Nguyên nhân nước có mùi khét được cho là là do có xe đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước ở đầu nguồn. Còn kết quả xét nghiệm mẫu nước có một số chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước uống. Trong đó các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng styren (chất thuộc nhóm có chỉ tiêu giám sát mức độ C) đều vượt ngưỡng từ 1,3 đến 3,65 lần.
Không biết ô nhiễm bắt đầu từ thời điểm nào, nhưng chỉ đến ngày 10/10, khi người dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội) ngửi thấy mùi khét trong “nước sạch” thì mới có sự nghi vấn. Các cơ quan chức năng và Công ty nước sạch Viwaco vào cuộc, kiểm tra, lấy mẫu nước để xét nghiệm. Nhưng việc xét nghiệm được thông báo phải 7 ngày sau mới có kết quả.
Trong khi đó, đơn vị cung cấp nước là Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) vẫn khẳng định nước cung cấp cho Hà Nội vẫn đạt tiêu chuẩn (?!). Cả đến khi nguyên nhân được chỉ ra do đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước thì lãnh đạo Viwasupco vẫn còn cho rằng, mùi khét có lẽ là tồn dư nhiều clo vì sau khi phát hiện nguồn nước nhiễm dầu thải (ngày 8/10) đơn vị đã tăng lượng clo để xử lý nước. Thậm chí, khi được hỏi từ ngày 8/10 đơn vị đã phát hiện nguồn nước ô nhiễm dầu thải nhưng tại sao không báo cáo kịp thời thì đơn vị này vẫn còn thanh minh thanh nga rằng, do phải huy động cả nhân viên văn thư đi vớt dầu thải nên… không có người gửi báo cáo. Và đơn vị này cũng đã báo cáo với tỉnh Hòa Bình vì nhà máy đặt tại địa phương này (?!).
Vậy còn khách hàng? Chẳng lẽ đến một lời thông báo cũng không được đoái hoài, hay họ đã bị bỏ rơi?
Nước là một trong những nhu cầu tối thiểu của con người, có lẽ chỉ xếp sau không khí. Nước ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh chủ yếu cho con người. Đặc biệt, nguồn nước ô nhiễm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng bởi tốc độ lây lan nhanh và tác động đến số đông cư dân.
Chính vì thế, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu nước, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức chỉ đạo phải khẩn trương khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch bảo đảm chất lượng cho nhân dân và điều tra làm rõ để xử lý các vi phạm. Còn UBND thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng không sử dụng nguồn nước ô nhiễm để nấu ăn, uống; đồng thời bố trí các xe téc của Công ty Nước sạch Hà Nội túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu.
Việc xử lý tình huống của các cơ quan chức năng ở Hà Nội bước đầu được cho là kịp thời và hiệu quả. Sự cố cũng đang được khắc phục từng bước, kể cả việc xúc rửa các bể chứa trung gian hay bể dự trữ nước tại các khu chung cư… Tuy nhiên, nỗi lo của người dân không những không vơi đi mà thậm chí còn tăng lên bởi sự bất ổn trong việc quản lý và giám sát chu trình sản xuất, cung cấp nước sạch.
Hàng loạt vấn đề và câu hỏi được đặt ra cho thấy những lỗ hổng chết người từ sự tắc trách và cẩu thả của đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch. Liệu người dân - Khách hàng - Người tiêu dùng có thể tin tưởng vào nguồn nước được không, khi mà sự cố xảy ra nhưng không được thông tin một cách kịp thời và chính xác?
Việc cung cấp nước sạch phải được quản lý và giám sát chặt chẽ về chất lượng cả từ nguồn nước đầu vào và sản phẩm đầu ra đến người tiêu dùng, và việc giám sát ấy trước tiên thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà cung cấp.
Hàm lượng styren là một trong những chỉ tiêu thuộc Tiêu chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước uống. Ấy vậy mà, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) lại không xét nghiệm, hoặc xét nghiệm nhưng không phát hiện ra thì thử hỏi, công ty này xét nghiệm những chỉ tiêu nào và liệu người dùng còn có thể tin tưởng được về chất lượng nước do công ty cung cấp? Và liệu còn những chỉ tiêu nào thuộc tiêu chuẩn nói trên mà công ty không xét nghiệm hoặc không đủ năng lực xét nghiệm?
Còn khi được hỏi về trách nhiệm của mình thì đích thân Tổng giám đốc Viwasupco, ông Nguyễn Văn Tốn lại trả lời ráo hoảnh rằng, bản thân ông cũng chỉ là người làm thuê thôi (!). Vậy thử hỏi, ai mới là người phải chịu trách nhiệm trong việc nước cung cấp cho khách hàng không bảo đảm chất lượng? Và với một Tổng giám đốc… vô trách nhiệm như thế, thì liệu ai có thể dám chắc rằng, sẽ không có những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai??? Vì cứ theo “cái lý của ông” mà suy, thì ông cũng chỉ là người làm thuê, nên nếu chẳng may có xảy ra “cháy nhà chết người”, ông chỉ cần “không làm thuê” nữa là… hết trách nhiệm (?!).
Nước sạch cũng là hàng hóa, nhưng là hàng hóa đặc biệt hoặc ít nhất cũng là hàng hóa có những đặc thù riêng. Bởi lẽ, người tiêu dùng không có quyền lựa chọn nhà cung cấp mà theo sự điều phối chung của thành phố. Người dân cũng khó có thể xác định được chất lượng nước vì không phải lúc nào và nhà nào cũng có điều kiện lấy mẫu nước đi làm xét nghiệm. Khách hàng chỉ có thể đánh giá chất lượng nước bằng cảm nhận trực tiếp về màu sắc, mùi vị… Còn nếu nước bị ô nhiễm do những chất không thể phát hiện bằng trực giác, không thể nhìn thấy, không thể ngửi được… thì bó tay chấm com. Do đó, người tiêu dùng chỉ còn biết tin tưởng, phó mặc cho nhà cung cấp.
Nhưng với năng lực, ý thức trách nhiệm của Viwasupco như đã trình bày ở trên thì khách hàng còn biết tin vào đâu? Hay niềm tin ấy đã bị đánh cắp?!
Nói cho tận bờ sát góc như thế không phải vì tôi có ác cảm gì với Viwasupco, mà bởi vì, việc bảo đảm chất lượng nước theo đúng tiêu chuẩn là cực kỳ quan trọng, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe toàn dân. Do đó, việc quản lý và giám sát chất lượng nước phải rất chặt chẽ và cụ thể. Nếu không, một khi xảy ra sự cố sẽ gây hậu quả khôn lường, và nhiều khi không gì có thể cứu vãn nổi.
Và, nói như thế cũng để thấy, việc quản lý và giám sát chất lượng nước đã và đang có những lỗ hổng chết người mà nếu không kịp thời vá kín, sẽ có lúc hối không kịp.