Aa

PGS. TS. Trần Kim Chung: Cần xây dựng lối sống đô thị cho người Hà Nội

Chủ Nhật, 24/12/2017 - 06:01

Đó là chia sẻ của PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Hội thảo khoa học cấp thành phố “Phát triển thị trường bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức ngày 23/12/2017.

Tại Hội thảo, PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong quá trình phát triển, nhu cầu và thực trạng thị trường bất động sản của Hà Nội đã có sự biến chuyển lớn.

Từ năm 2010 trở đi, đặc biệt từ 2014, khi nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, thị trường bất động sản phục hồi, các dự án tái khởi động. Một loạt các dự án đã điều chỉnh quy mô, diện tích. Rất nhiều các dự án tham gia cung cấp phân khúc căn hộ thu nhập thấp, căn hộ thương mại giá rẻ.

Hàng loạt các dự án ra đời và được đón nhận như: Mường Thanh, Xa La, Dịch Vọng, Time city, các dự án dọc đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Hà Đông). Căn hộ siêu sang cũng được xây dựng và gia nhập thị trường: Paris de Luis, Metropolis, Sông Hồng Green… Hàng loạt các dự án khu dân cư sinh thái ra đời: Ecopark, Ciputra giai đoạn 2, Gamuda… Những dự án đô thị này hướng tới không gian đô thị văn minh, sinh thái…

PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW. Ảnh: Báo

PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.

Dựa trên tình hình thực trạng và những bất cập hiện nay, PGS. TS. Trần Kim Chung đã đưa ra một số khuyến nghị để phát triển thị trường bất động sản theo hướng hiệu quả, bền vững như: Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển thị trường bất động sản. Ban hành các quy chuẩn thiết kế công trình cao tầng trên địa bàn Hà Nội. Nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao về thông tin bất động sản.

Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế hành chính đặc biệt cho Hà Nội, với vai trò là một siêu đô thị của cả nước. Nâng cao năng lực của lực lượng quản lý nhà nước về xây dựng trong việc quản lý, giám sát các công trình xây dựng tại Hà Nội, đảm bảo đúng thiết kế, quy hoạch đã được phê duyệt. Bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao năng lực của cán bộ bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực bất động sản. Minh bạch hóa và có chương trình hành động, triển khai các dự án quy hoạch, các dự án kêu gọi đầu tư.

Thứ hai, công khai hóa, minh bạch hóa các dự án quy hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Thực hiện đấu giá công khai quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất, bán đất di dời trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, chuyên gia trong quá trình xây dựng các quy hoạch trên địa bàn, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch nhà ở trên địa bàn.

Thứ ba, khuyến khích mọi thành phần tham gia phát triển thị trường bất động sản. Tăng cường đầu tư cho công tác thông tin để giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn địa điểm phù hợp thực hiện dự án nhanh nhất đồng thời đẩy mạnh công tác tiếp thị quyền sử dụng đất tại Hà Nội. Thực hiện chặt chẽ quy trình giao đất, cho thuê đất, kiên quyết thu hồi diện tích đất giao, cho thuê nhưng quá thời hạn theo quy định của Luật mà chưa đưa vào sử dụng. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, tạo điều kiện thông thoáng ở tất cả các khâu liên quan đến hoạt động phát triển, giao dịch và quản lý thị trường bất động sản.

Thứ tư, xây dựng lối sống đô thị cho Hà Nội và người Hà Nội. Chính quyền cần thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về lối sống đô thị, các chuẩn mực lối sống đô thị đến từng tổ dân cư, khu phố. Tăng cường lực lượng quản lý trật tự đô thị, công an trong việc đảm bảo trật tự đô thị. Có chính sách hợp lý đối với người bán hàng rong, người bán hàng vỉa hè, để một mặt đảm bảo cuộc sống của người dân, một mặt đảm bảo trật tự đô thị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top