Aa

NTC tăng vốn, Tập đoàn Cao su và cổ đông nhỏ có bất hòa?

Thứ Hai, 18/06/2018 - 03:02

Đại hội cổ đông 2018 của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) kết thúc với nhiều vấn đề còn để ngỏ liên quan đến kế hoạch tăng vốn và thời điểm triển khai cụ thể dự án Nam Tân Uyên 3.

Tại Đại hội cổ đông tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC – UpCOM) cho biết, kết quả kinh doanh năm 2017 duy trì ở mức cao với đóng góp chủ yếu từ hoạt động tài chính.

Doanh thu từ kinh doanh chính là 146 tỷ đồng, tương đương 2016. Doanh thu tài chính ghi nhận ở mức cao là 114 tỷ đồng, tăng 75% so với năm trước.

Trong đó, thu từ lãi tiền gửi là 69,5 tỷ đồng; thu cổ tức là 31,5 tỷ đồng, thu từ lãi chậm thanh toán 12,6 tỷ đồng, tương đương 2016. Tổng doanh thu, bao gồm thu tài chính, là 259 tỷ đồng, tăng 46 tỷ đồng so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế năm 2017, NTC ghi nhận 142 tỷ đồng, tăng 15,5% theo năm. EPS 2017 là 8.500 đồng/cp.

Về hoạt động kinh doanh khu công nghiệp, trong năm, công ty cho thuê tổng cộng 36,2ha ở KCN Nam Tân Uyên 1 và 2. Diện tích thương phẩm còn lại có thể cho thuê là 5,2ha. Giá cho thuê trung bình năm 2017 là 70USD/m2 và lũy kế cho hai khu công nghiệp là 47USD/m2 – do giai đoạn năm 2013 - 2015 giá cho thuê ở mức thấp.

Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2018, doanh thu cho thuê dự kiến KCN tăng nhẹ so với năm 2017 do quỹ đất thương phẩm chỉ còn 5ha.

Doanh thu tăng trưởng mạnh chủ yếu từ chuyển nhượng dự án KDC trong khu công nghiệp Nam Tân Uyên – 51ha. NTC sẽ chuyển nhượng khoảng 80 – 90% dự án. Đại hội cổ đông của NTC đã thông qua thành lập Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên, là bước đầu trong thủ tục chuyển nhượng dự án.

Tính đến 31/3/2018, NTC nhận đặc cọc từ đối tác với giá trị 100 tỷ đồng. Doanh thu từ chuyển nhượng dự kiến 320 - 360 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Công ty xây dựng kế hoạch lợi nhuận sau thuế 365 tỷ đồng, tăng 156% so với năm trước.

Theo BVSC, về hoạt động kinh doanh và đầu tư, quỹ đất thương phẩm hiện tại của NTC chỉ còn khoảng 5ha, sẽ cho thuê trong năm 2018. Đối với dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3, công ty đang dự kiến cho thuê 20ha trong 2018.

Tuy nhiên, kế hoạch này phụ thuộc nhiều vào thời điểm hoàn thành các thủ tục pháp lý. Đây là dự án lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty trong dài hạn.

Hiện tại, công ty cho biết, dự kiến tháng 6/2018 là Bộ Kế hoạch – Đầu tư sẽ trình Thủ tướng xem xét chấp thuận đầu tư. Với tiến độ hiện tại, dự án khả năng khó có thể hoàn tất công tác đầu tư cơ bản để kịp kinh doanh trong năm 2018.

Được biết, Nam Tân Uyên 3 có quy mô 355ha, liền kề với dự án Nam Tân Uyên 2. Hình thức phát triển tương tự như 2 dự án NTU1,2 là từ quỹ đất cao su của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) – đơn vị trực thuộc là Tập đoàn Cao su (VRG).

Kế hoạch tăng vốn còn vướng lợi ích cổ đông?

Mối quan hệ giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ có thể bất hòa nếu việc tăng vốn không được thống nhất

Mối quan hệ giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ có thể bất hòa nếu việc tăng vốn không được thống nhất.

Kế hoạch tăng vốn không thông qua tại Đại hội cổ đông năm 2018. Theo quy định, công ty cần phải tăng vốn điều lệ để áp ứng điều kiện về vốn khi triển khai dự án Nam Tân Uyên 3.

Nội dung tăng vốn được nhắc đến trong dự thảo nghị quyết Đại hội cổ đông nhưng có sự thay đổi vào ngày họp. Theo đó, phương án cụ thể sẽ được trình vào Đại hội cổ đông bất thường trong năm 2018. Tuy nhiên, điểm khiến nhà đầu tư lo ngại là việc tăng vốn sẽ theo hướng có lợi cho cổ đông lớn là Tập đoàn Cao su (VRG).

VRG thời gian qua luôn thể hiện quan điểm sẽ gia tăng sở hữu tại NTC, vì hoạt động kinh doanh khu công nghiệp trên đất cao su theo quy định là hoạt động cốt lõi.

Phương án nhận chuyển nhượng cổ phần của PHR tại NTC cũng được nhắc đến trong thời gian qua. Với giá trị hiện tại, giá trị nhận chuyển nhượng 336 tỷ, và gấp 2,5 lần giá trị sổ sách.

Mặc dù vậy, với quan điểm sự phát triển của NTC nhờ những hỗ trợ và ưu đãi của từ Tập đoàn, việc nhận chuyển nhượng cổ phần của PHR với giá trị cao là điều mà VRG không thật sự mong muốn.

Từ quan điểm này, câu chuyện tăng vốn của NTC hiện đang tạo sự lo ngại cũng xung đột lợi ích có thể giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ, cá nhân. Và đây là yếu tố tạo ra rủi ro trong ngắn hạn với NTC mà nhà đầu tư cần cân nhắc.

Đại hội cổ đông 2018 kết thúc với nhiều vấn đề còn để ngỏ liên quan đến kế hoạch tăng vốn, thời điểm triển khai cụ thể dự án Nam Tân Uyên 3.

Trong đó, câu chuyện tăng vốn làm sao hài hòa lợi ích cổ đông chủ quản là VRG và cổ đông nhỏ là điều làm nhà đầu tư quan tâm. VRG với vai trò cổ đông lớn cũng như có sự ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển dài hạn của NTC cũng đang đòi hỏi lợi ích lớn hơn tại NTC.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top