Aa

Phần 4: Những lá thư vượt đại dương

Thứ Ba, 29/10/2019 - 06:30

Công nghệ thông tin xóa đi nhiều khoảng cách giữa một người với mọi người nhưng nó cũng xóa đi những run rẩy lạ kỳ tạo nên một tình cảm kỳ lạ giữa con người với con người.

Công nghệ thông tin phát triển ngoài trí tưởng tượng của con người. Bây giờ, muốn nói một điều gì đó với bạn bè hoặc người thân cách xa chúng ta nửa vòng trái đất, bạn chỉ cần ngồi xuống viết một lá thư điện tử, nhấn chuột và trong chớp mắt, lá thư đã đến nơi, hoặc bấm số điện thoại thì giọng nói của bạn bè, những người thân đã vang lên như đang ngồi trước chúng ta. Nhưng trong những năm thập kỷ 80 của thế kỷ 20, khi đang học ở Cuba, tôi gửi một lá thư cho bạn bè và những người thân yêu ở Việt Nam thì ba tháng sau họ mới nhận được và thêm ba tháng nữa tôi mới biết thông tin từ họ.

Cảm giác viết một lá thư bây giờ hầu như không còn nữa. Cách đây chừng 30 năm, tôi đang ở Cuba. Sáng chủ nhật thi thoảng tôi đến trung tâm thành phố uống cà phê và sau đó lại tạt vào bưu điện thành phố mua phong bì, giấy viết thư và tem. Mỗi lần mua những thứ đó là lại nhớ nhà khôn kể. Ngày nay, những sinh viên đi học tập ở nước ngoài, mỗi khi nghỉ hè là bay về nước, thậm chí có người, trong dịp nghỉ đông ngắn ngày, cũng mua vé máy bay về thăm gia đình. Nhưng những sinh viên đi học ở Cuba hồi đó không có điều kiện đó. Chúng tôi đi học và biết rằng sau khi kết thúc mới được trở về. Bởi thế mà những lá thư vô cùng hệ trọng đối với cả người đi xa và người ở nhà.

Mỗi lần mua được phong bì, giấy viết thư và tem là tôi dành cả ngày chủ nhật để viết thư. Đầu tiên là thư viết cho bố mẹ. Sau đó là thư viết cho vợ con, rồi cuối cùng là viết cho một số bạn thân. Sáng hôm sau đến trường thì việc đầu tiên là bỏ thư vào thùng thư ở trong khu vực trường. Sau khi gửi thư đi rồi, cho dù biết rằng ba tháng sau bố mẹ, vợ con, bạn bè mới nhận được thư nhưng ngày nào cũng mong có thư từ trong nước. 

Những lá thư thời đó không có giá trị bao nhiêu về tính thời sự. Vì sau ba tháng thư mới đến thì mọi chuyện gần như đã trở thành chuyện quá cũ. Nhưng những lá thư đó chứa đựng một tinh thần khác. Người đọc thư thấy được từng hơi thở của người viết thư. Một cảm giác có thật là khi cầm lá thư như chạm vào những người thân yêu của mình. Những lá thư tôi viết cho vợ tôi lúc nào cũng bắt đầu bằng câu: “ Em xa nhớ”. 

Trong những sinh viên cùng đi Cuba lúc đó, có lẽ tôi là người có tâm trạng đặc biệt hơn cả. Vì khi tôi đi, vợ tôi chưa có công ăn việc làm và đang mang thai. Tính theo ngày tháng thì chỉ sau đó một tháng là vợ tôi sinh con. Tất cả những điều đó làm cho sự xa cách của tôi có lúc tưởng không thể nào chịu đựng thêm nữa. Vào những đêm thứ Bảy và Chủ nhật, tôi thường lang thang dọc đê biển ở thủ đô La Havana cho đến gần sáng với nỗi nhớ nhà da diết. Trong một bài thơ viết về những đêm gần sáng ở Cuba có đoạn :

Đêm gần sáng là tôi vừa 30 tuổi

Với con tôi, tôi chưa gặp bao giờ

Và với em tôi chưa từng biết hết

Với những câu thơ tôi viết dở nhọc nhằn

Em ơi em, sao ta nỡ xa nhau

Để gần sáng ta nằm nghe gió thổi

Ta gọi tên nhau như bàn tay bấu víu

Để lá thư nào em cũng viết: “Đêm qua...”

Một tháng sau khi đến Cuba là lúc tôi bắt đầu chờ một trong những lá thư quan trọng nhất đời mình. Đó là lá thư báo tin con tôi ra đời. Ngày ấy những bà mẹ không biết được trước đứa con trong bụng mình là trai hay gái. Tôi đã đợi lá thư này như kiệt sức. Và đó là lá thư đến chậm nhất trong tất cả những lá thư mà tôi đã nhận trong cuộc đời mình, kể cả những lá thư sẽ nhận sau này, cho dù lá thư đó cũng đi một chặng đường và một khoảng thời gian như mọi lá thư. 

Cuối cùng thì lá thư ấy đã đến. Cha tôi đã viết lá thư đó vì khi ấy vợ tôi vừa sinh, còn mệt, không thể viết thư. Vợ tôi nói với cha tôi: “Ông viết thư cho nhà con báo là con đã sinh cháu trai”. Tôi nhận được lá thư đó khi đang trong lớp học. Không hiểu sao hôm đó người đưa thư của nhà trường lại mang lá thư đó đến tận lớp học. Tôi mở ngay vì linh tính báo cho tôi biết đó là lá thư tôi đã mong đợi nhiều tháng nay. Tôi đã bóc thư dưới gầm bàn và đọc. Tôi đã kêu lên. Tôi xúc động thông báo cho cô giáo và bạn bè trong lớp về sự kiện trọng đại đó. Cô giáo và cả lớp cùng òa lên xúc động. Cô Magreta, chủ nhiệm lớp và là cô giáo dạy ngữ văn, cho dừng lớp học. Cô lấy tiền đưa cho một sinh viên và bảo anh ấy đi mua một chiếc bánh gatô để chúc mừng sự ra đời của con trai tôi. 

Bên bờ biển Cuba.

Đêm đó, tôi lang thang dọc đê biển trong tiếng sóng rền rĩ. Lúc đó, nỗi nhớ cụ thể nhất và lớn nhất là nỗi nhớ con tôi. 

Tết năm đó, vợ tôi đưa con trai tôi lần đầu tiên về quê nội ăn Tết. Ngày đó, con đường về quê tôi khó như đường lên trời. Vợ tôi đã viết thư kể cho tôi chuyến về quê nội ăn Tết đầu tiên của con trai tôi. Và tôi đã viết một bài thơ về chuyến đi hệ trọng đó của một con người.

CON VỀ QUÊ NỘI

                   (Bài thơ thứ 2 cho con trai Nguyễn Quang Thuật)

“Tết Nguyên đán em đưa con về quê nội!”

Đọc thư mẹ đêm nay cha không ngủ, vui buồn

Cha xa quá không thể nào về được

Xe Vân Đình xóc quá, con tôi

Xe Vân Đình chẳng còn cửa kính

Gió cuối đông vẫn buốt với mưa phùn

Xe đông quá thế mà trống vắng

Mẹ ôm chặt con vào, gió quá, con tôi

Lần thứ nhất trong đời con về quê nội

Hàng xóm qua rào rối rít gọi tên con

Bưởi đầu ngõ ra hoa, chanh cuối vườn ra nụ

Chim sẻ ríu ran, hoa cải hoe vàng

Làng ta đấy, con ơi, con có biết

Mẹ mặc cho con áo mới lúc xuân về

Mẹ bế con đi chào họ hàng, làng xóm

Làng mỉm cười mừng tuổi cho con

Làng ta đấy, cha lớn lên từ đấy

Làng nghiêm khắc, yêu thương, làng đón nhận, chối từ

Làng lam lũ như ông bà sớm tối

Đừng bao giờ lừa dối, nghe con

Mẹ sẽ đặt bàn chân con chạm vào mặt đất

Cho con mang hơi thở của làng

Xin quê hương, xin họ hàng hãy nhận

Một con người chung thủy - Con tôi...

Khi con trai tôi lên hai tuổi, chưa bao giờ tôi lại khao khát được nghe giọng nói của con mình đến thế. Tôi quyết định sẽ thiết kế một cuộc nói chuyện qua điện thoại với con tôi. Tôi viết thư cho vợ tôi và chỉ dẫn cách thực hiện cuộc nói chuyện. Để thực hiện cuộc nói chuyện này, vợ chồng tôi phải chuẩn bị trước đó nhiều tháng vì thư đi thư về rất lâu. Vợ tôi sẽ ra bưu điện Bờ Hồ và gọi điện vào số của Sứ quán Việt Nam tại Cuba. Tôi sẽ trực ở số điện thoại ấy. 

Cho đến bây giờ nghĩ lại, tôi không thể tưởng tượng được rằng: Để nghe được một chút tiếng nói của con mình, chúng tôi đã phải làm biết bao nhiêu thứ trong nhiều tháng trời. Trước khi đến giờ hẹn để thực hiện cuộc gọi đó, lòng tôi bồn chồn, đêm đêm tôi thường thức đến gần sáng, ngồi ở ban công tầng thứ 18 trong tòa nhà cạnh biển Malecon và nghe tiếng sóng dội vào chân đê bê tông suốt đêm. 

Vào cái ngày đặc biệt và trọng đại ấy, tôi đến Sứ quán từ sớm. Tôi ăn cơm tối với anh Đoàn, lái xe cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Lương, lúc đó là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cuba và một số nước Mỹ Latinh khác. Vợ tôi sẽ thực hiện cuộc gọi từ bưu điện Bờ Hồ vào lúc hai giờ chiều. Nghĩa là vào khoảng hai giờ sáng Cuba. Mười một giờ đêm, tôi pha một ly cà phê lớn và đến phòng điện thoại của Sứ quán. 

Tôi biết, con tôi còn nhỏ và chưa một lần gặp cha của mình nên cuộc nói chuyện sẽ “khó khăn”. Nhưng tôi chỉ cần nghe được một tiếng từ miệng con tôi mà thôi. Chỉ một tiếng thôi. Như vậy là quá đủ. Cái khoảng thời gian tôi đợi chờ cuộc gọi từ Việt Nam đêm ấy là khoảng thời gian trôi chậm nhất trong đời tôi. Nhưng rồi thời gian cứ thế trôi đi và cuộc gọi không thể nào thực hiện được. Kỹ thuật hồi đó đã không cho phép cuộc gọi thành công. 

Nghĩ lại, tôi phải cảm ơn công nghệ thông tin bây giờ. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã làm nên những điều kỳ diệu như phép màu. Sau này con tôi đi học ở nước ngoài sáu năm. Lúc nào nhớ con, tôi bấm số và nói chuyện với cháu đủ thứ và thông tin cho cháu mọi chuyện ở nhà. Nhưng cái đêm ở Cuba cách đây 27 năm không bao giờ mờ phai trong ký ức tôi. Mấy ngày sau cái đêm thất bại trong việc nghe giọng nói của con mình, tôi đi lang thang trong khu phố La Havana cổ. Tôi nhớ nhà và con tôi tưởng không làm được gì nữa. Và phải hơn bốn năm sau tôi mới gặp con trai mình. Cậu bé đã gọi tôi là chú xưng con trong ngày đầu tiên cha con tôi gặp nhau.

Bây giờ bạn chỉ cần mở máy tính, ipad hay iphone là chúng ta có thể viết một lá thư hay gọi một cuộc gọi. Và chỉ mươi giây thôi là những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn sẽ nhận được thư bạn và nghe được giọng nói bạn. Nhưng sự run rẩy, nỗi đợi chờ và cảm giác như hơi thở của những lá thư ấy không còn nữa. Công nghệ thông tin xóa đi nhiều khoảng cách giữa một người với mọi người nhưng nó cũng xóa đi những run rẩy lạ kỳ tạo nên một tình cảm kỳ lạ giữa con người với con người.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top