Aa

Nước sạch Sông Đuống 10.246 đồng/m3, có 2.003 đồng là lãi vay của chủ đầu tư?

Thứ Năm, 14/11/2019 - 16:42

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Vũ Việt Hà, Công ty Nước mặt Sông Đuống hiện vay 80% tổng mức đầu tư (khoảng 3.995 tỷ đồng). Khi dự án hoàn thành, chi phí lãi vay này sẽ được tính vào trong giá nước.

Vừa qua, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã cung cấp những thông tin liên quan đến giá nước sạch cung cấp bởi Nhà máy nước Sông Đuống do Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống đầu tư.

Dân "gánh" 2.003 đồng lãi vay của nhà đầu tư trong giá nước sạch Sông Đuống

Trong văn bản 3310 của UBND TP. Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy nước sạch Sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Theo đó, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa là 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Ông Vũ Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thông tin về căn cứ tính giá nước sạch sông Đuống. Ảnh: hanoimoi

Trước câu hỏi của phóng viên về việc: Tại sao giá nước sạch Sông Đuống lại cao gấp đôi giá nước sạch Sông Đà (chỉ khoảng 5.000 đồng/m3), ông Vũ Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giá 10.246 đồng/m3 của Nhà máy nước Sông Đuống chỉ là giá tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư.

Ông Hà cho hay, căn cứ tính giá nước sạch sông Đuống dựa trên quy định tại Điều 31, 38 Nghị định 117 năm 2017 của Chính phủ liên quan đến thoả thuận dịch vụ cấp nước được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được uỷ quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Trong thoả thuận cấp nước có nội dung liên quan đến giá nước, lộ trình và các nguyên tắc điều chỉnh giá nước.

Vì nằm trong giai đoạn chuẩn bị dự án nên trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, thành phố đã chấp thuận giá nước sạch này, tại thời điểm đó giá là tạm tính và là tối đa. Sau đó, trên cơ sở chấp thuận của TP. Hà Nội, Sở Xây dựng đã thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước với Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thông tin: “Mức giá 10.246 đồng/m3 vào thời điểm 2017 chỉ là giai đoạn chuẩn bị dự án, theo quy định để tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí giá nước thì dự án phải hoàn thành đi vào hoạt động và được quyết toán”.

Hiện tại, vì Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa được quyết toán chính thức nhưng việc cung cấp nước đang được triển khai thực hiện nên TP. Hà Nội đã chấp thuận mức giá hiệp thương tạm tính là 7.700 đồng/m3 để công ty thực hiện cung cấp nước cho các đơn vị bán lẻ.

Ông Hà cũng khẳng định mức giá 10.246 đồng không phải là giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ. “Tới đây, nhà đầu tư phải triển khai quyết toán về giá và có kiểm toán với dự án này. Sau đó đơn vị quyết toán sẽ xác định được các chi phí chính thức khi đó sẽ xác định được giá thành chính xác của Công ty Nước mặt Sông Đuống”, ông Hà cho hay.

Ông Vũ Việt Hà cho biết giá nước của cả hai nhà máy nước Sông Đà và Sông Đuống đều tính theo nguyên tắc chung trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75. Tuy nhiên, yếu tố khác nhau giữa các nhà máy đã tạo nên sự khác biệt.

Thứ nhất, công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới suất đầu tư của các nhà máy khác nhau. Nhà máy nước mặt Sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có giá tài sản đưa vào để tính khấu hao của nhà máy là 1.555 tỷ đồng, còn công nghệ và giá đầu tư nhà máy nước Sông Đuống là gần 5.000 tỷ đồng.

“Rõ ràng là tổng mức đầu tư lớn hơn thì chi phí khấu hao lớn hơn, và ở đây thì chi phí khấu hao của Nước mặt Sông Đuống theo báo cáo của Công ty là khoảng 2.100 đồng, chiếm 24%”, ông Hà nói.

Thứ hai, ông Hà cho biết, giá nước cũng bị ảnh hưởng bởi lãi vay. Theo đó, Công ty Nước mặt sông Đuống hiện vay 80% là khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đi vào sử dụng tính giá nước thì chi phí lãi vay này sẽ được tính vào trong giá nước.

Chi phí lãi vay có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chi phí lãi vay trong giai đoạn thực hiện dự án, được tính vào trong giá thành đầu tư dự án và được vốn hóa vào tổng chi phí dự án. Giai đoạn thứ hai là sau khi nhà máy đi vào hoạt động, phần vốn vay Công ty phải trả hằng năm, lãi vay sẽ được tính vào trong giá thành.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: “Theo báo cáo của Công ty thì riêng phần chi phí lãi vay ở đây rơi vào khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong số tạm tính 10.246 đồng”. Trong khi đó, Công ty Nước sạch Sông Đà không phải trả phần lãi vay, dẫn đến giá có sự chênh lệch.

Thứ ba, chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến có sự lệch giá. Nhà máy nước Sông Đuống phải bơm nước trực tiếp từ sông Đuống vào một hồ lắng ở phía trong, chất phù sa của sông Đuống nhiều hơn và phải xử lý bùn thải lọc ở dưới. “Theo báo cáo của đơn vị, dự kiến vào khoảng 1.000 đồng, tức khoảng 1%”, ông Hà thông tin.

Ngoài ra, cũng do chất lượng nguồn nước thô của sông Đà, sông Đuống khác nhau dẫn đến hao phí về xử lý vật tư hóa chất khác nhau. Nước sông Đuống phải xử lý nhiều hơn, cao hơn rất nhiều so với nước sông Đà mới có thể sử dụng được.

Đại biểu Quốc hội: Đây là điều rất khó chấp nhận

Ngày 13/11, bên lề hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí về thông tin trong mức giá 10.246 đồng/m3 tạm tính của Công ty nước sông Đuống có khoảng 2.003 đồng là trả lãi vay của nhà đầu tư, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng đây là điều rất khó chấp nhận.

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh

Theo ông, cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, điều quan trọng phải là chất lượng, môi trường, giá thành hợp lý, nếu rẻ nhất thì càng tốt và không được để thất thoát.

“Còn việc nhà đầu tư muốn đầu tư thế nào, đầu tư bao nhiêu là việc của ông. Thế nên, cần gì phải bàn là phải trả lãi vay bao nhiêu. Nếu tăng giá thì anh phải có lý giải thuyết phục và giá đó không thể đứng trên mặt bằng chung. Còn nói tăng giá nước do có hơn 2.000 đồng để trả lãi vay thì rất khó chấp nhận”, ông Đỗ Văn Sinh nhận định.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế khẳng định, vấn đề quan trọng nhất ở đây là đấu thầu, đấu giá cuối cùng của sản phẩm đầu ra một cách công bằng, minh bạch nhất.

“Tôi nghĩ nếu minh bạch ngay từ đầu thì người dân sẵn sàng chấp nhận. Câu chuyện hiện nay là chúng ta mong muốn tất cả các lĩnh vực đều phải minh bạch, phải có sự đồng tình và giám sát của người dân. Vì dân phải trả tiền cho các dịch vụ đó thì phải cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa thì phải minh bạch”, ông nói.

Nhận định về thông tin nghi vấn có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp nước sạch, Đại biểu Sinh cho rằng: “Để cho minh bạch mọi việc, làm rõ có việc thiên vị hay cạnh tranh không lành mạnh không, tốt nhất nên mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán cho tường minh và thông tin cho người dân để tạo sự đồng thuận”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top