Aa

Ông Lê Phước Vũ sẵn sàng "hầu tòa" nếu để một giọt nước thải ra biển

Thứ Ba, 30/08/2016 - 00:35

Sau thảm họa Formosa, “siêu dự án thép ven biển” của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đang vấp phải những quan ngại về ô nhiễm môi trường của các chuyên gia.

Biển Ninh Thuận

Biển Ninh Thuận

Cam kết không là Formosa thứ hai

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa chính thức nhận giấy phép đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná đặt tại tỉnh Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 10 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn một năm, lớn nhất cả nước.

Dự án đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025, và sẽ được tập đoàn Hoa Sen triển khai theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ. Khi hoàn thành, dự án có thể tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động. 

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ thực hiện từ năm 2017-2018, dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019.

Chủ tịch Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ cho hay, lý do tập đoàn này đầu tư dự án thép lớn nhất nước là do ngành thép ở Việt Nam hiện vẫn đang nhập siêu, nhu cầu thép cán nóng, phôi thép ngày càng tăng cao. Do đó, việc xây dựng một nhà máy luyện cán thép công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm tối ưu hóa khả năng cung ứng về thép cán nóng, phôi thép là một yêu cầu thiết yếu.

Đáng chú ý, sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, đại diện lãnh đạo Hoa Sen khẳng định, đối với dự án Cà Ná, doanh nghiệp này “không để một giọt nước thải ra biển”. 

Theo đó, Hoa Sen sẽ xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ tái sử dụng các chất thải để phục vụ các hoạt động của dự án và cộng đồng; xây dựng hệ thống hồ điều hòa chứa nước mưa và nước thải sau xử lý để tái sử dụng và tạo cảnh quan sinh học cho khuôn viên dự án; thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các đơn vị được ủy thác xử lý chất thải.

Trao đổi với báo giới sau khi nhận giấy phép, ông Vũ nhấn mạnh: “Nếu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao hết toàn bộ tài sản cho Nhà nước. Các phóng viên có thể ghi lại lời tôi, sau này làm sai thì đem ra tòa xử tôi”.

Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công đầu năm 2017. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này dự án Hoa Sen – Cà Ná mới được thông qua về mặt chủ trương, chủ đầu tư đang xây dựng dự án để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và hiện vẫn chưa có đánh giá tác động về môi trường.

Đây tiếp tục là dự án thép được triển khai gần biển, sử dụng công nghệ lò cao, luyện cốc khô được cho là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất.

Phối cảnh thiết kế mặt bằng quy hoạch dự án thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận.

Phối cảnh thiết kế mặt bằng quy hoạch dự án thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận.

Nói không ảnh hưởng tới môi trường là vội vàng?

Dù chủ đầu tư “siêu” dự án thép tại Cà Ná (Ninh Thuận) cam kết sẽ không để xảy ra ô nhiễm môi trường, nhưng các chuyên gia cho rằng khó tránh khỏi những nguy cơ đối với môi trường, nhất là sau sự cố Formosa.

Trên Tuổi trẻ, một chuyên gia lâu năm trong ngành thép khẳng định công nghệ dập cốc khô và xây dựng hồ chứa sinh học (để thu hồi toàn bộ khí thải và chất thải) mà HSG dự kiến sử dụng không có gì đặc biệt về công nghệ. “Đã luyện thép thì không thể nào không thải ra cacbon. Và các hóa chất sau khi xử lý vẫn còn chứ không thể hết hẳn” - vị này khẳng định.

Cũng theo vị này, vấn đề quan trọng là HSG phải nói rõ dùng thiết bị, công nghệ của nước nào sản xuất. Nếu công nghệ và thiết bị của châu Âu, những vấn đề còn lại sau quá trình xử lý nước sẽ thấp đi rất nhiều, nhưng vẫn không thể làm sạch hoàn toàn để trở thành nước có thể tái sử dụng. “Với những gì HSG vừa tuyên bố, có thể sẽ không có chuyện xả thải thẳng ra biển. Nhưng nói môi trường không ảnh hưởng thì chưa chắc” - vị này phân tích.

Bình luận về việc ông Lê Phước Vũ - chủ tịch HĐQT HSG - tuyên bố “sẽ giao hết tài sản cho Nhà nước nếu để xảy ra sự cố như Formosa”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng thế giới cũng chưa có cơ sở pháp lý hoặc cơ chế nào để thực hiện được điều này.

Theo ông Tuấn, trong trường hợp xảy ra sự cố và Nhà nước (căn cứ vào lời cam kết) lấy tài sản của doanh nhân để xử lý, chắc chắn thế giới sẽ nhìn nhận Nhà nước tước đoạt tài sản của doanh nghiệp. “Nhà đầu tư cũng không nên cam kết như vậy vì có thể gây hiểu lầm cho cộng đồng đầu tư quốc tế” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, nếu tiếp tục làm theo cơ chế hiện tại, rất khó ràng buộc trách nhiệm sau này cho các bên liên quan (thẩm định, đánh giá, cấp phép...) do quy trình không khác với cách đã áp dụng với Formosa.

Và trong thực tế, đến nay vẫn chưa có cơ quan cụ thể nào nhận trách nhiệm trong sự cố của Formosa. Với tuyên bố của chủ đầu tư là sẽ bắt tay thực hiện dự án vào đầu năm tới, nghĩa là chỉ còn bốn tháng để “chạy đua” trước khối lượng công việc quá đồ sộ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng nhà đầu tư và cả chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã “quá vội vàng, hấp tấp”./.

Nguồn tham khảo: 

http://cafef.vn/nhung-dau-hoi-voi-sieu-du-an-thep-10-ty-usd-cua-tap-doan-hoa-sen-2016082710594994.chn

http://vneconomy.vn/thoi-su/lam-sieu-du-an-thep-hoa-sen-khong-de-mot-giot-nuoc-thai-ra-bien-20160829092249761.htm

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160827/sieu-du-an-thep-ven-bien-lo-moi-truong-ven-bien-bi-tan-pha/1161685.html

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top