta xoè bàn tay của tâm hồn chúng ta ra, chúng ta chẳng thấy một hạt giống nào của giấc mơ trong cả hai lòng bàn tay ấy. Cho đến lúc đó, chúng ta mới nhận ra rằng: Chúng ta thực sự là những kẻ nghèo đói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top