Aa

“No cơm tấm, ấm ổ rơm”

Chủ Nhật, 23/12/2018 - 06:00

Thời xưa đói khát triền miên, mỗi lần được mẹ nấu cho nồi cơm tấm ăn với chút dưa chua, mắm cua cũng thấy như được ăn cỗ. Nay lớn lên đi ra ngoài, đã từng đi ăn bao nhiêu nhà hàng cơm tấm nhưng rồi vẫn thấy không ngon bằng cơm tấm mẹ nấu xưa.

Ấy là cái câu cửa miệng dân làng tôi hay nói với nhau xưa.

Ngày xưa hồi tôi còn bé, nhà nghèo. Mà chẳng cứ nhà tôi, ngày ấy cả làng cả nước đều nghèo. Tài sản quý giá nhất hình như chỉ là những hạt thóc. Mùa màng gặt hái xong được chút nào là phơi khô quạt sạch cho vào bồ trong buồng cất kỹ. Thóc ngày ấy quý lắm. Quý đến nỗi có một thời kỳ nền kinh tế nước ta có thuật ngữ, “quy ra thóc”! Cái gì, sản phẩm gì cũng quy ra thóc tất! Hạt thóc là hạt vàng kia mà.

Mỗi tháng một lần, mẹ tôi đong vài thúng thóc trong bồ ra, sai anh em tôi buổi chiều ở nhà không phải đến trường thì cho thóc vào cối xay. Xay thóc là một việc cực nặng nhọc với mấy đứa trẻ choai học cấp 1, cấp 2 khi ấy. Kéo cái cối xay đan bằng tre, trong nện đất sét và đóng dăm gỗ nhãn đến thót cả rốn. Cực lực cả buổi chiều mới xong. Để tối mẹ đi làm hợp tác xã về sẽ tranh thủ sàng sẩy. Xong rồi hôm sau lại phải đi giã gạo. Xay thóc thì mỏi tay. Giã gạo thì mỏi chân. Vì phải đứng nhún cái cần cối liên tục. Thỉnh thoảng có nghỉ giải lao tí để ra đảo gạo cho đều. Bao giờ thấy gạo trắng, lớp cám đã hầu như bong ra hết khỏi hạt gạo mới thôi. Nếu mà giã gạo không trắng, về có khi bị mẹ mắng và bố tôi thì không nói nhiều, có thể sẽ cho ngay vài roi vào đít vì cái tội làm ăn gian dối...

Buổi tối mẹ tôi thắp đèn lên dần gạo. Cám ra cám, gạo ra gạo. Những hạt gạo trắng tinh như ngọc đổ vào cái vại bằng sành để trong góc buồng. Mỗi bữa nấu cơm tôi thường được dặn trước là hôm nay đong bao nhiêu để nấu cho vừa. Năm nào mất mùa chả đủ gạo ăn thì thường độn thêm ngô khoai. Phần cám vừa dần ra mẹ tôi thường làm cái động tác gì đấy mà lâu ngày tôi quên mất tên rồi, cũng chỉ bằng cái dần ấy thôi, mẹ lắc cổ tay rất dẻo để gạn ra phần tấm. Còn lại chỉ là phần cám màu nâu mới cất đi dành cho chú ỉn của nhà. Phần tấm vừa gạn ra kia được mẹ ngồi tỉ mẩn nhặt sạch sẽ sạn bẩn rồi cất riêng. Một hôm nào rỗi rãi mẹ tôi thường tự tay nấu cơm tấm cho ăn. Chính xác là cơm ghế tấm. Tôi cũng chả biết mẹ nấu thế nào. Thế nhưng với anh em tôi đó là những bữa cơm ngon lạ. No rất lâu. Sau này lớn một chút, học môn sinh vật ở trường, tôi mới biết những hạt tấm đó chính là phần hạt mầm để nảy cây lúa nên nó có nhiều chất dinh dưỡng hơn. Nó thơm ngon và bổ béo hơn hẳn phần thân to hạt gạo. Vì vậy mà cơm tấm thơm ngon no lâu.

Hơi ấm ổ rơm ngày đông giá (Nguồn ảnh minh họa: Báo Đắk Lắk

Hơi ấm ổ rơm ngày đông giá (Nguồn ảnh minh họa: Báo Đắk Lắk)

Thời xưa đói khát triền miên, mỗi lần được mẹ nấu cho nồi cơm tấm ăn với chút dưa chua, mắm cua cũng thấy như được ăn cỗ. Nay lớn lên đi ra ngoài, đã từng đi ăn bao nhiêu nhà hàng cơm tấm nhưng rồi vẫn thấy không ngon bằng cơm tấm mẹ nấu xưa. Thảo nào người ta có câu: chuẩn cơm mẹ nấu! Cơm mẹ nấu bao giờ cũng ngon nhất.

Ngày ấy mỗi lần đến mùa gặt tháng mười, bố thôi thường rũ lấy ít rơm nếp, túm lại thành những bó nhỏ, gọi là con đai, mắc lên hàng rào phơi khô. Rồi cất đi. Rơm nếp phơi khô mùi rất thơm. Đến ngày đông tháng giá bố tôi đem những con đai rơm nếp đã phơi khô kia ra bện ken chặt thành một cái nệm rơm dày dặn trên giường và trải chiếu lên. Ông bảo đấy là trải ổ rơm. Ngày ấy cả làng cũng chả nhà ai có đệm như bây giờ. Chăn bông là một thứ quý giá chỉ để đắp chứ không có để mà trải nằm. Bởi nó sẽ xẹp rất nhanh và mất hơi ấm. Thế nên nhà tôi và cả làng hầu như đều trải ổ rơm để nằm ngủ chống lại cái rét của những đêm đông dài xứ Bắc. Mà hình như ngày xưa rét hơn bây giờ. Bởi tôi nhớ xưa mỗi khi vào tiết đại hàn, bọn trẻ chúng tôi rất hay ra đầm sen và các hồ ao để bắt cá rô chết cóng. Vạch đám bèo tây và lá sen khô già ra, thấy những con cá rô cụ to, béo núc, đen sì, lạnh quá không bơi trốn nổi nữa cứ đờ ra. Chỉ việc tóm lấy cho vào giỏ. Về nhà bỏ vào chum dội thêm cho chút nước nóng lại quẫy loạn xạ. Dịp nào bắt được nhiều có thể nhốt cả lũ trong chum ăn dần. Cá rô nướng rơm chín thơm điếc mũi, gỡ thịt nạc cho vào bát nước mắm ăn với cơm nóng thì quả là một sự tiệc tùng...

Ăn no bụng rồi, nhảy lên cái giường êm ấm thơm nức mùi rơm nếp, trùm chăn kín đầu, rúc vào nách bố đòi nghe chuyện đánh Tây đánh Mỹ rồi lăn ra ngủ lúc nào không biết là một trong những ký ức êm đềm của trẻ thơ xưa.

Nay bố tôi khuất núi đã lâu. Làng tôi cũng chả ai còn nằm ổ rơm nữa. Thế nhưng mỗi khi đến vụ gặt tháng mười, đi đâu đó qua cánh đồng ngửi thấy mùi rơm nếp thơm nức tôi lại nhớ đến cái ổ rơm của bố tôi thời xa xưa đó. Cái ổ rơm đã ủ ấm cho anh em tôi lớn lên qua một thời gian khó...

Không biết có ai đã từng nằm ổ rơm mùa đông như tôi không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top