Aa

Ô nhiễm không khí báo động, giải pháp nào cho tương lai đô thị?

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 09/12/2019 - 06:28

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí diễn ra ngày càng nghiêm trọng, công trình xanh được đánh giá là giải pháp tối ưu để giảm thiểu các tác động tới môi trường.

Đô thị hóa và tác động của công trình xây dựng đến môi trường

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam là 57%, gia tăng đáng kể so với 2018 là 36%, điều này sẽ kéo theo thách thức về giải pháp kết nối về nhà ở, giao thông, hệ thống cung cấp năng lượng và nước sạch, khan hiếm về vật liệu xây dựng và hơn hết là chất lượng không khí. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM luôn nằm trong tình trạng báo động “đỏ” về ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung. Theo kết quả quan trắc ô nhiễm không khí thời gian qua trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội tại nhiều vị trí cho thấy, ô nhiễm bụi, nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí đang ở mức cao hơn ngưỡng an toàn.

Công trình xây dựng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: internet.

Phát biểu tại tọa đàm "Xu hướng mới của thị trường bất động sản" trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản thường niên 2019, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Xây dựng cho hay: “Sau nhiều sự cố ô nhiễm gần đây, đặc biệt là ô nhiễm không khí, chỉ số AQI lên cao, UBND TP. Hà Nội có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và chỉ ra 13 nguyên nhân, đó là: Công nghiệp, giao thông, đốt rác thải, rơm rạ,… nguyên nhân thứ 13 là do công trình xây dựng”.

Cũng theo ông Thịnh, các đô thị nói chung đều đối mặt với nhiều thách thức của quá trình tăng dân số, đô thị hóa. Ở Việt Nam, đô thị hóa tăng rất nhanh tạo áp lực gia tăng lên quá trình phát triển. Theo thống kê, tỷ lệ tiêu thụ năng lượng các công trình năng lượng là từ 36 - 37%. Khối lượng phát thải khí nhà kính cho tiêu thụ năng lượng của các công trình gây tác động rất lớn đến đô thị.

Ông Nguyễn Văn Nhung, Giám đốc Kinh doanh ngành điều hòa thương mại của LG Việt Nam, Tập đoàn LG cũng nhìn nhận, vấn đề ô nhiễm thời gian gần đây là báo động lớn. Do đó, phải trả lời được câu hỏi về mức độ gây ô nhiễm của công trình xây dựng như thế nào. “Tại Hàn Quốc, tôi thấy tòa nhà, công trường nhiều hơn chúng ta rất nhiều nhưng tại sao không khói bụi nhiều. Người ta quản lý xây dựng và vấn đề rác thải tốt. Tôi nghĩ là cần tuyên truyền và có những chính sách quản lý tốt hơn để giảm thiểu các tác động của quá trình phát triển kinh tế đến môi trường”.

Đồng tình với nhận định trên, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Đăng cho rằng, lĩnh vực xây dựng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí như trong thời gian vừa qua. “Do vậy, để hạn chế nhất những ảnh hưởng của công trình xây dựng, chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với các nhà thầu. Nếu không làm được việc đấy thì chúng tôi cảm thấy rất có lỗi với người dân. Chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để có những động thái giảm thiểu tác hại môi trường”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Đăng

Công trình xanh – lựa chọn bền vững cho tương lai đô thị

Bày tỏ sự lo ngại về câu chuyện môi trường hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất đáng lo ngại về câu chuyện môi trường hiện nay. Về khía cạnh doanh nghiệp, chúng tôi rất muốn có những đóng góp cho việc cải thiện môi trường, đặc biệt là trong quá trình phát triển các dự án bất động sản, bằng việc áp dụng những công nghệ mới, công nghệ xanh. Không chỉ giảm thiểu rác thải ra môi trường mà còn thay đổi ý thức, suy nghĩ của người dân. Chúng tôi có nghiên cứu những giải pháp khác biệt thân thiện với môi trường như giải pháp sàn tre, đây là một giải pháp mới, hay hệ thống cửa giúp cách âm, cách nhiệt tốt hơn để giảm thiểu nhu cầu sử dụng điều hòa”.

Theo TS. Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, việc hình thành các khu đô thị sinh thái, thông minh, liền kề các thành phố lớn được xem là cứu cánh mới, giúp cho các siêu đô thị ở Việt Nam duy trì được nhịp độ phát triển bền vững trong tương lai. Phong cách ở xanh và thông minh trong các khu dân cư hiện đại, có sự tích hợp công nghệ cao được dự báo sẽ ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam, tương tự như các quốc gia trong khu vực. Khi nhu cầu sống xanh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp lớn sẽ vào cuộc nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

TS. Lê Thị Hồng Na.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, tổng số lượng công trình xanh được chứng nhận ở Việt Nam là khá khiêm tốn. Tính đến hết năm 2018, chỉ có khoảng 87 công trình được chứng nhận là công trình xanh. Đó là chưa kể, đa phần công trình xanh đang chủ yếu được thực hiện bởi các chủ đầu tư nước ngoài.

“So với các nước trong khu vực thì số lượng công trình xanh ở Việt Nam khá nhỏ bé, Philippines có số lượng gấp đôi chúng ta, Thái Lan cũng vậy. Và khó có thể so sánh với Singapore. Điều dẫn đến sự khác biệt lớn này là Chính phủ Singapore quy định tất cả các công trình phải là công trình xanh. Sự liên kết của chính phủ với ủy ban công trình xanh ở Singapore là rất chặt chẽ. Ở Việt Nam thì 2 bộ phận này là độc lập. Hội đồng công trình xanh là phi Chính phủ. Còn việc xây dựng là do chủ đầu tư tự quyết định có làm công trình xanh hay không, nên dẫn đến việc thực hiện không chuẩn, chưa nghiêm ngặt”, bà Na nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Xây dựng, chia sẻ: “Ở Australia chúng tôi thấy họ đã tiến rất xa về công trình xanh. Hiện tại ở Việt Nam theo thống kê có khoảng hơn 100 công trình xanh. Tốc độ phát triển của chúng ta quá chậm. Thế giới bây giờ người ta không nói về xanh nữa, mà nói về công trình không phát thải năng lượng.

Giờ họ còn đang hướng tới chứng chỉ cao hơn. Như tháng 8 vừa qua tại TP.HCM khởi công Tòa nhà Daikin áp dụng chứng chỉ WELL”.

Công trình xanh là xu hướng nhưng còn nhiều khó khăn để triển khai.

Nói về những khó khăn trong phát triển công trình xanh của doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay: “Khách hàng hiện nay rất thông minh. Họ chọn dự án có xu hướng xanh, sạch. Các dự án đã triển khai ở thành phố thì một trong các yếu tố để dự án thành công là phải có nhiều cây xanh.

Nhưng ở góc độ triển khai dự án, khó khăn của chúng tôi là không chỉ đảm bảo về cây xanh mà còn ở cả vấn đề thiết kế nữa. Việc thiết kế cần đầu tư nhiều, thiết bị trong tòa nhà cũng quan trọng. Đầu tư thiết bị tân tiến như vậy thì chúng tôi sẽ phải đội chi phí lên rất nhiều. Nếu Bộ Xây dựng không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng rất khó khăn để triển khai.

Tại Trung Quốc, vấn đề môi trường rất kinh khủng. Vì thế, nhiều chủ đầu tư được nhà nước hỗ trợ 7USD/m2 đầu tư công trình xanh. Thiết nghĩ Bộ Xây dựng cần sớm có được quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xanh để chúng tôi có hành lang hướng đến. Nếu không doanh nghiệp cũng rất loay hoay”.

Đồng tình với nhận định trên, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần Tập đoàn CHG - Capital House chia sẻ: “Hiện không có cơ chế chính sách rõ ràng trong phát triển công trình xanh, không có nguồn vốn và nhận thức của chính khách hàng cũng rất là kém. Ví dụ đối với công trình khoảng 2.000 tỷ đồng, chúng tôi thường mất thêm 1 - 3% để làm công trình xanh, tính ra có thể bằng một con siêu xe. Nhưng những giá trị thu về rất quan trọng. Để thay đổi nhận thức của người dân, chúng tôi cũng kết hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam để tổ chức các hội thảo tuyên truyền đến người dân”.

Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, công trình xanh là xu thế phát triển nhưng để xu thế bất động sản này thực sự phát huy được giá trị và có ý nghĩa trong tương lai, trước mắt cần luật pháp hóa công trình xanh, các tiêu chuẩn xanh để chủ đầu tư thực hiện. Song song với đó là việc nâng cao nhận thức của người dân cũng như các chủ đầu tư về tầm quan trọng của công trình xanh đối với chất lượng cuộc sống và tương lai đô thị để thời gian tới công trình xanh tại Việt Nam không chỉ tăng lên về số lượng mà còn về chất lượng, kéo theo đó, những thành phố xanh, cư dân xanh được hình thành. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top