Aa

NSƯT Chí Trung: “Chúng tôi đang kinh doanh một mặt hàng không ai cần"

Mai Dương (thực hiện)
Mai Dương (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Hai, 01/01/2018 - 14:49

Khác với hình ảnh một nghệ sỹ hài với những phát ngôn tưng tửng trên sân khấu, Chí Trung trong cuộc đối thoại này là một lãnh đạo đầy thực tế, trăn trở xoay trục "con tàu" Nhà hát Tuổi trẻ thoát khỏi sự trì trệ, vươn ra thị trường đầy sôi động trong bối cảnh nhiều đơn vị văn hoá sa lầy trong cái bóng của chính mình.

PV: Hình ảnh Chí Trung trong ấn tượng của khán giả là một nghệ sỹ hài với những phát ngôn dí dỏm, thâm thúy hay một Táo Giao thông tưng tửng với những phát ngôn để đời. Nhìn anh thăng hoa trên sân khấu, khó có thể hình dung anh ngồi ở cương vị Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ như thế nào. Sau hơn nửa năm giữ vai trò mới, anh thấy nghệ sỹ đi làm giám đốc, dễ hay khó?

NSƯT Chí Trung: Làm giám đốc nhà hát nghệ thuật là dễ nhất mà cũng khó nhất. Dễ vì sao? Nếu tôi chẳng làm gì cả thì Nhà nước vẫn trả tiền điện, tiền nước cho Nhà hát và tiền lương cho nhân viên, mặc dù người ta vẫn nói vui đó là lương “chết đói”. Và nếu tôi vẫn duy trì được Nhà hát, không mắc khuyết điểm thì tôi vẫn giữ được “ghế” của mình, chẳng có lý do gì đuổi việc tôi cả.

Nhưng cái khó nhất chính là chúng tôi đang kinh doanh một mặt hàng không ai cần. Bạn nhớ xem lần gần nhất bạn vào xem kịch là khi nào? Nếu tôi có mời bạn đi miễn phí, có khi bạn còn cân nhắc vì cả ngày đã làm việc mệt mỏi, khoảng thời gian quý giá buổi tối sẽ không lãng phí để đến một rạp hát xem những thứ nhàm chán. Văn hóa cũng được coi như một sản phẩm, bi kịch và đau xót chính là sản phẩm bán ra mà không ai mua. Và với tôi, đó là điều nguy hiểm! Bởi sau lưng tôi còn 200 con người nữa, họ cần phải sống bằng vật chất rất thực chứ không phải bằng sự mơ mộng.

PV: Câu chuyện cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam trở thành để tài nóng trong năm 2017. Đúng như anh nói, “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng định hình và xác định được giá trị sản phẩm văn hóa để bán ra thị trường lại không hề đơn giản, đặc biệt, với “món đặc sản kén khách” như của anh?

NSƯT Chí Trung: Câu chuyện xác định giá trị thương hiệu cũng như giá trị của sản phẩm văn hóa đúng là không đơn giản, bởi nó không thể đong đếm như một hàng hóa thông thường. Nhưng hãy nhìn sân khấu miền Nam để thấy họ đã thích nghi như thế nào với thị trường. Họ chấp nhận chi nhiều tỷ đồng để thu về số lãi lớn hơn, quan trọng là bài toán về phương thức. Và tôi - cũng như những người lãnh đạo các đơn vị văn hóa - phải học bài toán đầu tư của thị trường.

Câu chuyện này khiến tôi trăn trở rất nhiều. Trong khi thực tế đầy rẫy những khó khăn, chúng ta vẫn phải tìm cách để tiến lên chứ không thể đứng im để mọi thứ qua đi.

Từ khi mới nhận nhiệm vụ Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, tôi tập trung vào con người. Tôi muốn khơi dậy khát vọng để mọi người cùng hướng đến một mục đích giúp Nhà hát khẳng định vị thế trong thị trường hỗn tạp hiện nay.

Tôi đã ví dụ tượng hình rất rõ ràng với toàn bộ anh em Nhà hát rằng, Nhà hát mình như một con tàu đẹp lắm, cờ hoa rực rỡ và có gần 200 con người cứ đứng ôm nhau nhảy múa suốt ngày. Đó chính là đam mê, nhiệt huyết của người nghệ sỹ. Nhưng con tàu ấy cứ nằm trong một cái ao và chẳng hề tiến đi. Còn hai bên bờ là khán giả, thỉnh thoảng mới có vài người bước lên xem. Cuối cùng, tàu vẫn đứng im. Chưa kể, con tàu ấy đã 39 năm được sơn xanh, đỏ, tím, vàng nhưng lớp sắt bên trong đã gỉ, mục rồi và không ra biển lớn được.

Trong khi ngoài kia là cả một thị trường sôi động. Bạn nào có thể cùng tôi đóng một con tàu nhỏ hơn nhưng mã lực gấp 10 lần và cùng tiến ra biển lớn? Khi đó, chúng ta mới tìm được nhiều khách đến với mình.

PV: Chính anh cũng nhận thấy rằng, cái khó nhất của mình là sản phẩm “kén khách”, người dân đang rất thờ ơ với sân khấu kịch, đặc biệt là ngoài Bắc. Anh lấy gì để tự tin ra biển lớn?

NSƯT Chí Trung: Khi con người ta đủ đầy, ăn ngon, mặc đẹp rồi, người ta sẽ có nhu cầu đến những chỗ công cộng để thụ hưởng niềm vui về tinh thần, cùng nhau chia sẻ những cảm xúc trong khán phòng. Tôi vẫn nghĩ, đó là ưu điểm của sân khấu kịch. Không như một bộ phim, đúng giây thứ bao nhiêu, nhân vật sẽ khóc, phút thứ bao nhiêu, nhân vật sẽ cười. Sân khấu kịch tạo ra một luồng điện cảm xúc chạy trong khán phòng, kết nối khán giả với diễn viên. Và những giọt nước mắt rơi xuống thật trong chính khoảnh khắc trào dâng cảm xúc.

Cuộc đời tôi gắn với sân khấu kịch. Có thể nói, nó sinh ra một Chí Trung của ngày hôm nay, cho tôi lớn lên, trưởng thành và gặt hái những thành công. Vì thế nên sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi nhưng trong 4 năm nữa, tôi sẽ cố gắng hết mình để đưa con tàu tiến lên với một tâm thế thoải mái. Cái của ngày hôm qua đúng thì với hôm nay không còn đúng nữa. Vì thế, ngoài việc, tìm cách liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tìm nguồn thu cho Nhà hát, tôi sẽ xoay trục Nhà hát một chút, Nhà hát Tuổi trẻ khôi phục lại sân khấu âm nhạc. Tôi chủ trương thay đổi theo hướng kết hợp cả âm nhạc và kịch.

Trước tiên, Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện dự án “Đồng hành 100 năm âm nhạc Việt Nam” với 24 đêm nhạc trong nhiều năm. Với kịch nói, chúng tôi sẽ phải có một sự nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với thị trường. Đặc biệt, ngày 1/1/2018, tại Cung Việt Xô, tôi cho ra mắt hài kịch - ca nhạc Hương xuân Hà Nội gồm những tiểu phẩm do Đinh Tiến Dũng viết và nhiều tiết mục ca múa nhạc do các diễn viên múa, ca sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện.

PV: Nhưng nói gì thì nói, với hình thức kinh doanh nghệ thuật, nó không đơn giản như một sản phẩm hàng hóa để muốn nói thay đổi là thay đổi luôn được. Nhất là điều này còn phụ thuộc vào cảm xúc thăng hoa của người nghệ sỹ?

NSƯT Chí Trung: Tôi nghĩ, trong mọi hoàn cảnh, điều kiện kinh tế phải phát triển thì văn hóa mới thăng hoa được. Thế nên trước tiên, trăn trở của người lãnh đạo là phải lo cho anh em sống được và ngược lại là gì, sản phẩm văn hóa chúng tôi làm ra cũng phải được tiếp nhận.

Nghệ sỹ cũng chỉ là những người tái tạo cuộc sống. Chúng ta dùng tri thức để gửi cho khán giả những vở diễn, để họ chiêm nghiệm chứ không mơ cao xa là thay đổi được họ. Đã đến lúc phải vì khán giả. Lâu nay, mọi thứ ở Nhà hát đều bao cấp, mọi sản phẩm làm ra, đều cho là tốt nhưng có khi chỉ mình mình xem, chỉ chúng tôi xem với nhau và khen nhau, phỏng có ích gì? Một vở diễn mất rất nhiều công sức, diễn xong mọi người đều sung sướng, vỗ tay tưng bừng nhưng… không có khán giả.

Tôi vẫn ví, nhà hát là một thánh đường và khán giả chính là tín đồ trong thánh đường ấy. Cứ coi nghệ sỹ là linh mục, là những ông hoàng bà chúa ở đó đi, nhưng ở dưới không có một tín đồ nào, hàng ghế khán giả không có một ai, thì linh mục giao giảng với ai và có ý nghĩa gì? Đừng nói rằng, khán giả không hiểu mình hay trách tầm của họ thấp quá. Tôi yêu cầu tất cả phải hướng ra khán giả và khán giả mới chính là thước đo. Chỉ khi nào mọi người đổ xô đến xem, nâng niu một vở diễn, nó mới trở thành sản phẩm văn hóa phù hợp với nhu cầu thị trường.

Chính vì thế, tôi đã yêu cầu các nghệ sỹ phải tìm được phân khúc thị trường. Sản phẩm này dành cho ai, tuổi bao nhiêu và tại sao phải làm vở này. Phải nói rõ cho tôi những điều đó thì hãy làm.

PV: Người ta nói, đã làm quan thì thôi làm hề, mà đã làm hề thì thôi làm quan.Vì nếu làm cả hai thì quan dở mà hề nhạt! Anh có sợ rằng mình sẽ như thế?

NSƯT Chí Trung: Với các vai diễn hài, ngay từ đầu tôi đã có quan điểm: không bao giờ “chạy” theo tiền và tiếng cười dễ dãi.

Còn về quỹ thời gian, đúng là từ khi nhận vị trí mới, tôi bận rộn hơn rất nhiều, không còn nhiều thời gian đi diễn như trước. Có những ngày, chúng tôi họp suốt, từ cuộc họp này sang cuộc họp khác để bàn bạc và đưa ra các phương án cần thiết. Tôi quay cuồng với công việc từ sáng sớm đến 23h đêm. Làm đủ mọi việc từ giám sát và đốc thúc anh em làm nghề, đến việc đi nhặt từng cọng rác, kiểm tra từng cái ghế, hay nhà vệ sinh xem đã được dọn dẹp sạch chưa vì chỉ một chi tiết không tốt cũng tạo ấn tượng trong lòng khán giả. Con đường tiến ra biển lớn của chúng tôi mới chỉ ở chặng đầu, còn nhiều gian nan lắm, “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên” nhưng đã đến lúc thực sự cần thay đổi rồi, không phải là lúc này thì là bao giờ nữa?

 Xin cảm ơn NSƯT Chí Trung, chúc anh và Nhà hát Tuổi trẻ một năm mới gặt hái thành công!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top