Aa

Nigeria - thị trường bất động sản "hot" nhất châu Phi

Chủ Nhật, 25/03/2018 - 06:00

Hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài đang chạy đua để có thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở của một thị trường màu mỡ nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả.

Thủ đô Lagos của Nigeria nhìn từ trên cao

Thủ đô Lagos của Nigeria nhìn từ trên cao

Thị trường bất động sản khu vực hạ Sahara ở Châu Phi đang trải qua một giai đoạn phát triển tựa như "cơn sốt" tìm vàng của nước Mỹ thời Viễn Tây. Trong khi dân số các nước đang bùng nổ và ngày càng giàu lên trong bầu không khí hòa bình, quỹ đất nhà ở lại đang thu hẹp dần do biến đổi khí hậu và nhu cầu tăng của các ngành công nghiệp. Đón đầu xu thế này, hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài đang chạy đua để có thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở của một thị trường màu mỡ nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả.

Trong số các nước vùng hạ Sahara, Nigeria hiện đang là điểm đến thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất. Nigeria có dân số hơn 170 triệu người đang ở trong độ tuổi lao động và là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai châu Phi. Năm 2016, Nigeria đã vượt Nam Phi để trở thành nền kinh tế lớn nhất "Đại lục Đen". Với tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều thêm và giàu lên, nhu cầu về nhà ở tại Nigeria là rất lớn, đặc biệt là tại các vùng đô thị. Một căn hộ hạng trung ở vùng nội đô thành phố Lagos của nước này hiện có giá thuê 1.000USD/tháng, trong khi chỉ 8 năm trước đây giá còn giữ ở mức 680 USD/tháng.

Một ngôi nhà cổ có từ thời thực dân Anh. Sở hữu một căn nhà như thế này là minh chứng rõi ràng cho sự giàu có của một người Nigeria

Một ngôi nhà cổ có từ thời thực dân Anh. Sở hữu một căn nhà như thế này là minh chứng rõ ràng cho sự giàu có của một người Nigeria

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, Nigeria cần có thêm 16 triệu căn nhà mới trong vòng 5 năm nữa để có thể giải quyết được cơn khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung nhà ở tại nước này. Tổng giá trị của số nhà đó ước tính vào khoảng 350 tỷ USD, một con số quá lớn so với tiềm lực tài chính của chính phủ. Vì thế mà nhà nước Nigeria buộc phải đưa ra liên tiếp những chính sách có lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để khu vực tư có điều kiện thích hợp để lấp được chỗ trống trên thị trường bất động sản. 

Ngoài chính sách khuyến khích đầu tư, các cá nhân và tổ chức nước ngoài còn ưa thích Nigeria vì sự đa dạng trong nhu cầu của thị trường bất động sản. Các phân khúc nhà ở, nhà máy, cơ sở hạ tầng, hệ thống thương mại,... đều đang chứng kiến sự nhảy vọt về nhu cầu. Ví dụ như người thuê văn phòng ở Nigeria hiện nay phải trả trung bình 50 - 55USD/m2/năm, đắt hơn cả tiền thuê nhà tại các thành phố lớn của Mỹ. Thế mà bài toán khó nhất mà mọi doanh nghiệp Nigeria đang phải đối mặt là tìm cách "chen chân" được để có thể có cơ hội thuê văn phòng.

Hiện, đã có những dự án bất động sản đầy tham vọng được triển khai tại Nigeria, trong khi mười năm trước đây không ai có thể nghĩ chúng lại có thể được dựng lên ở đất nước Trung Phi nghèo này. Dự án siêu trung tâm thương mại Ikeja City Mail ở thành phố Lagos là một ví dụ điển hình. Rộng gần 300.000m2, Ikeja City Mail tựa như một thành phố nhỏ, với đầy đủ tiện nghi về chỗ ở, mua bán, giải trí, chăm sóc sức khỏe,... cho khách hàng.

Một góc của Ikeja City Mail trong giờ cao điểm

Một góc của Ikeja City Mail trong giờ cao điểm

Tất nhiên, việc đầu tư bất động sản ở Nigeria cũng tiềm ẩn những rủi ro của riêng nó, đặc biệt với các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Đầu tiên là hệ thống luật pháp của nước này còn có phần thiếu hoàn chỉnh. Đã và đang có rất nhiều đối tượng lợi dụng những kẻ hở này để lừa đảo các nhà đầu tư ngoại quốc cả tin. Chưa kể việc bộ máy nhà nước làm việc còn tắc trách, quan liêu, thậm chí tham nhũng.

Nếu nhà đầu tư nước ngoài không muốn mất tiền oan tại Nigeria, đặc biệt trong bối cảnh chi phí xây dựng ở nước này lại đang trở nên ngày càng đắt đỏ, thì lời khuyên tốt nhất là hãy thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn. Với tư cách pháp nhân đầy đủ, nhà đầu tư sẽ nhận được sự bảo vệ phần nào của luật pháp cùng các công ty bảo hiểm, đồng thời còn có thể được phép tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm của những nhân viên bản xứ tuyển mộ được để tránh các tai họa khó lường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top