Aa

Nơi ấy là tình yêu, là bình yên và nỗi nhớ!

Thứ Năm, 31/05/2018 - 06:00

Ngôi nhà ấy, nơi gắn bó nhiều thế hệ lớn lên, nơi chứng kiến của đổi thay và những mới mẻ của các thế hệ. Đó chính là nơi sống không chỉ trong vùng ký ức của chúng tôi, mà là nơi trở về cội nguồn, bởi ở đó, chúng tôi đã trưởng thành, chúng tôi đã được sống những ngày tuổi thơ hồn nhiên, được dạy từng lời ăn tiếng nói...

Thủa nhỏ, tôi ở với ông bà, căn nhà ngói đỏ khá cao, rộng. Lúc nào tôi cũng bảo với chúng bạn, đây là ngôi nhà đẹp nhất mà tôi từng biết.

Ngay trước nhà là cây hồng xiêm, tán rộng phải 3 thước, nhiều lái buôn hỏi mua cây với giá cao nhưng ông bà nhất quyết không bán, vì nó là nhân chứng sống, chứng kiến sự trưởng thành của 5 người con đến tận bây giờ.

Hai đầu của sân hình chữ nhật là hai cây cau thẳng tắp, chị em tôi vẫn dùng để chơi trò nhảy dây. Còn cây trứng gà, vào mùa, quả rụng vàng sân, chả ai buồn ăn, cậu tôi vẫn đu võng cho chúng tôi chơi. Chúng tôi vẫn thường nài nỉ, cậu hãy đu chúng cháu lên tận ngọn cao nhất. Cây trứng gà đã gắn với tuổi thơ tôi với những trò tinh nghịch như vậy. Với ông bà, mỗi cái cây, góc vườn đều gắn với từng người con.

Dù giờ, mỗi người đều thành công, không ai còn ở đây, nhưng mỗi lần về, mọi người đều chỉ cho các cháu biết đấy là cây ai trồng, trồng từ bao giờ và những kỉ niệm gắn liền với nó. Cây bưởi ở bờ ao, quả chua nhưng ông bà không bao giờ muốn chặt, vì nó là cây của cô Quyên trồng. Hai cây roi ở góc vườn đằng trước và đằng sau nhà, đầy sâu róm, mùa hè quả rụng lả tả, bà vẫn bảo là của bác Mi nên cứ để đó. Cây khế chua nằm giữa rặng dừa lửa cao vút chắc phải đến 50 tuổi. Chỉ có thanh niên trèo dừa lâu năm mới dám leo lên hái quả. Vườn chanh sau nhà dù quả nhỏ, cây cằn vì quá lâu năm vẫn lặng lẽ nằm đó. Hầu hết, mùa nào quả ấy, ông bà gần như không ăn, cũng không đi bán mà hay mang cho những người sống xung quanh đó. Ông bà đã gìn giữ vườn cây ăn quả như là một di sản của gia đình.

Một góc hè, chỗ bà vẫn hàng ngày ngồi têm trầu, bình vôi cũ kĩ vẫn nằm ở đó, như trầm ngâm những câu chuyện xưa cũ. Bà thích ca kịch và hay đọc Kiều cho chúng tôi vào những đêm trăng.

Bên ô cửa sổ, một giá sách đã cũ kĩ với những cuốn sách giấy màu đen, lỗ chỗ những chỗ rách được để trang trọng. Từ đây, tôi đã biết Giăng Van Giăng, Ruồi Trâu hay nỗi buồn của Rémy trong "Không gia đình"…

Tôi vẫn nhớ, những ngày mưa mùa hạ, tôi được ông bà, cậu mợ cho xuống đồng bắt cá. Nhà không có ai làm nông nghiệp, nên gọi xuống đồng bắt cá cho oai thôi. Trong thời gian 2 - 3 tiếng, 4 người lớn và 2 đứa trẻ lăng xăng chỉ bắt được vài con trạch. Có những mùa, chúng tôi chạy theo đàn vịt dưới cánh đồng, ra ngoài đê chơi với cái Mừng, cái Thoa. Nhà cái Mừng rất to và đẹp nhưng nhà cái Thoa nghèo lắm, đúng nhà tranh vách đất. Đến khi lớn lên, tôi vẫn nhớ mãi cảm giác được chạy ở đồng cói thơm mát ấy, được cố tình ngã để cảm nhận hết vị ngai ngái chua chua của đất. Theo thời gian, căn nhà cũ và giột nhiều, dù các con đã tu sửa nhiều lần nhưng vẫn không còn an toàn nữa.

Nhiều lần giỗ chạp hay tết, mọi người có mặt đông đủ đều mong muốn phá căn nhà cũ, xây cho ông bà căn nhà mới khang trang hơn, nhưng ông nhất quyết không đồng ý. Ông nói, đây là căn nhà ông chứng kiến các con ông trưởng thành, đứa nào cũng thành đạt, giỏi giang, ông muốn giữ làm kỉ niệm, ông muốn đây là nơi ông nhắm mắt xuôi tay.

Chuyện xây nhà, con cháu không ai dám nhắc đến nữa. Mỗi năm dù gia cố đến mấy thì mỗi cơn bão đến, căn nhà như muốn đổ. Dù các con hiểu, đây là tâm nguyện của ông bà, nhưng sự an toàn của ông bà vẫn là ưu tiên hàng đầu, nên cách đây vài năm, mọi người quyết tâm thuyết phục ông bà, phải xây nhà khác. Hơn 2 năm thuyết phục, dù đồng ý trong miễn cưỡng, ông cho các con xây với điều kiện, phải giữ lại cây mít ở góc vườn, vì đó là cây cụ nội đã trồng trước khi có căn nhà, dù thế nào cũng phải để nó sống. Rất oái oăm, để thực hiện mong muốn của ông, nhà phải xây vẹo đi một góc. Sau 1 năm, căn nhà xây xong, nhà mái bằng, bậc tam cấp, giản dị như lối sống của ông bà vậy.

Mỗi năm, vào các dịp giỗ chạp, lễ tết, ngày nhà giáo (ông là giáo viên dạy văn), con cháu tụ họp đầy đủ, và lại tiếp những câu chuyện, những kỉ niệm gắn với mọi người nơi đây, từng nếp nhà, góc bếp. Dù có bếp ga, mọi người vẫn làm một cái bếp bên ngoài nhà để có thể nấu rơm, củi lấy từ trong vườn. Mùi khói bếp thơm lừng, các cháu lại háo hức vùi vài củ khoai, củ sắn, để nhớ tuổi thơ của ba mẹ. Bà hay nấu bằng nồi đất, nồi gang để cơm mềm và đặc biệt có tảng cháy giòn rụm mà giờ nồi cơm điện không bao giờ có được. Tôi vẫn nhớ các món cá kho tộ của bà, mùi cá thơm, thêm chút vị lá răm, hay lá gừng, xương mềm ăn được cả con mà đến giờ tôi chưa bao giờ quên.

Ngôi nhà ấy, bao thế hệ học trò gắn bó bởi sự giản dị của ông. Năm nào, mọi người cũng về thăm, kể cả sau khi ông mất. Họ ngồi vào chiếc bàn ông hay soạn bài và chấm điểm, lại nhớ về một người thầy nghiêm khắc mà phong cách giản dị và gần gũi quá đỗi. Trong vườn của ông, duy nhất chỉ có hoa nhài trắng. Mỗi ngày trước giờ lên lớp, tôi và chị gái hay hái hoa còn đọng sương mai, pha trà cho ông. Bây giờ, ở ngôi nhà mới, chúng tôi trồng thêm hoa đào, và bụi hồng leo.

Ngôi nhà ấy, nơi gắn bó nhiều thế hệ lớn lên, nơi chứng kiến của đổi thay và những mới mẻ của các thế hệ. Đó chính là nơi sống không chỉ trong vùng ký ức của chúng tôi, mà là nơi trở về cội nguồn, bởi ở đó, chúng tôi đã trưởng thành, chúng tôi đã được sống những ngày tuổi thơ hồn nhiên, được dạy từng lời ăn tiếng nói, được dạy cách ứng xử, được dạy cách rót trà, pha trà… Dù đi đâu, làm gì, vào những ngày giỗ chạp, tết hay chỉ là một dịp tất cả có thể cùng về, lại bắt đầu một câu chuyện xưa cũ. Vậy nên, dù các cháu đều sinh ra ở thành thị, nhưng về quê, chúng đều biết rõ căn nhà, về nếp sống, về truyền thống gia đình, và háo hức ra cái cây ông/ bà chúng đã trồng. Đơn giản, đó là nhà, là tình yêu trong tim của từng người, là nơi ta thấy được bình yên, là nơi ta dừng lại, chậm lại dù ngoài kia cuộc sống quá ồn ào, vội vã!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top