Aa

Ồ ạt “đổ” tiền vào dự án cao cấp

Thứ Tư, 13/07/2016 - 13:39

Trong khi 70% nhu cầu đang tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trung bình trở xuống thì nhiều chủ đầu tư lại tập trung vào phát triển nhà cao cấp. Chuyên gia cảnh báo việc ồ ạt “đổ” vốn vào phân khúc cao cấp.

Phân khúc cao cấp gần đây được khá nhiều chủ đầu tư quan tâm đầu tư ở cả thị trường bất động sản Bắc, Nam. Hàng loạt dự án cao cấp đã được chủ đầu tư chào hàng tại thị trường Hà Nội thời gian qua như: D'.Plais de Louis Goldmark City, Imperia Garden, HD Mon City, FLC Twin Tower, Ecolife Capitol, Season Avenue…

Hay tại TP Hồ Chí Minh có các dự án The Goldview, The Golden Star, Mega Village, The Sun Anvenue, Masteri Thảo Điền hay Vista Verde…

Thực tế này khiến ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng đây chính là một trong những lo ngại chung của thị trường bất động sản hiện nay khi các chủ đầu tư đang quá tập trung vào phát triển hàng hóa cao cấp thì khoảng 70% nhu cầu thị trường lại đang tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trung bình trở xuống.

Lượng cung ở phân khúc cao cấp hiện vẫn đang vượt quá nhu cầu.

Nhưng, ông Quang cho hay, chúng ta chưa thể khẳng định được phân khúc cao cấp hiện nay là khủng hoảng thừa bởi các hàng hóa của phân khúc này vẫn được nhà đầu tư quan tâm và tính thanh khoản vẫn tốt.

Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lý giải vì sao mà các chủ đầu tư đang tập trung mạnh vào phân khúc bất động sản cao cấp: Trước hết là lợi nhuận đầu tư vào phân khúc cao cấp sẽ đạt được kỳ vọng của chủ đầu tư.

Thứ hai, bản thân các chủ đầu tư đưa ra các sản phẩm cao cấp nhưng quy mô, cơ cấu của các sản phẩm và tổng giá trị của các bất động sản cao cấp đã được tính toán hợp lý với nhu cầu của người mua.

Thứ ba, thủ tục để đầu tư vào dự án bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, thời gian chuẩn bị lâu... Vì vậy, khi các chủ đầu tư đã có được dự án, họ sẽ hướng tới việc đầu tư vào các sản phẩm phân khúc nào phù hợp với họ mà vẫn có tính thanh khoản cao. 

Thế nhưng, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) lại đưa ra một con số khá bất ngờ, đó là lượng hàng tồn kho vẫn còn gần 40.000 tỷ đồng, chủ yếu là những dự án cao cấp và dự án ở xa khu vực trung tâm, hạ tầng chưa đồng bộ, hoàn chỉnh. Đồng thời, hiện nay vẫn tiếp tục có nhiều các dự án cao cấp đang mở bán. Lượng cung ở phân khúc cao cấp này vẫn đang vượt quá nhu cầu.

“Thời gian trầm lắng của thị trường từ năm 2013 trở về trước là do sự không cân đối cung - cầu, dư thừa bất động sản cao cấp, ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đó, Chính phủ đã ban hành một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trong chỉ đạo hiện nay, chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh rà soát các dự án này để xem xét những dự án nào tiếp tục triển khai, dự án nào không có khả năng triển khai. Mục tiêu để đảm bảo cung - cầu trong thị trường bất động sản nói chung và đối với phân khúc cao cấp nói riêng”, ông Phấn cho hay.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về thị trường bất động sản 2016 gần đây, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhắc lại: Bong bóng thị trường bất động sản của Việt Nam đã xảy ra rất nghiêm trọng vào thời điểm 2007 và biểu hiện rõ nhất vào đầu 2010, tức là thời điểm thị trường bất động sản đóng băng.

Đặc điểm của đóng băng thị trường bất động sản Việt Nam chỉ đối với các dự án nhà ở cao cấp, các dự án đầu tư dang dở. Còn phân khúc thị trường nhà ở thương mại phù hợp với sức mua chung của xã hội thì chưa bao giờ đóng băng.

“Do đó, hiện nay dường như đang có xu hướng phát triển nhanh các loại nhà ở cao cấp và tôi cho rằng, phải cảnh báo nguy cơ, nếu Ngân hàng thương mại tiếp tục đổ vốn vào phân khúc thị trường này. Nếu nới lỏng tín dụng cho những công trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp đang có sức mua tốt thì không lo nhiều đến bong bóng tín dụng bất động sản”, TS. Trần Du Lịch cảnh báo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top