Aa

Nói dối!

Thứ Năm, 05/03/2020 - 07:00

Nếu nói dối không có hình phạt, không được ngăn chặn từ gốc, từ chuyện nhỏ, thì sẽ phát triển thành đại họa. Nói dối - Nói như rối, dẫn đến rối loạn chứ đùa sao?

Người ta, lúc sinh thời là khóc, sau đó mới cười, rồi tập lẫy, tập bò, tập ăn, tập nói, tập cả gói mang về… Phiền là tập gói mang về! Tập nói thì ai dạy? Bố mẹ, người trong gia đình, sau nữa là xã hội. Đứa trẻ như tờ giấy trắng, người lớn phết lên đó màu đỏ thì đỏ, phết vào đen thì đen… Cứ người lớn làm gì trẻ bắt chước làm theo. Muốn cho con hay ăn chóng lớn người lớn bảo: "Ăn đi mai bố cho đi công viên mua ô tô, tàu hỏa"; hoặc "Ăn đi, mai cho lên phố ăn kem"... Nhưng ô tô, tàu hỏa hay kem kẹo đâu phải nói là làm ngay được, phải có kế hoạch, có thời gian; nhất là thời buổi sấp ngửa lo ăn, lo mặc như thời nay. Thành ra nói chỉ là nói vậy, cho xong rồi quên, để đấy. 

Nếu trẻ nhớ ra hỏi, thì vô tư trả lời: "Vài ngày nữa, bố đang bận!". Nhưng vài ngày nữa cũng không thấy, trẻ lại hỏi; lại trả lời “vài ngày nữa". Cứ vậy, “vài ngày nữa” kéo dài. Trẻ chán không muốn hỏi. Vì có hỏi cũng thế, bố nói dối. Không phải bố, mẹ cũng vậy: “Ăn đi không ngáo ộp bắt”. Trẻ sợ, ăn một vài lần vì tưởng thật, nhưng nhiều lần khác không ăn cũng chẳng thấy ngáo ộp đâu. Lâu dần nó biết đấy là chuyện bịa trơ ra, không sợ nữa. Nói dối tự lúc nào ngấm vào con trẻ. Chuyện như vậy thường vẫn xảy ra, trẻ bị nhiễm, coi nói dối là đương nhiên, không phải thói xấu…

Kiểu nói dối như vậy là nói dối có mục đích nhằm cho con cái tốt lên, ngoan lên, không hay, nhưng biết làm sao. Vì người Việt sinh ra đã được dạy cho nói dối, truyền đời truyền kiếp. Người ta cho rằng, nói dối như vậy cũng không quá xấu, quá tệ, nên cứ nói bừa… Hay như việc bịa ra chuyện cổ tích, thần thoại kể cho trẻ nghe nhằm hướng trẻ tới điều tốt, là nói dối hòa bình. Rồi nói dối đến như chú Cuội, Trạng Trình cũng khoái, vì nó dí dỏm. Tuy láu cá nhưng là láu cá thông minh, láu cá của kẻ yếu đi từ cõi mông muội đến văn minh. Nên đời người coi chuyện nói dối là bình thường. Ai cũng biết nói dối, biết nghe nói dối, nói những điều vô hại, nói dối vì sự sinh tồn, thêm tiếng cười, bớt tẻ nhạt, khô nhàm…

Nếu chỉ vậy, thì nói dối cũng chẳng có gì phải ngẫm nghĩ. Nhưng vì cùng tồn tại với kiểu nói dối trên, còn một loại nói dối khác, đó là loại nói dối làm cho khuynh gia bại sản, huynh đệ tương tàn, nhà tan nước mất, chứ không phải chuyện chơi chơi.

Loại nói dối này có ở mọi nơi, mọi thời, từ đấng quân vương đến hạng thứ dân. Thời Chiến quốc, Xuân Thân Quân là em trai Sở Trang Vương, chỉ vì nghe lời nói dối của tì thiếp tên là Dự mà bỏ vợ cả, giết chết con trai. Thời Tam quốc, Lã Bố và Đổng Trác nghe Điêu Thuyền mà cha con nghi kỵ giết nhau. Lưu Thiện nghe hoạn quan Hoàng Hạo mà nước Thục rơi vào tay Ngụy. Cuối Nam Tống, Tần Cối là tể tướng, để dân trong nước lầm than, giặc giã biên giới suốt ngày dòm ngó, nhưng vẫn lừa vua đất nước thái bình, dân đen sung túc. Hậu quả, Nam Tống bại vong bởi giặc Kim và mất nước vì giặc Nguyên… Xem ra, cái sự nói dối từ xửa xưa, đã là một thảm họa, dẫn đến tồn vong của dân tộc.

Ấy là chuyện thời xưa, Tàu cũng thế mà ta cũng vậy. Còn giờ thì sao, tại thời điểm này thì sao? Thì nói dối như ranh, thành tệ nạn. Ở nhà, con cái nói dối bố mẹ lấy tiền bỏ học chơi điện tử, mua sắm tiêu vặt, ăn hút lêu lổng. Ra ngoài xã hội, bạn bè nói dối nhau để giương vây dựng cánh, để được bốc thơm, ngụy quân tử. Cơ quan nói dối nhau để khoe thành tích, khoe tài, thăng quan tiến chức, ăn cắp, tham ô, tranh quyền nhặt lợi, làm đảo lộn luân thường, nhân tâm bại hoại… 

Thời nay, chỉ cần chịu khó đi, chịu khó nghe, chịu khó đọc một chút, là ngày ngày chứng kiến chuyện nói dối như thần. Ấy là chưa kể chuyện cơm bữa “làm thì láo báo cáo thì hay” trên các diễn đàn hội nghị; chuyện nói hay nhưng làm dở ẹc nhan nhản mọi nơi, mọi chỗ trong các cơ quan công quyền…

Các bậc minh quân đời xưa, vì biết không thể nào diệt hết được bọn sàm nịnh (dối trá nịnh bợ), nên đặt ra một chức quan gọi là Trãi Quan. Trãi Quan trên đầu đội mũ hình con trãi, cứ thấy kẻ nào sàm tấu, sàm nịnh thì húc đến chết không tha, vì vậy mà hạn chế được bọn dối trá, sàm nịnh.

Ngày nay, xã hội phát triển, bọn dối trá không vụng về thô thiển, mà mưu ma chước quỉ, tinh vi hiểm ác, đè đầu cỡi cổ dân thường. Ngẫm đi ngẫm lại, giá mà có bậc minh quân, giá mà có bộ luật xử phạt triệt tiêu bọn nói dối, thì nước Việt phúc lớn. Thời này phải là thời của chữ Tín, của văn minh. Văn minh luôn đối lập với mông muội dối trá. Nếu nói dối không có hình phạt, không được ngăn chặn từ gốc, từ chuyện nhỏ, thì sẽ phát triển thành đại họa. Nói dối - Nói như rối, dẫn đến rối loạn chứ đùa sao?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top