Aa

Nỗi lo “kép” của ngành thép

Thứ Ba, 30/01/2018 - 20:01

Tính đến cuối năm 2017, ngành thép Việt Nam đã phải đối mặt với 30 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài, nhiều vụ kéo dài sang năm 2018. Nếu không vượt qua, các rào cản thuế quan trên sẽ chặn đứng xuất khẩu (XK) thép của Việt Nam. Trong khi đó, ở thị trường nội địa, dù có dấu hiệu giảm nhưng thép nhập khẩu (NK) vẫn đang ồ ạt tràn vào.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2017, XK của ngành thép đạt 5,5 triệu tấn, tăng 28,5%; kim ngạch đạt 3,6 tỷ USD, tăng 45,4% so với năm 2016. Tuy nhiên, ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức do kháng kiện các vụ kiện của nước ngoài như Mỹ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ… đối với sản phẩm thép XK. 

Xuất khẩu bị kiện, nội địa càng khốc liệt

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam phải đối mặt với 124 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài, trong đó với ngành thép là 30 vụ, nhiều vụ đang kéo sang năm 2018.

Một số vụ kiện PVTM điển hình như ngày 24/3/2017, Ủy ban Chống bán phá giá và Chống trợ cấp Thái Lan đã ban hành quyết định cuối cùng về áp dụng biện pháp chống bán phá đối với tôn mạ kẽm và tôn lạnh NK từ Việt Nam. Mức thuế áp dụng 6,2 – 40,49%, thời gian áp dụng 5 năm.

Vụ kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ đối với thép cuộn cán nguội (CRC) và thép các bon chống ăn mòn (tôn mạ – CORE) được khởi xướng điều tra từ 4/11/2016, áp dụng thuế tạm thời từ 11/12/2017: 199,43% và 39,05% đối với CRC và 265,79% và 256,44% đối với CORE. Quyết định chính thức dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 16/2 tới.

Đặc biệt, ngày 19/4/2017, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra theo quy định tại Mục 231 của Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 nhằm xác định sản phẩm thép NK vào Mỹ có làm suy yếu an ninh quốc gia hay không. 

Trong khi XK gặp khó vì đối mặt với nhiều vụ kiện, thị trường trong nước cạnh tranh càng khốc liệt khi thép NK vẫn ồ ạt tràn vào. VSA cho biết NK nguyên liệu và sản phẩm thép năm 2017 ước đạt 19,9 triệu tấn, giảm 14,2%; kim ngạch đạt 10,5 tỷ USD, tăng 13,2%. 

Tính đến cuối năm 2017, ngành thép phải đối mặt 30 kiện về PVTM của nước ngoài.

Tính đến cuối năm 2017, ngành thép phải đối mặt 30 kiện về PVTM của nước ngoài.

Đặc biệt, một số mặt hàng thép mà Việt Nam đã sản xuất được nhưng vẫn phải NK với số lượng lớn như tôn mạ và sơn phủ màu 1.270.000 tấn; thép cây và thép cuộn 877.000 tấn. 

Ngoài các sản phẩm thép, Việt Nam còn nhập một lượng lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất, bao gồm: quặng sắt khoảng 3,5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 2,5 triệu tấn, thép phế 4,5 triệu tấn…

VSA cho biết Việt Nam NK thép nhiều nhất là từ Trung Quốc (46,5%), Nhật Bản (15,2%), Hàn Quốc (11,4%), Đài Loan (10,6%) và Ấn Độ (10,2%).

Chính vì Trung Quốc chiếm gần 50% lượng thép NK vào Việt Nam, nên trong năm qua, Mỹ đã đưa ra nghi ngờ 90% thép Trung Quốc “đội lốt” thép Việt Nam XK sang nước này để hưởng ưu đãi thuế quan.

Trả lời nghi vấn này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, khẳng định đây là thông tin không chính xác, có chăng chỉ một số ít.

Theo ông Sưa, vấn đề trên cũng không đáng lo ngại, năm nay sẽ được giải quyết khi Việt Nam đủ nguồn cung thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, khi đó nguồn gốc xuất xứ của thép Việt Nam sẽ được chứng minh. 

Tuy nhiên, điều ông Sưa lo nhất là thép các nước tràn vào Việt Nam nếu chúng ta không có biện pháp PVTM. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, dẫn tới nguy cơ thép Việt thua ngay trên “sân nhà”. 

Đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực, hàng hóa nói chung và thép Trung Quốc vào Việt Nam có thể tăng lên. 

“Chúng ta cần có biện pháp ứng xử. Trước tiên phải nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa để cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc. Cùng với đó là sử dụng thành thạo các công cụ PVTM bảo vệ sản xuất trong nước”, ông Sưa kiến nghị.

Hay mới đây, DOC kết luận sơ bộ vụ điều tra lẩn tránh thuế với thép cán nóng và tôn nguội, cho biết sẽ áp thuế lẩn tránh chống bán giá và trợ cấp trên 200% với thép cuộn cán nguội, trên 500% với tôn mạ. Nếu điều này được thực thi sẽ là hàng rào chặn đứng XK của thép Việt Nam. 

Ông Sưa cho biết VSA đã có công văn kiến nghị lên Chính phủ và trực tiếp là Bộ Công Thương để có phản ứng đối với quyết định của Mỹ. Quyết định này không phù hợp thông lệ quốc tế, cũng như không có trong quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nếu cần có thể đưa ra trọng tài phân xử của WTO. 

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thừa nhận với nhau là những vấn đề thương mại quốc tế rất phức tạp, Việt Nam mới hội nhập, năng lực pháp chế hạn chế, cần sự hỗ trợ của luật sư nước ngoài mới mong thành công”, ông Sưa cho biết.

Phân tán thị trường xuất khẩu

Để bảo vệ thị trường trong nước cũng như đẩy mạnh XK hiệu quả, VSA cho rằng phải đặc biệt chú trọng công tác PVTM năm 2018. Hiệp hội sẽ theo dõi tình hình NK các sản phẩm thép trong nước đã sản xuất để cùng các DN đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất thép trong nước.

Đồng thời, theo dõi diễn biến các vụ kiện của nước ngoài để cùng các DN và cơ quan quản lý nhà nước có các biện pháp phòng vệ tích cực, giảm thiểu thiệt hại. 

“Tiếp tục nâng cao chất lượng bản tin VSA và website của Hiệp hội để cung cấp thông tin đến các DN và các cơ quan quản lý nhà nước một cách chính xác và nhanh chóng nhất. Bản tin sẽ thêm các mục mới như PVTM, thống kê sản xuất – bảo hộ thép không gỉ cán nguội”, ông Sưa cho biết. 

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc công ty CP Tôn Đông Á, cho rằng để tránh việc các nước đưa ra biện pháp chống bán phá giá, thiết lập hàng rào phi thuế quan ảnh hưởng tới sản lượng XK, ngành thép Việt Nam phải phân tán thị trường trong quá trình XK. 

Đồng quan điểm, ông Chu Đức Khải, Tổng Thư ký VSA, nhấn mạnh các DN thép Việt Nam ngoài việc quan tâm tới các thị trường truyền thống như ASEAN, Mỹ, EU… cũng cần quan tâm tới các thị trường khác để phòng tránh các rào cản thương mại đã và đang được dựng lên ngày càng nhiều nhằm bảo vệ sản xuất trong nước họ.

“Một số DN đủ mạnh cần có tầm nhìn xa hơn (5 – 10 năm), trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài nên hướng đến những nơi đang còn trống vắng các DN thép sở tại (châu Phi, Nam Mỹ) hơn là ASEAN, phòng khi thị trường truyền thống gặp khó”, ông Khải chia sẻ. 

Hơn nữa, XK thép nên tập trung vào thị phần chất lượng cao. Theo ông Khải, điểm mấu chốt là sản phẩm thép XK phải có chất lượng cao, đi kèm bán được giá cao. Giá cao sẽ giúp thép Việt tránh bị nghi ngờ lẩn trốn thuế, gian lận thương mại.

Ngoài ra, một loạt các giải pháp cũng được đề xuất để giúp ngành thép vượt qua các vụ kiện PVTM, như: thành lập nhóm nhân viên chuyên trách, cập nhật thông tin liên tục và đầy đủ, hợp tác với các nhà tư vấn luật chuyên nghiệp, đoàn kết phối hợp chặt chẽ với VSA và các DN trong ngành… 

Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), kiến nghị ngành thép rất cần tới vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, Nhà nước tập trung định hướng thông tin về thị trường sản phẩm, phát triển các ngành khác nhau, đề xuất chính sách khuyến khích và bảo hộ; đưa ra quy định mang tính khống chế về môi trường, hàng rào kỹ thuật, công nghệ… 

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam 

Cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao chất lượng thống kê để thống kê đầy đủ chính xác về thị trường có nhu cầu cần loại thép gì để nhà sản xuất thép có quyết định đầu tư đúng đắn. Đồng thời, thành viên VSA có phản ứng kịp thời trước sự cố và biến động thương mại quốc tế.

Ông Trần Tuấn Dương - Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hòa Phát

Về XK, mỗi DN ngành thép cần tuân thủ các FTA, tích cực hợp tác với các nước nếu xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá nhằm tránh mất thị trường hoặc bị đánh thuế cao. Giải pháp bảo hộ thị trường là điều kiện cần nhưng chưa đủ, tự thân DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng mọi thời cơ để phát triển. 

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam 

Phát triển của ngành thép Việt Nam không đồng bộ dẫn tới phải NK một số lượng sản phẩm thép về phục vụ sản xuất trong nước như thép cuộn cán nóng. Nhưng cũng có các loại sản xuất trong nước thừa vẫn NK như thép xây dựng, tôn mạ, vì vậy, những sản phẩm trong nước sản xuất được cần phải có biện pháp PVTM để hạn chế. Mặt khác, DN cần đầu tư công nghệ tiên tiến, áp dụng biện pháp quản lý hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh thép sản xuất trong nước. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top