Aa

Phần 5: Hai người đàn ông cô độc

Thứ Ba, 05/11/2019 - 06:30

Không biết ngôi nhà ấy có còn không. Không biết những mèo hoang, chó hoang có còn trong khu rườn rộng và đồng cỏ nhiều gió không? Chắc chẳng có gì mất đi. Tất cả vẫn ẩn giấu đâu đó đợi chúng ta quay lại và hiện ra...

Người đàn ông thứ nhất

Tôi đã viết về ông từ nhiều năm trước. Bây giờ tìm lại bài viết đó để đưa vào chuỗi bài viết về Cuba, nhưng không tìm thấy. Vậy là viết lại. Nhưng khi đặt bút viết tôi lại mang cảm giác chưa bao giờ viết về ông và cảm thấy ông hàng ngày vẫn đang đi trên con đường từ thư viện Trường dự bị ở Siboney về đến nhà và ngược lại. 

Mỗi khi từ trường về, lúc nào tay ông cũng xách một chiếc xô nhỏ đựng thức ăn cho lũ mèo hoang. Ông là Chiki, một người đàn ông Nhật cô độc. Ông đến hòn đảo Cuba này từ khi còn rất trẻ với một nỗi sợ hãi luôn trùm phủ lấy ông mỗi khi có tiếng máy bay bay trên trời và khi đêm xuống.

Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Hiroshima, nơi Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống đó năm 1945. Những người thân trong gia đình ông đã bị giết chết. Lúc đó ông đang đi làm thuê ở một thành phố xa. Khi trở về, ông chỉ thấy một sa mạc gạch ngói ngổn ngang. Tất cả đã bị chôn vùi. Ông như hóa điên. Ông bỏ chạy khỏi thành phố quê hương để hy vọng thoát khỏi nỗi sợ hãi và ám ảnh kinh hoàng. Và trong những cơn ác mộng, ông thấy từng dàn máy bay Mỹ bay đến nước Nhật thả những quả bom nguyên tử đen sì. 

Lúc nào, trong đầu ông cũng có một giọng nói rất mơ hồ nhưng lại rành rõ từng tiếng một: “Mỹ sẽ ném bom nguyên tử xuống toàn bộ nước Nhật”. Ông đã không thoát khỏi được những cơn ác mộng đó. Ông đi xa thành phố của ông. Nhưng ông vẫn không hết sợ hãi. Cuối cùng ông quyết định tìm đường đến Cuba vì ông biết Cuba ở ngay sát nước Mỹ. Như thế, Mỹ sẽ không dám ném bon nguyên tử xuống. Và như thế, chỉ Cuba mới là nơi an toàn nhất cho ông. 

Phải mất một thời gian dài, ông mới đến được Cuba. Khi Chính quyền cách mạng Cuba thành công và trở thành kẻ thù của Mỹ thì ông lại rơi vào sự khủng hoảng của sự sợ hãi. Ông lại mơ thấy những quả bom nguyên tử ném xuống hòn đảo đó như đã từng ném xuống đất nước ông. Nhưng ông không biết chạy trốn đến đâu nữa. Có lúc ông nghĩ, có lẽ chỉ sống giữa nước Mỹ thì ông mới có hy vọng thoát khỏi thảm họa của bom nguyên tử. Nhưng lòng hận thù với nước Mỹ, kẻ đã giết chết toàn bộ gia đình ông và con người đất nước ông, đã không cho phép ông đến Mỹ. Ông đành ở lại Cuba cho đến khi chết.

Khi tôi đến Cuba thì ông đang làm việc ở thư viện trường dự bị. Nhà trường để ông tự do giờ giấc. Họ chăm sóc và chiều chuộng ông. Tôi quen và hay trò chuyện với ông khi đến thư viện mượn sách. Ông sống trong một căn phòng chừng 20 mét vuông trong ngôi biệt thự mà sinh viên Việt Nam ở. Đêm đêm, tôi nghe tiếng đồng hồ báo giờ “tút… tút” đều đều từ phòng ông vọng sang. Cứ đêm xuống, lũ mèo hoang lại tìm về căn phòng của ông. Chúng quây quần quanh ông như một lũ trẻ. 

Ông không lấy vợ. Ông sống độc thân cho đến khi chết. Ban ngày ông làm bạn với những nhân viên của nhà trường và sinh viên. Đêm xuống, ông trở về “lâu đài” của ông và sống với tiếng người từ chiếc đài báo giờ và lũ mèo. Có những đêm tôi nghe tiếng ông trò chuyện với ai đó thật trìu mến, thi thoảng ông lại phá lên cười. Lúc đầu tôi nghĩ ông có một người bạn. Nhưng rồi tôi phát hiện ra là ông trò chuyện với lũ mèo. Ông thực sự coi lũ mèo như những đứa con của ông. 

Tôi nhớ lại có ngày mưa bão, Chiki đếm thấy thiếu một con mèo con. Thế là, trong buổi chiều mưa bão và bóng tối đang ùa đến, ông cầm một chiếc đèn pin đi tìm con mèo con. Đến khuya ông mới trở về, quần áo ướt sũng, mặt tái xám và người run cầm cập vì rét nhưng miệng ông vẫn nở một nụ cười hạnh phúc. Ông đã tìm thấy con mèo con mò ra đồng cỏ gần đó gặp bão không về được chui vào một đám cỏ. Ông ôm con mèo áp vào ngực như ôm một đứa trẻ. Đêm đó, tôi thấy ông nói chuyện với lũ mèo rất khuya...

Những người cao tuổi ở Cuba

Trước khi trở về nước một tuần, tôi quay lại trường dự bị để chào một số thầy cô giáo, những người đàn bà da đen nấu bếp và ông già Chiki. Ông đã dẫn tôi đến thư viện. Ông tặng tôi bộ từ điển Tây Ban Nha - Anh, Anh - Tây Ban Nha. Ông hỏi tôi bao giờ trở lại. Tôi nói, không biết khi nào tôi có thể trở lại, chắc là sẽ rất lâu. Ông cười và nói với tôi rằng, có lẽ ngày tôi trở lại Cuba thì ông không còn nữa và cả những con mèo cũng không còn sống để gặp tôi.

Mấy năm sau, tôi nghe tin ông mất qua một người bạn Cuba mà tôi nhờ anh ấy đến thăm xem ông ra sao. Tôi tin ông chẳng còn gì phải dày vò trước khi ra đi, ngoài nỗi sợ hãi bom nguyên tử. Nhưng khi đã chết đi, hỡi ông già Chiki, tôi tin sẽ không có bom nguyên tử ném xuống Cuba như ông từng gặp trong ác mộng nữa. Và có lẽ ông đã thực sự thanh thản ở chốn vĩnh hằng.

Năm nay tôi đã sắp già, chưa bao giờ chuyến đi trở lại Cuba lại thôi thúc tôi như thế. Tôi sẽ quay lại. Tôi sẽ đến đúng ngôi nhà tôi ở trong những tháng đầu tiên đến Cuba. Không biết ngôi nhà ấy có còn không. Không biết những con mèo hoang, chó hoang có còn trong những khu rườn rộng và những đồng cỏ nhiều gió không? Chắc chẳng có gì mất đi. Tất cả vẫn ẩn giấu đâu đó đợi chúng ta quay lại và hiện ra.

Người đàn ông thứ hai

Tên ông là Nho. Một cái tên Việt Nam. Ông không phải là người Việt Nam, không phải người Cuba. Ông là người Tây Ban Nha. Tôi không nhớ được ông đến Cuba năm nào. Câu chuyện về ông, lúc nào nhắc tới, lòng tôi cũng như có một cơn gió đầu đông thổi qua.

Ông đến Việt Nam khi tôi chưa ra đời. Ông là lính đánh thuê cho quân đội Pháp hay là gì đó, tôi không biết rõ ngọn ngành. Nhưng khi chứng kiến cuộc chiến tranh quân đội Pháp ở Việt Nam, ông đã có một quyết định: Rời bỏ quân đội Pháp để đi theo Cụ Hồ. Ông tham gia vào quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày hòa bình, năm 1954. Sau đó, ông xung phong vào chiến trường miền Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Người ta đã không cho ông đi mà động viên ông trở về quê hương với gia đình. Nhưng ông vẫn xin ở lại Việt Nam. Ông được đưa về công tác tại Nhà máy dệt Nam Định. Rồi ông lấy vợ người Việt Nam và sinh được hai đứa con. 

Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ mở rộng ra miền Bắc. Một trận bom ném xuống thành phố Nam Định đã giết chết vợ và hai con ông. Ông đã mất tất cả. Ông lại làm đơn xin gia nhập quân đội để vào miền Nam chiến đấu. Một lần nữa chính quyền lại “từ chối” ông. Cho dù đất nước có lâm nguy đến đâu, chính quyền cũng không để cho một người như ông ra mặt trận. 

Chính quyền địa phương và Nhà máy dệt Nam Định đã làm tất cả những gì để chia sẻ nỗi đau quá lớn của ông. Từ ngày đó, ông trở nên im lặng một cách lạ thường. Một lần nữa, người ta lại động viên ông trở về Tây Ban Nha - quê hương của ông và hy vọng quê hương sẽ giúp ông vơi đi nỗi đau đớn. Nhưng ông đã chối từ và ở lại Việt Nam. Chính quyền địa phương, cơ quan ông làm việc và bạn bè đã tìm cách vun xới cho hạnh phúc của ông một lần nữa. Nhưng ông nhận ra rằng, ông không thể nào chung sống với một người phụ nữ khác được nữa. 

Một con phố giữa lòng La Habana, Cuba. Ảnh: CNN

Ông đã ở Việt Nam đến sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Ngày vui chiến thắng của đất nước mà ông đã trở thành công dân lại làm cho lòng thương nhớ vợ con của ông như tăng thêm. Ông sống trong buồn bã. Nhưng điều quan trọng nhất là ông không còn những chỗ dựa cho cuộc sống của ông. Đó là gia đình và một nền văn hóa mà ông đã sinh ra và lớn lên trong đó. Nền văn hóa của đất nước Tây Ban Nha. Gia đình ông thì đã không còn. Nền văn hóa ông đang sống trong đó là một nền văn hóa lớn nhưng không phải nền văn hóa của ông. 

Cuối cùng ông đã đồng ý rời Việt Nam. Nhưng nơi ông đến lại không phải là tổ quốc Tây Ban Nha của ông. Ông đến định cư ở Cuba cho hết cuộc đời. Vì sao ông chọn Cuba? Vì nền văn hóa Cuba có quá nhiều nét tương đồng với văn hóa Tây Ban Nha và đặc biệt là cùng ngôn ngữ. Hơn nữa, Cuba là một người bạn đặc biệt của Việt Nam lúc đó. Như thế, những năm tháng sau này của cuộc đời ông sẽ có cảm giác ông đang sống trên xứ sở bò tót của ông với hương vị ẩm thực đó, với ngôn ngữ đó và với những gì đó cho dù mơ hồ nhưng lại vô cùng gần gũi. Chính quyền và người dân Cuba đối xử với ông như chính quyền và người dân Việt Nam. Nhưng lý do lớn nhất là ông không muốn hoặc không có thể trở về Tây Ban Nha. Không phải vì Chính phủ Tây Ban Nha không chấp nhận ông trở về. Mà có lẽ vì một điều gì đó thật sâu kín trong lòng ông.

Chính quyền Cuba trợ cấp cho ông đủ sống một cuộc sống như bao người dân Cuba khác. Thi thoảng sứ quán Việt Nam lại nhờ ông đi dịch cho các đoàn chuyên gia ở Việt Nam sang công tác. Tôi gặp ông lần đầu tiên là khi ông đang đi dịch cho một đoàn chuyên gia lúa nước của Việt Nam. Cuba đã mời nhiều đoàn chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam sang để nghiên cứu và giúp đỡ người Cuba trồng lúa trên hòn đảo của họ. Mỗi lần gặp lại người Việt Nam, ông mừng rỡ vô cùng. Và ông lại tự hỏi vì sao ông quyết định rời Việt Nam ra đi. Và cứ thế, cứ thế... ông sống trong bao nỗi dày vò, bao trắc ẩn, bao thương nhớ, bao đau đớn, bao gần gũi mà lại xa cách.

Có lẽ bây giờ ông vẫn còn sống. Tôi hy vọng là như thế. Tôi đã về nước gần ba mươi năm rồi. Có thể ông vẫn ở Cuba và có thể những năm tháng cuối cùng của đời mình ông lại quyết định trở về Tây Ban Nha. Trở về cho dù chỉ một đêm thôi, được ngủ trong ngôi nhà quen thuộc dưới chân một dãy núi và trước mặt là cánh đồng nho bất tận. Nhưng cho dù thế nào thì cuối cùng ông vẫn trở về nơi ấy. Nhất là sau khi ông từ bỏ thế gian mà với ông quá nhiều biến động, quá nhiều thương yêu và đau đớn.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top