Aa

Nước chảy từ nguồn

Thứ Bảy, 21/12/2019 - 06:30

Đạo thờ cúng tổ tiên – đạo hiếu chính là tinh hoa văn hóa Việt đã trở thành nguồn mạch chảy xuyên suốt trong tâm thức của mỗi người con Việt tự ngàn đời nay.

Cây có gốc mới nảy cành sinh ngọn

Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu

Người ta nguồn gốc ở đâu

Có tổ tiên trước rồi sau có mình

(Ca dao)

Nước chảy tự nguồn, lá rụng về cội. Con người ta, ai mà không được sinh ra từ mẹ cha, ai mà không có tổ tiên, không có nguồn cội?! Người Việt Nam, dù sinh sống nơi nào mà còn giữ được nếp nhà, biết hướng về nơi gốc rễ quê hương dân tộc mình mà vun đắp, mà kính thương, đó là những người Việt có gốc rễ văn hóa Việt. Tâm thức của họ cũng đồng thời đang hòa cùng với dòng chảy tâm thức văn hóa Việt tự ngàn đời.

Trong một tác phẩm của mình, GS. Kim Định có nói: Con người như “nơi quy tụ đức của trời và đất” (nhân giả kỳ thiên địa chi đức). Nếu trời đất đáng thờ thì người là nơi quy tụ đức của trời đất cũng đáng thờ vậy. Trước đó, ông nêu ra quan niệm về 3 ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên:

“Ý nghĩa thấp nhất là tin linh hồn tổ tiên về hưởng các của đơm cúng, đó là tin tưởng theo đợt bái vật.

Ý nghĩa thứ hai là tỏ lòng tưởng nhớ ông bà biểu lộ lòng tri ân tiên tổ. Ý nghĩa này thuộc luân lý ai cũng có thể chấp nhận.

Còn ý nghĩa thứ ba là thờ nhân tính (…)”

Tuy nhiên, với định hướng nội dung dự án “Khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt”, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến 3 điều:

Thứ nhất, cội nguồn dân tộc Việt chúng ta có truyền thuyết cho gốc rễ của mình là “đồng bào” – tức là cùng sinh ra từ 1 bọc trăm trứng, là con cháu lạc hồng và tất cả là anh em một nhà, từ một cha, một mẹ. Do đó, thờ tổ tiên chính là thờ cội nguồn dân tộc.

Thứ hai, ý thức về cội nguồn trong đạo thờ tổ tiên là nuôi dưỡng lòng biết ơn qua từng thế hệ để gìn giữ và phát huy nguồn cội đó. Trong chiếc nôi gia đình, người con Việt lớn lên từ bài học biết ơn tổ tiên (nguồn cội). Khi một người con Việt trưởng thành, người đó trưởng thành đồng thời với lòng biết ơn tổ tiên được nuôi lớn qua từng ngày.

Thứ ba, việc thờ cúng tổ tiên không phải là tín ngưỡng. Thờ cúng tổ tiên là một bổn phận, một nghĩa cử cao đẹp của văn hóa ứng xử của lớp người đi sau với người đi trước. Hay, nó là tấm lòng thương kính của con đối với cha mẹ, nguồn cội gốc rễ của mình. Như vậy, đó là đạo, là một lối sống văn hóa đầy nhân văn của tộc người Việt từ thưở sơ khai.

Đạo thờ cúng tổ tiên – đạo hiếu, vì thế, chính là tinh hoa văn hóa Việt đã trở thành nguồn mạch chảy xuyên suốt trong tâm thức của mỗi người con Việt tự ngàn đời nay. Cho nên, chúng ta mới có câu “Ly hương, bất ly tổ” hay “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Tổ ở đây chính là tổ tiên, là nguồn cội. Và “đạo nhà” ấy chính là nếp sống, là hồn nước và tính dân tộc của người Việt.

Ảnh minh họa: Internet

Có lần, một phật tử bày tỏ băn khoăn với tôi về việc thờ cúng tổ tiên thời này: Ngày nay, người ta đôi khi có thờ mà không cúng hoặc có cúng mà không thờ. Đây cũng là trăn trở của chúng tôi khi bắt đầu đặt bút viết những dòng đầu tiên cho dự án “Khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt”.

Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về ý nghĩa của việc này. "Thờ" có nghĩa là bày tỏ sự nhớ nghĩ đến một đối tượng với tấm lòng thương tưởng và kính ngưỡng. Bên cạnh đó thì "cúng" có nghĩa là ta nguyện dâng lên đối tượng mà ta nguyện thờ kính ấy những vật phẩm mà ta cho rằng tinh túy nhất, cần thiết nhất để biểu lộ sự kính ngưỡng trong ta. Do đó, việc thờ cúng tổ tiên trước hết cần được hiểu là để bày tỏ lòng kính ngưỡng và biết ơn đến nguồn cội, cha ông mình. Dù là ban thờ ấy được đặt ở một vị trí trong ngôi nhà hay một vị trí trong tâm thức thì đó cũng luôn là nơi thiêng liêng nhất, quan trọng nhất.

Hạt giống của lòng biết ơn trong tôi được gieo trồng và lớn lên qua từng đĩa ngô đầu mùa, từng trái ổi hay bát cơm mới mẹ dâng lên ban thờ tổ tiên; qua từng sớm từng chiều, ba tôi chăm chút lau dọn và nhang khói, kinh kệ để nơi thờ tự trong gia đình luôn trở nên ấm cúng, linh thiêng. Do đó, nếu chúng ta ý thức sâu sắc rằng, ban thờ tổ tiên chính là biểu tượng của nguồn cội và việc thắp lên một nén nhang trên ban thờ mỗi ngày chính là ta đang thắp lên lòng thương kính và biết ơn nguồn cội của mình, việc thờ - cúng sẽ không còn là tách rời mà trở thành một cử chỉ mang nét đẹp của văn hóa thuần Việt và trong đó chứa đựng ý nghĩa giáo dục cùng tính nhân văn sâu sắc.

Thờ là để biểu lộ lòng biết ơn và điều đầu tiên để có thể dâng lên tiên tổ chính là lòng biết ơn chân thật. Không có vật phẩm thờ cúng nào cao hơn thế và quý giá bằng sự vun đắp cho cội nguồn, cho quê hương. Nếp sống đẹp lành, hạnh phúc của chính chúng ta mỗi ngày; sự tiếp nối đẹp đẽ và phát huy được những giá trị chân – thiện – mỹ từ thế hệ cha ông chính là vật phẩm cúng dường tốt nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top