Aa

Nợ tiền BHXH, chủ công trình 8B Lê Trực có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thứ Sáu, 16/03/2018 - 21:01

“Căn cứ theo khoản 3 Điều 216 Bộ luật hình sự thì chủ lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”, Luật sư Hoàng Tùng nhận định về hành vi nợ gần 2 tỷ đồng tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) của Công ty CP May Lê Trực.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Hà Nội, tính đến hết ngày 28/2/2018, Công ty Cổ phần May Lê Trực còn nợ 1.822,2 triệu đồng tiền BHXH, BHYT của 95 người lao động, trong đó số nợ đã lên tới 13 tháng. 

Công ty Cổ phần May Lê Trực (Tầng 6 tòa nhà Kinh Đô số 93 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thành lập ngày 24/12/1999, có trụ sở tại số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là  một trong 8 công ty thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển thương mại Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group). 

Theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng VP luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Theo Khoản 1 Điều 17 Luật BHXH 2014 hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm. Khi công ty không đóng hoặc trốn đóng BHXH từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH 2014 quy định: “Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội”. 

Không chỉ thực hiện công trình sai phạm khiến khách hàng thiệt thòi, Công ty Cổ phần May Lê Trực còn nợ gần 2 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT của lao động.  

Ngoài ra, Luật sư Hoàng Tùng cũng cho rằng, tùy từng trường hợp sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình từng nêu rõ: "Quốc hội đã thông qua Luật Hình sự và quy định từ ngày 1-1-2018, các hành vi vi phạm nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc coi như là tội phạm. Và trách nhiệm của tòa án các cấp, nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc, viện kiểm sát truy tố, thì tòa án các cấp phải thụ lý theo đúng quy định của luật".

Trong trường hợp này, Doanh nghiệp Công ty CP May Lê Trực đã có hành vi nợ 1.822,2 triệu đồng tiền BHXH, BHYT của 95 người lao động, số nợ lên tới 13 tháng. Do đó, căn cứ theo khoản 3 Điều 216 Bộ luật hình sự thì chủ lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Theo đó, luật sư Hoàng Tùng đã đưa ra một số nhận định, trong đó đáng chú ý là trường hợp sau: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. 

Dự án Trung tâm Thương mại - văn phòng - nhà ở, cho thuê 8B Lê Trực (Đống Đa, Hà Nội) do Công ty CP May Lê Trực làm chủ đầu tư. Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã xây vượt khoảng 16m, tương đương 5 tầng nhà; diện tích sàn xây dựng thực tế tăng 6.000 m2 so với giấy phép xây dựng. 

Dự án "tai tiếng" 8B Lê Trực đã được cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm giai đoạn 1 từ tháng 3/2016. Hiện tại việc xử lý vi phạm giai đoạn 2 của dự án vẫn "dậm chân tại chỗ". 

Quyền lợi của khách hàng rơi vào cảnh bế tắc, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án phải “đường cùng” căng băng rôn, biểu ngữ đòi nhà. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top