Aa

Những hoạt động tham vấn, phản biện chính sách hiệu quả của VNREA

Thứ Sáu, 08/09/2017 - 06:01

Sau 15 năm thành lập, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự bình ổn cũng như phát triển của thị trường BĐS Việt Nam. Vai trò quan trọng đó được thể hiện rõ nét qua những hoạt động tham vấn, kiến nghị và phản biện chính sách hiệu quả, vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp cũng như vì sự phát triển chung của thị trường, được Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương đánh giá cao.

1. Thúc đẩy phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam

Ngày 26/5 vừa qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã chủ trì tổ chức buổi Hội thảo khởi động “Chương trình phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam”.

Đây là hoạt động khởi động kế hoạch hoạt động 5 năm (2017-2022) cho Chương trình Phát triển Xanh và Bền vững, với mục tiêu chính là thu hút các chủ đầu tư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS phát triển các Công trình Xanh trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt chương trình nhằm kêu gọi, vận động các chủ đầu tư, doanh nghiệp cam kết phát triển số lượng Công trình Xanh theo định mức từng năm với Bộ Xây dựng.

Đại diện Capital House ký cam kết tài trợ ban đầu cho chương trình.

Đại diện Capital House ký cam kết tài trợ ban đầu cho chương trình.

Những chủ đề trọng tâm đã được thảo luận trong Hội thảo như: Làm rõ khái niệm Công trình Xanh (khu biệt trong điều kiện Việt Nam); làm rõ ý nghĩa và giá trị thiết thực của việc phát triển Công trình Xanh đối với thị trường BĐS Việt Nam.

Đánh giá thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường BĐS Xanh (Công trình Xanh) tại Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Nêu lên những kinh nghiệm thực tế về việc phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam thời gian vừa qua; đồng thời trao đổi các kinh nghiệm quốc tế về phát triển Công trình Xanh có nhiều khả năng ứng dụng cho Việt Nam.

Đưa ra các kiến nghị, góp ý với cơ quan quản lý Nhà nước để thúc đẩy công tác phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam thực sự nhanh và bền vững; Góp ý để xây dựng Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam của chúng ta thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực.

Ảnh minh họa: Trần Kháng.

Hiệp hội BĐS Việt Nam có vai trò lớn trong việc bình ổn, phát triển thị trường BĐS. Ảnh minh họa: Trần Kháng.

2. “Cởi trói” cho phân khúc Condotel 

Sự xuất hiện của mô hình căn hộ khách sạn tại Việt Nam đã tạo nên một xu hướng đầu tư mới ngày càng trở lên mạnh mẽ trên thị trường. Theo dự đoán của các chuyên gia, Condotel ven biển sẽ phát triển sôi động trong thời gian tới do nguồn cung vốn đang trên đà tăng trưởng với nhiều dự án đã hoàn thành và rất nhiều dự án đã, đang và sẽ triển khai. Trong bối cảnh đó, cơ chế pháp lý rõ ràng cho hình thức Condotel ven biển là vấn đề không còn nằm ở việc dự báo phát triển mà là giải quyết vấn đề nảy sinh khi thực tế và pháp luật chưa điều tiết.

Để góp phần giải quyết những bất cập, khó khăn của các doanh nghiệp, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân đối với loại hình BĐS căn hộ khách sạn, ngày 16/01/2017, Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp với Báo Xây dựng tổ chức Hội thảo “Toàn cảnh thị trường BĐS, phân khúc Condotel - Cơ hội và thách thức”. Hội thảo đã tập hợp được tiếng nói chung của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế - BĐS trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đầu tư BĐS. Đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có dự án căn hộ khách sạn Condotel.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị từ các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp BĐS, đầu tháng 3/2017, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có Báo cáo số: 03/2017/BC-VNREA, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về một số kiến nghị của Hiệp hội liên quan tới phân khúc BĐS Condotel ven biển. Cụ thể:

Về quy hoạch, đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép trong thời gian chưa điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần có hướng dẫn cụ thể thống nhất các khái niệm mới, tỷ lệ đất xây dựng Condotel trong từng dự án, thủ tục hành chính thống nhất… cho các doanh nghiệp và người dân, để tháo gỡ khó khăn trên.

Về quy chuẩn kỹ thuật và quy chế quản lý vận hành Condotel ven biển, đề nghị Bộ Xây dựng cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật riêng cho condotel ven biển trên cơ sở phù hợp với mục đích, yêu cầu sử dụng của dòng BĐS này.

Đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch sớm ban hành quy định về quy chế quản lý, vận hành riêng cho condotel ven biển, đảm bảo Condotel ven biển có cơ chế quản lý như quản lý khách sạn.

Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ khách sạn (Giấy chứng nhận) cho khách hàng mua Condotel ven biển, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các Bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận cho loại hình BĐS này theo hướng cá nhân, tổ chức có thể mua căn hộ condotel ven biển (không phải dưới dạng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án) và được cấp Giấy chứng nhận, dù Dự án Condotel ven biển đó được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ hay đất ở không hình thành đơn vị ở.

Về thời hạn sở hữu Condotel ven biển, đề nghị Bộ tài nguyên và Môi trường phối hợp các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung Luật đất đai cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và doanh nghiệp đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng giải quyết được khó khăn nêu trên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép sửa đổi một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 như sau:

Bổ sung vào khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai về đất phi nông nghiệp loại đất ở không hình thành đơn vị ở; Bổ sung vào Điều 55 Luật Đất đai về trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với các dự án BĐS nghỉ dưỡng được quy hoạch xây dựng trên đất ở không hình thành đơn vị ở.

Để xử lý kịp thời một số vấn đề thực tiễn phát sinh liên quan đến công tác quản lý loại hình công trình căn hộ khách sạn - condotel, văn phòng kết hợp lưu trú - officetel, biệt thự nghỉ dưỡng - resort, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề xuất một số giải pháp “gỡ rối” cho các loại hình này.

Về chuyển nhượng Hợp đồng mua bán Condotel, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền quy định chi tiết về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình (không phải là nhà ở) hình thành trong tương lai, nhằm tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và khách hàng khi có nhu cầu. Cụ thể, cần sửa Điều 59 Luật kinh doanh BĐS bổ sung trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình (không phải là nhà ở) hình thành trong tương lai và có hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình hình thành trong tương lai.

Về vấn đề sở hữu Condotel ven biển của cá nhân nước ngoài, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền sửa đổi quy định này theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài được mua Condotel ven biển để đầu tư kinh doanh và, vì mục đích quản lý, có thể quy định các hạn chế đối với cá nhân nước ngoài khi sở hữu Condotel ven biển tương tự như đối với nhà ở như: hạn chế số căn được sở hữu trong một khu vực, hạn chế về thời hạn sở hữu nhằm mở ra cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư rất tiềm năng về cho đất nước.

Về mặt tài chính, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm quy định và hướng dẫn cụ thể về quyền được cấp Giấy chứng nhận của người mua căn hộ nghỉ dưỡng như Hiệp hội đã đề xuất ở trên. Đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ có các quy định cụ thể hướng dẫn về thế chấp căn hộ nghỉ dưỡng để vay vốn đồng thời có thể xem xét ưu tiên cho vay đầu tư các dự án BĐS nghỉ dưỡng nói chung và Condotel ven biển nói riêng nhằm thúc đẩy sự phát triển của dòng sản phẩm này trong thời gian sắp tới.

Về vấn đề đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật đấu nối đến chân và xung quanh các dự án BĐS nghỉ dưỡng để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khai thác dự án.

3. Xác định "danh phận" rõ ràng cho Office-tel

Tháng 3/2017, Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Thị trường căn hộ - văn phòng (Office – tel): Nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ”.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Trần Nam chủ trì Hội thảo.

Sự xuất hiện của dòng sản phẩm Office – tel là tất yếu và phù hợp với xu thế chung của thế giới nhưng nảy sinh những vướng mắc cần giải quyết cho thị trường BĐS mà nổi cộm là vấn đề khung khổ pháp lý cho loại hình sản phẩm này. Hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa chính thức công nhận loại hình sản phẩm BĐS này (Office – tel chưa được xếp vào loại hình văn phòng cho thuê, chưa được công nhận là căn hộ chung cư và nếu theo Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thì các tổ chức, cá nhân không được sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng).

Để phát triển các dự án Office – tel, các chủ đầu tư vẫn đang phải “lách luật”; điều này dẫn đến những rủi ro lớn cho cả chủ đầu tư và khách hàng. Bên cạnh đó là việc phải đánh giá được tiềm năng và quy mô thực sự của thị trường từ đó có các định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước cho việc phát triển phân khúc Office –tel là điều rất cần thiết.

do những đóng góp của Hiệp hội BĐS Việt Nam trong sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua, tại Hội nghị, Hiệp hội BĐS Việt Nam vinh dự đón nhận cờ thi đua của Chính phủ.

Do có đóng góp trong sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam vinh dự đón nhận cờ thi đua của Chính phủ.

Hội thảo dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam; đại diện Bộ Xây dựng và đại diện một số tổ chức liên quan… đã hướng đến giải quyết được các vấn đề: Làm rõ những khái niệm căn hộ - văn phòng (Office – tel); định hình, khuyến nghị địa bàn phát triển; đối tượng khách hàng; Đánh giá được thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường Office – tel tại TP. HCM, Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn của Việt Nam nói chung; Nêu lên những vướng mắc pháp lý của phân khúc thị trường Office – tel hiện nay; Đưa ra kinh nghiệm quốc tế về thị trường này; Đưa ra các kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về việc công nhận loại hình sản phẩm này; đề xuất định hướng xây dựng khung khổ pháp lý để thị trường phát triển thị trường Office – tel một cách minh bạch và bền vững…

4. Đề xuất 5 giải pháp để ổn định và phát triển thị trường

Tháng 10/2016, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường BĐS thời gian qua; đồng thời đề xuất 5 giải pháp để ổn định và phát triển thị trường này trong thời gian tới.

Tại Hội nghị thường niên gặp mặt hội viên Hiệp hội BĐS Việt Nam năm 2017 (VNREA 2017, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đã tuyên dương vai trò của Hiệp hội BĐS Việt nam – tổ chức xã hội nghề nghiệp có nhiều đóng góp trong phản biện chính sách, phổ biến triển khai các luật quan trọng trong lĩnh vực BĐS, làm tốt công tác kết nối các thành viên của Hiệp hội với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu; tổ chức các hội nghị, hội thảo - kênh thông tin quan trọng để cơ quan nhà nước lắng nghe, nắm bắt các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp từ đó điều chỉnh bố sung các chính sách phát triển thị trường BĐS.

Đặc biệt, do những đóng góp của Hiệp hội BĐS Việt Nam trong sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua, tại Hội nghị, Hiệp hội BĐS Việt Nam vinh dự đón nhận cờ thi đua của Chính phủ.

Trước tiên, để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, qua đó cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở, Luật nhà ở đã có quy định cụ thể về chính sách phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1013/QĐ-TTg quy định về lãi suất cho vay đối với các đối tượng được mua nhà ở xã hội từ Ngân hàng chính sách – xã hội. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn vốn chưa được các Bộ trình Chính phủ và trình Quốc hội.

Vì vậy, mặc dù có định hướng, chính sách, song chưa có quy định cụ thể và chưa được bố trí nguồn nên các chính sách này vẫn chưa đi vào thực tiễn. Hiệp hội BĐS Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét và thúc đẩy việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và kiên trì thực hiện chính sách đã được nêu ra tại Luật nhà ở cũng như các văn bản quy định pháp luật đã ban hành, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: Trần Kháng.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: Trần Kháng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (căn hộ chung cư có diện tích dưới 75m2) giá bán thấp (dưới 15 triệu/m2 ) như giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Sắp tới cần có sự phân biệt về thuế, tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn giữa các dự án nhà ở thương mại cao cấp và nhà ở thương mại giá thấp và coi đây là chính sách lâu dài nhằm cân đối cung cầu của thị trường BĐS.

Ngoài ra, theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, để điều tiết lượng hàng hóa và cân đối sản phẩm BĐS phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn cần có chương trình, kế hoạch không chỉ phát triển nhà ở chung chung mà cần xác định rõ tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phân khúc trung bình, thấp và nhà ở cao cấp với diện tích, khu vực cụ thể.

Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các thủ tục hành chính, quyết định việc cấp đất dự án, xác định tiến độ của các dự án hợp lý phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương mình ở từng thời điểm phát triển. Đề nghị Chính phủ có chế tài và tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương.

Chính sách tín dụng, nguồn vốn cho thị trường BĐS có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh và ổn định. Vì vậy, Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị có sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan và Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết nguồn tín dụng hợp lý, tránh tập trung tín dụng quá lớn vào một số phân khúc hoặc một số chủ đầu tư. Bên cạnh đó, cần đảm bảo chính sách nuôi dưỡng và phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại trung bình, thấp để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân đặc biệt là nhu cầu nhà ở của đối tượng chính sách của Nhà nước.

Trong luật nhà ở và luật kinh doanh BĐS có quy định về việc hạn chế phát triển, giao dịch đất đai, BĐS tại các khu vực có liên quan tới an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Nghị định của Chính phủ đã giao cho các Bộ Quốc phòng, Công an xác định rõ vị trí các khu vực này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể và chưa công bố rộng rãi nên các chính quyền địa  phương, chủ đầu tư và người dân không nắm được.

Điều này dẫn đến nhiều dự án BĐS ở các địa bàn nhạy cảm chưa có biện pháp để quản lý chặt chẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, và việc đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng có quy định cụ thể, làm cơ sở cho các cơ quan liên quan triển khai thực hiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top