Aa

Ông Phùng Nguyên Phong: Khởi nghiệp đừng chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn

Thứ Ba, 31/10/2017 - 10:09

Sau 15 năm lập nghiệp tại Singapore, Phùng Nguyên Phong đã cùng một số cộng sự sáng lập Hội Người Việt ở Singapore (VAS) nhằm giúp cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống và hòa nhập với xã hội ở đây.

Ông cũng là Giám đốc Phòng Thương mại Việt Nam – Singapore (VietCham Singapore), được xem là cánh tay thương mại 2 chiều của VAS, hoạt động chủ yếu là hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Chúng tôi gặp ông Phùng Nguyên Phong tại hội quán Bingfa nằm trên đường Đặng Tất, quận 1, TP.HCM. Quán được thiết kế lạ mắt với những nhành cây khô, bàn ghế cũ và những tấm vải trang trí thô mộc. Một nhóm khởi nghiệp trẻ đang trao đổi công việc mà vẫn không làm ảnh hướng đến không gian tĩnh lặng của quán.

Tranh: HOÀNG TƯỜNG

Tranh: HOÀNG TƯỜNG

Ông Phong giới thiệu: “Quán cà phê này được thiết kế theo phong cách Wabi sabi của Nhật với triết lý trân trọng vẻ đẹp của những vật không hoàn hảo. Với triết lý ấy, mọi vật trong tự nhiên đều có nét đẹp riêng, dù không hoàn chỉnh, không được cân đối như quan niệm về cái đẹp thông thường. Chẳng hạn trong quán này, những nhánh cây khô có thể làm nên một chiếc đèn trần ấn tượng hay bàn ghế cũ có vài vết xước nhưng vẫn lưu giữ nét đẹp nhuốm màu thời gian. Con người cũng vậy, dù có những khiếm khuyết về hình thể nhưng họ vẫn có những nét đẹp riêng đáng được tôn trọng. Vì vậy, quán tuyển dụng cả những nhân viên khiếm thính, khiếm thị để họ có cơ hội làm việc như những người lành lặn”.

PV: Đào tạo nghề cho người khuyết tật là việc không dễ chút nào, ông có nghĩ vậy không?

Ông Phùng Nguyên Phong: Khó khăn lớn nhất của người khuyết tật là làm sao vượt qua mặc cảm về cơ thể. Nếu người khuyết tật làm được điều này thì việc đào tạo nghề cho họ không quá khó khăn.

Quán nhỏ Bingfa là một trạm “sạc nhanh” trong hệ thống làng Bingfa mà chúng tôi đang xây dựng. Trạm sẽ “sạc” niềm tin cho người khuyết tật, “sạc” năng lượng cho người mệt mỏi, “sạc” kiến thức, kinh nghiệm cho các bạn trẻ… Đến đây, các bạn khởi nghiệp cũng có thể “sạc” vốn và các mối quan hệ vì chúng tôi đang hình thành và phát triển một câu lạc bộ khởi nghiệp với các hoạt động tư vấn chiến lược, workshop bài bản. Chúng tôi cũng thường xuyên tạo cơ hội cho các bạn startup gặp gỡ, đối thoại và kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư.

Bản thân tôi cũng là một nhà đầu tư, đã và đang đồng hành với một số doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng.

PV: Những ý tưởng khởi nghiệp nào thường gây ấn tượng với ông?

Ông Phùng Nguyên Phong: Tôi cho rằng quan trọng nhất đối với một startup là yếu tố con người. Tôi thường có ấn tượng với những bạn trẻ đam mê và đáng tin.

Nhiều bạn trẻ giỏi giang và đầy nhiệt huyết, nhưng khởi nghiệp thất bại vì nhiều nguyên nhân. Qua quan sát, tôi thấy các startup trong nước rất thông minh, sáng tạo, nhưng còn thiếu kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự cũng như chiến lược kêu gọi đầu tư.

Cộng đồng chúng tôi tạo ra tại Bingfa mong muốn tiếp sức cho các bạn trẻ để họ khởi nghiệp bài bản hơn và gọi vốn đầu tư tốt hơn.

PV: Trở lại với câu chuyện làng Bingfa, có trạm “sạc nhanh” tại thành phố, chắc cũng có trạm “sạc chậm” ở đâu đó?

Ông Phùng Nguyên Phong: Trạm “sạc chậm” hay “sạc đầy” dành cho du khách lưu trú dài ngày đã có mặt ở thành phố Hải Phòng và đang hình thành ở huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La).

Khu homestay tại làng cổ Kẻ Giai (Hải Phòng) là nơi lưu giữ những dấu ấn làng quê qua không gian kiến trúc cổ, các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian hay làng nghề sản xuất lâu đời.

Còn mô hình nông trại nghỉ dưỡng (farmstay) mà chúng tôi đang xây dựng nằm trên một đồi chè xanh mướt ở Mộc Châu, cũng là nơi phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ.

PV: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nhiều trang trại trong nước đang gặp khó khăn do không có đơn vị nào chứng nhận và cũng chưa có tiêu chí rõ ràng. Điều này có gây khó khăn cho ông và các cộng sự?Ông

Phùng Nguyên Phong: Đúng là làm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam không dễ, các chứng nhận nông nghiệp hữu cơ trong nước cũng bị mất uy tín ít nhiều. Chúng tôi không gặp khó khăn này vì nông trại Bingfa áp dụng các tiêu chí và chứng nhận nông nghiệp hữu cơ từ Nhật và Mỹ.

Điều thuận lợi là nhà đầu tư hay nhà xuất khẩu có thể dừng chân nghỉ dưỡng nhiều ngày tại farmstay, cũng là cơ hội kiểm định cách canh tác hữu cơ của nông trại, nhất là những nhà đầu tư khó tính đến từ Nhật Bản, Singapore.

Nông sản xuất khẩu Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng thời gian qua chúng ta đã để mất nhiều đơn hàng xuất khẩu vì không giữ được chất lượng. Trong nhiều trường hợp, chúng ta chỉ tập trung cho những đợt hàng đầu, càng về sau chất lượng càng đi xuống. Thật đáng buồn là hiện nay Singapore đã có lệnh cấm một số sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam với lý do chất lượng không đảm bảo.

Lẽ ra, chúng ta cần phải đầu tư xây dựng uy tín cho nông sản xuất khẩu vì thị trường này được ví như một chiếc “bàn đạp” mạnh mẽ để tiến ra thị trường thế giới.

Có thể thấy, đảo quốc sư tử là cửa ngõ khá gần Việt Nam và có sẵn các điều kiện vô cùng thuận lợi như môi trường kinh doanh thân thiện, các yếu tố pháp lý công khai, rõ ràng và đặc biệt là có sự tham gia tích cực của chính phủ vào công cuộc khởi nghiệp. Ngoài ra, các thủ tục thành lập công ty rất dễ dàng và nhanh chóng, tài sản sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo vệ.

Vì những lợi thế đó mà hơn 10 năm qua, Singapore luôn được mệnh danh là “thung lũng Silicon của châu Á” và từng đứng đầu trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh thường niên của Ngân hàng Thế giới…

PV: Vậy giới khởi nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt tiềm năng của thị trường Singapore chưa?

Phùng Nguyên Phong: Tôi nghĩ rằng họ đang tận dụng khá tốt thị trường năng động này. Năm 2016, số doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký tìm hiểu phương thức đầu tư và mở rộng thị trường thông qua cửa ngõ Singapore tăng hơn gấp 5 lần so với năm 2015.

Có thể thấy một xu hướng mới đang phát triển trong lòng phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam. Giới khởi nghiệp trẻ thường khá lạc quan và tự tin, dám nghĩ dám làm, nắm bắt nhanh các sự kiện khởi nghiệp trên trường quốc tế để kêu gọi vốn đầu tư. Ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vừa tập trung vào việc xây dựng sản phẩm dịch vụ bước đầu, vừa biết hoạch định chiến lược kinh doanh để vươn ra thị trường toàn cầu thông qua Singapore.

PV: Tuy nhiên, Singapore vẫn luôn là thị trường khó tính đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam?

Phùng Nguyên Phong: Thị trường Singapore không quá khó tính nhưng nếu không có người dẫn đường thì việc xâm nhập mất nhiều thời gian và chi phí, thậm chí bị thất bại vì không chịu nổi chi phí đắt đỏ hoặc thiếu hiểu biết về văn hóa bản địa cũng như các rào cản thương mại, nhất là các doanh nghiệp nhỏ lẻ dễ bị chèn ép khi muốn trở thành đối tác của các hệ thống siêu thị lớn.

Một số công ty Việt Nam khi sang Singapore tìm mọi cách để vào được chuỗi siêu thị lớn như NTUC FairPrice và Giant. Họ trở thành đối tác “kèo dưới” nên bị áp dụng những chính sách nặng nề và tốn kém như chi phí niêm yết cao, chi phí marketing cao, phải chấp nhận cho nợ tiền hàng 6 tháng, doanh nghiệp còn bị phạt nặng khi có vấn đề về chất lượng hàng hóa, thiếu hàng hay giao hàng chậm… Doanh nghiệp đã bỏ ra mức vốn trung chuyển quá lớn giống như trường hợp lỡ “leo lên lưng cọp”, phải cố “chịu đấm ăn xôi” chứ khó lòng rút lui.

Có một quy định bất thành văn là các siêu thị trực tuyến lớn tại Singapore thường chỉ hợp tác với các đối tác có từ 200 đầu sản phẩm trở lên. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nếu chỉ có vài chục sản phẩm xuất khẩu thì khó có thể trở thành đối tác của họ.

Một hệ thống phân phối của Việt Nam dưới sự bảo trợ của VietCham đã thành công tại Singapore bằng cách tập trung 500 đầu sản phẩm Việt trước khi chào hàng, đó là V Square. Doanh nghiệp này đã đưa các sản phẩm Việt vào các hệ thống siêu thị lớn tại Singapore như Redmart, Qoo10, Honestbee, Lazada, Prime, Fortune, Halal Mart…

PV: Còn những khó khăn nào khác mà doanh nghiệp thường gặp phải khi làm ăn tại Singapore?

Phùng Nguyên Phong: Ai cũng gặp khó khăn khi phát triển kinh doanh ở một thị trường mới. Tôi cũng từng chật vật nhiều năm khi bắt đầu khởi nghiệp ở Singapore từ 2 bàn tay trắng.

Một số doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam thường tìm tới VietCham khi họ trăn trở về các hoạt động kinh doanh, các dự án đầu tư tại Singapore hay gặp phải những thách thức trên thương trường. Họ muốn tìm được những tư vấn khách quan và chân thành về thương mại và giao dịch quốc tế, trưng bày, triển lãm, tiếp thị sản phẩm, tư vấn chiến lược về quản lý và vận hành, nghiên cứu thị trường, kết nối đầu tư, chuyển nhượng và sáp nhập, lên chiến lược và thực thi kế hoạch mở rộng thị trường hay đơn giản chỉ là ủy thác đầu tư và quản lý tài sản.

Chỉ khi chúng ta xây dựng và phát triển một cộng đồng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và bảo vệ quyền lợi cho những người đồng hương ở nơi xứ người giống như cộng đồng người Hoa thì con đường khởi nghiệp của người Việt mới bớt gian nan. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, VAS và VietCham Singapore đã ra đời.

Hiện nay, VAS và Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư thuộc VietCham Singapore đã thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Việt, dưới sự bảo trợ của VAS và một quỹ đầu tư của người Việt. Tại vườn ươm này, các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí hoạt động, mà còn được tư vấn, hỗ trợ về việc thành lập và vận hành doanh nghiệp tại Singapore. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp các nhà khởi nghiệp tìm kiếm những quỹ đầu tư giá trị tại đảo quốc sư tử, giúp họ tự tin hơn trên bước đường sự nghiệp.

PV: Nhóm khởi nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được những nguồn quỹ đầu tư nào tại Singapore?

Phùng Nguyên Phong: Hiện có khá nhiều quỹ đầu tư mà các bạn khởi nghiệp có thể tiếp cận được, chẳng hạn Quỹ Đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu (Early Stage Ventures Fund) do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Singapore (National Research Foundation) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore thành lập. Theo đó, chính phủ bỏ ra 1 triệu USD, các quỹ đầu tư sẽ phải bỏ thêm 1 triệu nữa nhằm nâng tổng giá trị của Quỹ, từ đó tạo điều kiện tối đa để trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp SPRING Singapore (trực thuộc Bộ Công thương Singapore) cũng hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp và các công ty mới thành lập qua chương trình Phát triển và Hỗ trợ khởi nghiệp (Spring Seeds).

Bên cạnh đó còn có chương trình Startup SG, bao gồm 6 hỗ trợ thiết thực nhằm đáp ứng những nhu cầu phổ biến nhất trong quá trình khởi nghiệp như cung cấp vốn và các hỗ trợ ngoài vốn cho những vườn ươm, hỗ trợ về kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp và đối ứng vốn cho những doanh chủ khởi nghiệp lần đầu, xây dựng môi trường làm việc và cư trú hấp dẫn hơn để thu hút nhân tài trên thế giới về Singapore sinh sống và làm việc, cung cấp các khoản vay để hỗ trợ vốn lưu động và giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng thị trường…

Các chương trình này đã góp phần tạo ra một chu kỳ hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhiều năm, với sự bổ trợ của các sáng kiến khác từ Cơ quan Phát triển công nghệ viễn thông và SPRING Singapore.

Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mới thành lập trong 3 năm.

Nếu đem cả Việt Nam và Singapore lên bàn cân để đo về độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, có thể dễ dàng nhận ra cán cân đang nghiêng hẳn về phía đảo quốc sư tử. Nhưng muốn khởi nghiệp và kinh doanh thành công tại Singapore cũng như nhiều thị trường khác trên thế giới thì chất lượng luôn phải đặt lên hàng đầu.

Tôi từng rất có ấn tượng với một thương hiệu cà phê Việt Nam là Anni. Khi sang Singapore, Anni đã tương tác với các tổ chức để nhận được tư vấn cần thiết, đặc biệt là quan tâm tới sự hỗ trợ từ chính cộng đồng người Việt tại Singapore. Thương hiệu này đã có những bước đi khá cẩn trọng, bắt đầu từ việc tham gia triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, sau đó mới kết hợp với chuỗi phân phối hàng hóa của người Việt tại Singapore để gia nhập thị trường. Thay vì lao vào thị trường cà phê hòa tan vốn đang có sự cạnh tranh gay gắt, thương hiệu này tập trung vào cà phê hạt và cà phê rang xay.

Kết quả là đến nay, cà phê Anni đã có vị trí khá vững vàng tại thị trường Singapore. Chúng ta có thể thấy sản phẩm của Anni tại các siêu thị trực tuyến lớn nhất của Singapore và còn lan rộng sang các kênh thương mại điện tử lớn như Qoo10, Honestbee, Lazada…

PV: Còn về văn hóa giữa 2 nước thì sao, liệu có những nét khác biệt nào đáng lưu ý không?

Phùng Nguyên Phong: Nói chung văn hóa giữa Việt Nam và Singapore khá tương đồng, nhưng thói quen làm ăn lại có những khác biệt. Trước đây, một công ty du lịch hàng đầu của Việt Nam khá tự tin khi mở rộng thị trường sang Singapore. Họ nhanh chóng thành lập công ty, mở văn phòng và triển khai các kế hoạch kinh doanh. Nhưng đến vài năm sau, họ vẫn không thể phát triển kinh doanh vì không lấy được giấy phép kinh doanh du lịch. Các hướng dẫn viên thì không đạt tiêu chuẩn để cấp bằng hướng dẫn viên tại Singapore.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đội ngũ cán bộ phụ trách về pháp lý của doanh nghiệp này khá quan liêu, vẫn giữ thói quen làm ăn của một công ty nhà nước nên khó thích nghi với môi trường kinh doanh của Singapore.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Singapore đã chuyển sang hình thái mới, nhìn sâu hơn vào phát triển kinh tế, coi lợi nhuận chỉ là một điều kiện cần, quan trọng hơn là sự phát triển bền vững. Điều này liên quan tới toàn bộ chuỗi cung ứng và cả thị trường mà sản phẩm, dịch vụ được cung cấp.

Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp Việt nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng cần quan tâm sâu hơn tới các yếu tố bền vững, lợi ích lâu dài của toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như của người tiêu dùng, không nên chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn.

Trên hành trình này, những người trẻ cần đổi mới, sáng tạo và cần cả một tầm nhìn xa, cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, từ đó mới có thể đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp ấn tượng được.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top