Aa

Nỗi niềm hiếm muộn

Thứ Hai, 16/09/2019 - 06:30

Cái bệnh lớn thế, sao không được xem xét trong luật bảo hiểm xã hội! Nếu chữa trị có con, là may mắn lắm rồi, nhưng những đứa con, có thể, vẫn sinh ra và lớn lên trong nỗi buồn tủi.

Tôi có anh bạn, là kỹ sư chăn nuôi, nhưng còn là nhà văn. Anh này rất giỏi quan sát, rất hay đặt vấn đề với những điều tưởng như... chả có vấn đề gì? Cái người thế, rồi là khổ, là bởi lúc nào cũng dằn vặt, suy nghĩ, thậm chí suy nghĩ cả những việc đẩu đâu. Nhiều lúc tôi cáu, quát ầm lên, là cứ băn khoăn suy nghĩ những việc bao đồng rồi mà lúc nào cũng kêu bận bận, trong khi việc vợ sai thì nhễnh nhãng, việc con nhờ thì lơ láo, bạn bè kêu tụ bạ thì tìm cách... chuồn.

Nhưng hôm rồi, tự nhiên thấy ông này bàn về một vấn đề, mới nghe tưởng là tào lao, nhưng té ra nó lại hết sức nghiêm túc, hết sức thiết thực với thời đại bây giờ, cũng như cách đây dăm chục năm, ai mà lại nghĩ có những cặp vợ chồng đồng tính, nhưng bây giờ thì, nó đã trở thành một việc bình thường. Vợ chồng, từ quan hệ đối tác là nam - nữ, rồi giờ có thêm nam -nam, nữ - nữ...

Hôm ấy ông ấy nói về vấn đề hiếm muộn, dù ông này có hai con, trai đầu gái thứ, đều rất thành đạt. Nghe rồi, tôi ớ ra, ừ nhỉ, đây là vấn đề lớn chứ đâu phải là lẻ tẻ cá thể nữa, rất phổ biến trong xã hội. Vậy nên xin ghi lại ý kiến ông này:

Xã hội bây giờ tiến bộ nhiều thứ, nhưng nhiều người lại khó có con. Gọi là chứng bệnh hiếm muộn. Là căn bệnh của nhà giàu, căn bệnh thời hiện đại. Nói thế vì nó xài sang, tốn tiền, nhưng bệnh không trừ nhà nào. Bệnh này không từ đàn ông đàn bà, nhưng tội nợ cứ gắn vào phụ nữ. Cứ cưới nhau ba năm, không áp dụng kế hoạch mà không có gì, tức phải nghĩ đến hiếm muộn.

Có cặp vợ chồng hiếm muộn, nhà chồng muốn có cháu nối dõi tông đường, cứ gây sức ép bắt anh chồng phải có vợ khác. Đến lúc xét nghiệm thì ra lỗi tại ông chồng. Cô vợ đã bị hàm oan.

Dân gian có câu: “Cây độc không trái/ Gái độc không con”, hàm ý đổ tất cả tội lỗi hiếm muộn cho người đàn bà.

Thời hiện đại ngày nay, xã hội cũng đang bất công. Theo luật bảo hiểm xã hội, hễ người lao động bị bệnh, được cơ sở y tế có thẩm quyền chứng nhận bệnh phải nằm viện thì được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Điều 4 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, qui định có 3 thứ bệnh được đi nằm viện điều trị và được hưởng bảo hiểm xã hội là: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Điều trị bệnh vô sinh, hiếm muộn đòi hỏi sự kiên trì, tốn kém tiền bạc và thời gian.

Trường hợp hiếm muộn, có lẽ là thứ bệnh phải chi mất nhiều thời gian và tiền nhất (không tính những trường hợp cá biệt). Ấy thế nhưng tra cả trong Luật Bảo hiểm Xã hội lẫn danh mục “Bệnh phải điều trị dài ngày” (do Bộ LĐTBXH ban hành), vẫn không tìm thấy tăm hơi bệnh hiếm muộn đâu. Mà điều trị bệnh hiếm muộn, thời gian, công sức chủ yếu lại rơi vào phụ nữ. Để mang được thai, họ phải nhập viện nhiều lần, làm rất nhiều xét nghiệm. Khi có thai, nhiều trường hợp phải nằm đủ 9 tháng 10 ngày. Đẻ con trong trường hợp này phải chăm vô cùng vất vả, thậm chí phải nằm lồng ấp tại bệnh viện hàng mấy tháng trời. Chi phí cho một ca chữa bệnh này phải tới tiền tỉ. Ấy vậy mà hầu như người mắc chứng bệnh này chưa hề được sự chia sẻ, hỗ trợ nào từ xã hội.

Một cơ quan nọ, có mấy cô rất “nôm nái”, là đẹp mã không chê vào đâu được. Chồng bộ đội cũng thuộc loại trai chiến. Thế mà không ngờ lại hiếm muộn. Con gái có thì, không thể chờ đến nghỉ hưu rỗi việc mới chữa bệnh mà đẻ. Không thể chờ tích cóp nhiều tiền mới chữa. Ông thủ trưởng cũng nóng mặt lắm, nghĩ tội, động viên các cô đi chữa bệnh mà đẻ.

Đến lúc các cô đủ can đảm đi chữa bệnh thì lại mắc. Té ra theo luật bảo hiểm xã hội, hiếm muộn không phải là bệnh. Dù ông bác sĩ khẳng định là bệnh. Dù phải chữa tốn nhiều thời gian công sức tiền của vào loại bậc nhất, đến nỗi người ta phải thốt lên đây là căn bệnh của nhà giàu! Đọc kỹ các quy định thì các cô không vào diện nào hết thật. Muốn chữa bệnh và đẻ thì phải nghỉ không lương. Mà nghỉ như vậy là coi như phải thế chấp nhà rồi, chẳng còn tiền ăn. Lại nữa, vài năm không hoàn thành nhiệm vụ, hệ lụy vô cùng. Có thể bị thôi việc. Không được đóng bảo hiểm. Mà dạo trước (luật cũ), nếu đứt bảo hiểm 2 năm thì không được nối, coi như toi.

Tình ngay lí gian, ông thủ trưởng nọ đành phải nghĩ ra đủ thứ chiêu. Cứ nhớ hồi trước, khi trong luật chưa có tội hiếp dâm (là xã hội trước kia quá tốt, quá trong lành, không có tội hiếp dâm, ma túy, tham nhũng...), nghe nói quan tòa khi xử tội này thì luận tội “cố ý gây thương tích”. Nghe hài hước quá, nhưng còn có cái để mà vận dụng! Đằng này bệnh hiếm muộn nó quá khó! Là dài dài... rất khó bịa.

Và thấy lạ. Cái bệnh lớn thế, sao không được xem xét trong luật bảo hiểm xã hội! Nếu chữa trị có con, là may mắn lắm rồi, nhưng những đứa con vẫn sinh ra và lớn lên trong nỗi buồn tủi. Được biết một số nước tiên tiến, đàn bà đẻ được con ai cũng mừng, xã hội rất mừng, nghe nói còn được hậu thưởng! Sao ta nghìn năm văn hiến mà lại tệ vậy!

Thì bài này như một tiếng chuông, thông báo với các cơ quan liên quan, bởi đây là một vấn đề hết sức nhân văn, hết sức vì con người, trong khi giờ chúng ta ghép tạng rất thành công, có những quả tim cưỡi máy bay hàng ngàn cây số, để từ lồng ngực người này lắp vào lồng ngực người khác, mà rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn vẫn phải bán nhiều thứ trong nhà để kiếm một đứa con...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top