Aa

Nợ xấu là do ngân hàng hoạt động theo tư duy “hiệu cầm đồ”?

Thứ Sáu, 23/11/2018 - 06:00

Nếu các ngân hàng thận trọng trong việc cho vay vốn thì sẽ không xảy ra tình trạng nợ xấu ngày càng tăng, đồng thời vẫn có thể tăng trưởng tín dụng và kiểm soát được nợ xấu. Bên cạnh đó, điều quan trọng nữa, khi cho vay, các ngân hàng nên dựa vào khả năng tài chính và dòng tiền của khách hàng hơn là chỉ căn cứ vào tài sản bảo đảm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lợi nhuận "bội thu" nhưng nợ xấu tăng nhanh

Kết thúc quý III/2018, các ngân hàng đều đạt lợi nhuận ở mức cao dù tăng trưởng tín dụng có giới hạn chật hẹp hơn, không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới room như những năm trước. Hiện tại, 26 ngân hàng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Một số ngân hàng lớn đã hoàn thành gần 90% kế hoạch năm nay chỉ trong 9 tháng đầu năm.

Bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng 9 tháng qua cũng nổi lên điểm tối là tại nhiều ngân hàng thương mại, nợ xấu có xu hướng tăng lên, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh.

Theo báo cáo tài chính của BIDV, hết quý III, ngân hàng này có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018, tức là tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Hay tại Vietcombank, đến cuối quý III, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần thì ACB hiện có hơn 1.264 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 60% so với cuối năm 2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017; nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại ngân hàng này.

Còn tại Saigonbank, tính đến quý III/ 2018, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng đã lên tới 6,4%, tăng mạnh so với mức 3% hồi đầu năm. Giải thích cho điều nay, lãnh đạo Saigonbank cho biết đây là kết quả tạm thời của việc ngân hàng cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, chủ trương là tuyệt đối không che giấu nợ xấu.

Nhiều ngân hàng cũng lý giải, nguyên nhân nợ xấu tăng là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trước đó. Đây là điều bình thường trong hoạt động của ngành ngân hàng, chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định, các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%.

Bên cạnh đó muốn biết thực hư nợ xấu thế nào phải nhìn vào việc trích lập dự phòng để biết bản chất nợ xấu thực và có thể lợi nhuận dự phòng. Nợ xấu gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng và có nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 (nợ quá 360 ngày). NHNN đang yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tính nợ xấu và yêu cầu phân loại nợ theo khách hàng chứ không phải phân theo khoản nợ. Tuy nhiên, điểm khác là nợ nhóm này đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Do đó, nếu sau này chuyển được nhóm nợ xuống thấp hơn hay thu hồi thì khoản trích lập dự phòng đương nhiên có thể tính thành lợi nhuận ngân hàng.

Cởi trói để việc xử lý nợ xấu thực chất hơn

Theo phân tích của chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu tăng liên quan đến việc tăng trưởng tín dụng, vì nợ xấu có 2 cấu phần, nợ xấu cũ và nợ xấu mới. Trên thực tế, ở nhiều ngân hàng, nợ xấu cũ chưa được giải quyết thấu đáo, mặc dù theo con số thống kê có vẻ tích cực nhưng thực ra vẫn tồn đọng nhiều. Bên cạnh nợ xấu cũ còn dai dẳng thì nợ xấu mới lại phát sinh do các ngân hàng mạnh tay cho vay. Hơn nữa, nhiều ngân hàng trong 2 quý đầu năm 2018 đã sử dụng hết chỉ tiêu tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép, do đó ngân hàng lại phải đẩy mạnh tín dụng trong quá trình hoạt động.

Tựu chung lại, vấn đề quản lý rủi ro tín dụng tại các ngân hàng nhà nước phải được tăng cường. Thông thường tăng trưởng tín dụng đi kèm với phát sinh nợ xấu. Nếu các ngân hàng thận trọng trong việc cho vay vốn thì sẽ không xảy ra tình trạng nợ xấu ngày càng tăng, đồng thời vẫn có thể tăng trưởng tín dụng và kiểm soát được nợ xấu. 

“Bên cạnh đó, khi cho vay, các ngân hàng nên dựa vào khả năng tài chính và dòng tiền của khách hàng hơn là chỉ căn cứ vào tài sản bảo đảm. Thậm chí, nhiều ngân hàng hoạt động như một “tiệm cầm đồ” vì cứ thấy có tài sản bảo đảm thì sẵn sàng cho vay mà không quan tâm nhiều đến khả năng trả nợ của khách hàng. Điều này khiến lợi nhuận của các ngân hàng tăng trưởng rất nhanh nhưng lại tạo ra rủi ro lớn. Nếu không kiểm soát được dòng tiền, sử dụng tín dụng bừa bãi, sai mục đích, không quản lý được thu nhập của khách hàng, không quản lý được dòng tiền kinh doanh thì sẽ dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ, nợ xấu gia tăng”, ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

Ông Hiếu cũng chỉ rõ, phần lớn nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng bất động sản. Trong khi việc xử lý loại tài sản này ở Việt Nam phải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, đó là ngân hàng phải đưa ra đấu giá tài sản bảo đảm, nếu bán giá khởi đầu thấp quá thì phải tiến hành đấu giá lại... Nói chung, thủ tục đấu giá rất rườm rà và rắc rối.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đi nhiều. Trên cơ sở về số học, nhiều khoản nợ xấu đã được xử lý nhưng khối lượng nợ xấu của quốc gia còn rất lớn, rất nhiều tài sản bảo đảm.

Đáng chú ý, hàng loạt khoản nợ xấu mà chủ yếu là bất động sản có giá trị rất lớn từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng được VAMC lẫn các ngân hàng ra sức rao bán nhưng rất hiếm thương vụ giao dịch thành công. Đơn cử như dự án cao ốc Sài Gòn One Tower tại TP.HCM được rao bán với giá khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng hơn một năm qua chưa bán được. 

“Quy trình xử lý nợ xấu, nhất là vấn đề đấu giá phải có quy định thông thoáng hơn và nên học hỏi kinh nghiệm từ những nước có nền kinh tế phát triển mạnh. Với một nền kinh tế chưa phải là nền kinh tế thị trường hoàn hảo, vẫn còn nhiều quy định bị ràng buộc bởi pháp luật như chúng ta hiện nay, vấn đề quan trọng là phải cởi trói những quy định đó để hướng các ngân hàng đến việc xử lý nợ xấu thực chất hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

VAMC vừa thông báo đấu giá lần thứ 6 khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tổng dư nợ là 2.378 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài. Giá khởi điểm được đưa ra lần này chỉ còn 843,7 tỷ đồng, giảm 140 tỷ đồng so với lần đấu giá trước đó và giảm 364 tỷ đồng so với mức giá cao nhất từng đưa ra.

Hay ngân hàng Agribank cũng đang chào bán nhiều khoản nợ, trong đó đáng chú ý là khoản nợ xấu của Tập đoàn Đông Thiên Phú vay tại Agribank chi nhánh Sở giao dịch. Giá khởi điểm 160,5 tỷ đồng, giảm tới 80 tỷ đồng so với thông báo đấu giá hồi tháng 9. Không chỉ những khoản nợ lớn rao bán mãi không ai mua, mà nhiều khoản nợ giá trị nhỏ ở Agribank cũng chịu chung số phận. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top