Aa

Nỗi lo chênh lệch địa tô chảy vào túi tư nhân

Thứ Sáu, 23/08/2019 - 16:24

Có thể nói phương pháp định giá sẽ quyết định mức thất thu sau cổ phần hóa đất đai bởi vì hôm nay định giá trăm tỷ nhưng ngày mai chuyển mục đích sử dụng có thể lên hàng nghìn tỷ...

Nỗi lo chênh lệch địa tô chảy vào túi tư nhân. Ảnh minh họa

Bình quân mỗi doanh nghiệp gây thất thoát trên nghìn tỷ!

Liên quan đến vấn đề tài chính và tư vấn định giá trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho rằng, việc xác định giá trị doanh nghiệp là một vấn đề quan trọng và là tiền đề then chốt cho việc cổ phần hóa sau này.

Song việc thực hiện vẫn còn lúng túng, tùy tiện, sơ hở, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Ngoài ra, hệ thống văn bản cũng chưa được hoàn thiện, điển hình như việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, xác định giá trị thương hiệu, hay việc định giá tài sản theo giá thị trường…

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, năm 2001, cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp Nhà nước, đến nay chỉ còn khoảng 600 doanh nghiệp. Đáng lưu ý, tình trạng cổ phần hóa lại gây thất thoát rất lớn. Một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn, nhiều khu đất vàng rơi vào tay tư nhân, địa tô chênh lệch từ khu đất vàng ấy chạy vào túi tư nhân. Trong khi đó, từ năm 2016 Kiểm toán Nhà nước mới được giao tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Theo ông Phớc, nếu việc này được triển khai sớm hơn thì chắc chắn sẽ chặn đứng được dòng chảy thất thoát tài sản Nhà nước.

Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị của 7 doanh nghiệp, đã làm tăng vốn Nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Sang năm 2017, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm tại 6 doanh nghiệp và cũng làm tăng vốn Nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân mỗi doanh nghiệp làm thất thoát trên 1.000 tỷ đồng, nếu không kiểm toán lại.

Để ngăn chặn thất thoát, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, việc lựa chọn phương pháp định giá trước khi cổ phần hóa cũng là một vấn đề quan trọng. “Tính tiền giao đất lâu dài hay cho thuê đất nộp tiền một lần, hay nộp hằng năm thì có chặn đứng được dòng chảy thất thoát không? Chắc là không, vì hôm nay định giá trăm tỷ, nhưng ngày mai chuyển mục đích sử dụng có thể lên hàng nghìn tỷ. Vậy việc này là thế nào, có lọt vào tay tư nhân không?”, ông Phớc nêu vấn đề.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thuê đất hay giao đất, nộp tiền một lần hay hằng năm không cần định giá, như vậy thì phải kiến nghị, bổ sung quy định pháp luật. Từ đó, doanh nghiệp Nhà nước thuê đất, sử dụng đất thì khi chuyển qua công ty cổ phần, thậm chí tư nhân vẫn thuê đất và giữ nguyên mục đích sử dụng đất như trước. Nhưng khi chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất trụ sở, đất kinh doanh sang đất ở, đất đô thị thì nhà nước phải thu hồi và tổ chức đấu giá, đấu thầu công khai. Ai trúng thầu, người đó trả lại tài sản cho Nhà nước, tiền địa tô chênh lệch, tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách.

“Nếu áp dụng biện pháp này sẽ không còn thất thoát. Tuy nhiên, phải hạn chế tình trạng đấu thầu giả, hay nói cách khác là đấu thầu kiểu “xã hội đen, xã hội đỏ” can thiệp vào để làm sai lệch quá trình đấu thầu”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.

Quản chặt để tránh "hoang... hóa"

Theo tổng hợp số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 36/74 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trên 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hoá cho thấy các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng hơn 327.000ha đất.

Trong đó, các doanh nghiệp sau cổ phần hoá thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty đang quản lý, sử dụng là 204.194ha, bao gồm: Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ là 92.874ha, đất sản xuất nông nghiệp là 57.773ha; đất lâm nghiệp là 51.555ha; đất thương mại, dịch vụ là 81ha; đất phi nông nghiệp còn lại là 736ha; đất ở là 255ha; đất nông nghiệp còn lại là 920ha.

Các doanh nghiệp sau cổ phần hoá thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang quản lý, sử dụng là 122.918ha. Bao gồm: đất lâm nghiệp là 59.354ha; đất sản xuất nông nghiệp là 18.484ha; đất thương mại, dịch vụ là 26.402ha; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ là 9.267ha; đất phi nông nghiệp còn lại là 6.126ha; đất ở là 1.478ha; đất nông nghiệp còn lại là 1.807ha.

Theo thông tin từ Viện Chiến lược (Bộ tài nguyên và môi trường) doanh nghiệp sau cổ phần hoá chủ yếu sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Cụ thể, doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm là 168.359ha, chiếm 87,29% diện tích; doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm là 64.379ha, chiếm 52,38% diện tích.

Tình trạng các doanh nghiệp sau cổ phần hoá sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng vẫn còn khá phổ biến. Nhưng một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thực hiện thu hồi đất của những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai.

Việc buông lỏng trong quản lý đất đai, để bị lấn chiếm đất vẫn còn diễn ra, gây khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sử dụng đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Từ những ngọn nguồn đó, kết quả kiểm toán công tác quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2017 của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ: tại nhiều địa phương, còn tình trạng đất sau cổ phần hoá không đưa vào sử dụng, thiếu quản lý dẫn đến hoang hoá, tranh chấp, lấn chiếm, không quản lý được do vướng mắc trước cổ phần hoá chưa được xử lý, không bàn giao đất bị thu hồi khi hết thời hạn sử dụng.

Việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án sau khi được giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án cũng không theo quy định, khi chưa đủ điều kiện, đơn giá chuyển nhượng thấp hơn đơn giá của UBND tỉnh tại thời điểm chuyển nhượng. Chuyển nhượng tài sản trên đất gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm không được cấp thẩm quyền phê duyệt và thay đổi mục đích sử dụng đất sau khi chuyển nhượng; thời hạn cho thuê đất vượt thời gian thuê đất còn lại...

Quản lý đất đai sau cổ phần hóa thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh?

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XIV) Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết giá trị sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong từng thời kỳ. Trước năm 2011, đất thuê trả tiền hàng năm phải tính giá trị vị trí địa lý và giá trị doanh nghiệp. Từ năm 2013, tiền thuê đất đã được điều chỉnh lại sát với giá thị trường và doanh nghiệp phải nộp ngân sách phần chênh lệch.

Theo Bộ trưởng, việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa ở mỗi địa phương thuộc trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Trên thực tế, một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai của Nhà nước, di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô để chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không thực hiện việc thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Theo đó, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm cổ phần hóa. Sau cổ phần hóa, đất phải được sử dụng đúng theo phương án đã phê duyệt. Trường hợp chuyển đổi mục đích phải được thực hiện thu hồi để đấu giá theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh việc quản lý đất đai của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa rất hệ trọng. Dù doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước hay thành phần khác khi chuyển đổi vẫn phải thu hồi đấu giá.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top