Aa

“Phải tăng tốc, bù lại thời gian đã mất!”

Thứ Năm, 21/09/2017 - 02:00

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc trước khi ký ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP (Nghị định 74) quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu. Dưới đây là cuộc trao đổi của PV Nhân Dân cuối tuần với ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban quản lý (BQL), nhằm làm rõ những điểm mới và kế hoạch hành động, tạo bước đột phá cho khu CNC đầy kỳ vọng này.

- Thưa ông, được ban hành ngày 20-6 và có hiệu lực từ ngày 5-8 năm nay, liệu rằng, Nghị định 74 có đủ cơ sở để tháo gỡ được những điểm nghẽn tồn tại bấy lâu làm cản trở tốc độ phát triển của Khu CNC Hòa Lạc?

- Nghị định 74 đã giải quyết được bốn vấn đề rất cơ bản, đó là: (1) Ban hành những nguyên tắc để tháo gỡ, giải quyết nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển Khu CNC như giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT); (2) Giao thẩm quyền cho BQL, cơ chế phối hợp, ủy quyền của các cơ quan liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho BQL cũng như nhà đầu tư trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính; (3) Ban hành những chính sách trong ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư; (4) Ðặc biệt, với tình hình nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, Nghị định 74 đã tạo được hành lang pháp lý để kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa trong công tác GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu chức năng…

Một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư trước đây còn phân vân khi quyết định đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc là môi trường đầu tư chưa hấp dẫn. Khu CNC được hình thành từ năm 1998, khi đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng thì tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào thành phố Hà Nội nên bảng giá đất đền bù thay đổi, cùng với đó, Luật Ðất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được điều chỉnh, làm ảnh hưởng đến công tác GPMB Khu. Từ năm 2000, một số hạng mục CSHT đã bắt đầu được triển khai xây dựng bằng ngân sách nhà nước tại Khu, nhưng vì nguồn vốn còn hạn chế nên tiến độ và chất lượng chưa bảo đảm. Ðến năm 2015, dự án tiếp tục được đầu tư bằng nguồn vốn ODA khoảng 300 triệu USD của Chính phủ Nhật Bản, để hoàn thiện đồng bộ hệ thống CSHT vào năm 2018.

Nghị định lần này cũng cơ bản giải quyết được cơ chế để xã hội hóa việc xây dựng hạ tầng xã hội và các công trình phụ trợ như: trường học, bệnh viện, nhà ở, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ phục vụ… Ðây chính là điểm tháo gỡ nút thắt của câu chuyện "quả trứng - con gà", là rào cản khiến các nhà đầu tư thuộc loại hình này trước đây còn cân nhắc khi quyết định đầu tư tại đây.

Nghị định cũng quy định nguyên tắc để xử lý đối với các DN đã đầu tư và triển khai dự án trước đây nhưng qua nhiều lần thay đổi chính sách về thuế, đầu tư,...

- Mốc 2020 đang đến gần, với quỹ thời gian ít ỏi còn lại, sẽ phải tập trung vào đâu để hoàn thành mục tiêu cơ bản định hình diện mạo một khu CNC trọng điểm quốc gia, thưa ông?

- Nghị định 74 đã đưa ra những nguyên tắc để tháo gỡ khó khăn cũ mà trước đây chưa giải quyết được, nhất là chính sách về đất đai và ưu đãi thuế cho nhà đầu tư. Tuy vậy, để thật sự phát huy hiệu quả của Nghị định 74, các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định cần phải được soạn thảo, ban hành sớm.

Ðơn cử như, muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNC, nhất là dòng vốn từ nước ngoài, thì cần phải trả lời các nhà đầu tư mấy câu hỏi sau: Ðầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc được ưu đãi gì? Thời gian xử lý Hồ sơ, đầu mối tiếp nhận Hồ sơ?...

Nhằm thúc đẩy quá trình hoàn thiện chính sách, BQL đang làm việc với cơ quan chủ quản trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan phối thuộc như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội… để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch hành động triển khai Nghị định sao cho bài bản, phát huy hiệu quả.

- Giả sử, nếu có cuộc tiếp xúc thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc, ông sẽ nói gì với các nhà đầu tư?

- Từ đầu năm đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được hơn 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư với ba dự án, trong đó nổi bật là Dự án "Nhà máy Hanwha Aero Engines tại Việt Nam" của Công ty TNHH Hanwa Techwin, Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư đăng ký 4.530 tỷ đồng (có kế hoạch mở rộng tăng tổng mức đầu tư lên 5.900 tỷ đồng từ năm 2021). Cho đến nay, Khu CNC đã trở thành nơi đóng đô của nhiều trường đại học và viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến được Chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ. Không chỉ thu hút các dự án của các DN nước ngoài mà các Tập đoàn lớn trong nước (như FPT, VNPT, Viettel,...) cũng đã đầu tư phát triển mạnh mẽ tại đây. Ngoài ra, hiện BQL đang xúc tiến, đàm phán để thu hút một dự án đầu tư hơn 500 triệu USD của Nhật Bản và một số dự án đầu tư CNC có quy mô lớn của các doanh nghiệp/tập đoàn trong nước.

Những dự án đã và đang được đầu tư, đặc biệt những dự án CNC mang tầm vóc lớn sẽ là bước tạo đà để Khu CNC Hòa Lạc bứt phá nhanh hơn, hiệu quả hơn trong tương lai, giữ vai trò quan trọng trong quá trình Việt Nam bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,
cuộc cách mạng công nghiệp của trí tuệ nhân tạo, in 3D, công nghệ tự động thế hệ mới, năng lượng mới, công nghệ ảo và Internet vạn vật (IoT).

Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn các nhà đầu tư, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân, các DN trong nước và nước ngoài tích cực ủng hộ và mạnh dạn đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Bộ sẽ tạo mọi điều kiện để việc triển khai các dự án đầu tư vào Khu được tiến hành thuận lợi và hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top