Theo số liệu nghiên cứu thị trường được công bố bởi Statista (Cổng thông tin trực tuyến về thống kê của Đức), chỉ trong năm 2018, ngành Xây dựng đã tiêu thụ khoảng 36% tổng năng lượng toàn cầu.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng văn hoá, ngành Xây dựng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thức hơn trong tương lai. Cụ thể, có 3 thách thức cơ bản được đặt ra:
Thách thức trong việc đảm bảo tối ưu hoá tiện nghi cho người sử dụng
Theo báo cáo Every Breath We Take: The Lifelong Impact of Air Pollution được công bố tại hội nghị COP21, hàng năm trên thế giới có khoảng 4,3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trong nhà, nơi họ dành 90% thời gian sinh sống. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu đã trở thành một phép thử nhạy bén và hiệu quả chứng minh tầm quan trọng của chất lượng không gian sống và các trọng tâm về sức khoẻ trong công trình.
Vì vậy, thách thức đầu tiên cần xét đến là làm thế nào để công trình đảm bảo an toàn và tối ưu hoá tiện nghi cho người sử dụng trước các vấn đề môi trường, khí hậu cùng với những thay đổi trong vận hành và phát triển của xã hội ngày này.
Đối với các yếu tố về mặt tiện nghi sinh học, nếu một công trình cung cấp không gian sống với chất lượng không khí kém, nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh, các mức độ cấp khí tươi, chống ồn và tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên thấp… sẽ gây ra những cản trở, bất lợi thậm chí là ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và sức khoẻ của người sử dụng.
Theo báo cáo của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (World GBC), sức khoẻ của các thành viên trong gia đình có thể giảm đi 50% cũng như dễ mắc các chứng bệnh như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm và thậm chí là ung thư... nếu phải sống trong một căn hộ tối tăm. Hay năng suất làm việc của nhân viên văn phòng (lực lượng lao động chiếm đến 90% chi phí vận hành của một doanh nghiệp) có thể giảm 8 - 10% khi phải làm việc trong môi trường với mức tiện nghi nhiệt và ánh sáng kém.
Tại Việt Nam, một ví dụ điển hình về công trình kém tiện nghi có thể kể đến là toà nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng với diện tích 23.000m2, gồm 37 tầng. Mặc dù được đầu tư xây dựng với mức chi ngân sách lên đến 2.000 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, công trình đã gặp nhiều sự cố như thiếu không khí, nóng nhiệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của hơn 1.200 nhân viên làm việc tại toà nhà.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường xây dựng ngày nay, một công trình được coi là tiện nghi không chỉ đơn thuần cung cấp tốt các tiện nghi sinh học mà tiện nghi tiếp cận cũng phải được chú trọng.
Đơn cử như vấn đề già hoá dân số, theo Tổng cục Dân số Việt Nam, chỉ sau gần 30 năm nữa, tức là đến năm 2049 sẽ có 25% dân số Việt Nam ở độ tuổi 60 trở lên và đất nước bước vào giai đoạn “dân số rất già”. Vấn đề đặt ra ngay từ bây giờ đối với các dự án xây dựng hiện tại và tương lai là làm thế nào để công trình dễ dàng tiếp cận - không rào cản đối với nhiều nhóm đối tượng sử dụng ở mọi lứa tuổi và có các đặc tính sức khoẻ, thể trạng khác nhau.
Thách thức bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá bản địa
Kiến trúc luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc khắc hoạ và bảo tồn những nét độc đáo và đa dạng của nền văn hoá ở mỗi quốc gia qua từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể.
Ngày nay, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, hội nhập toàn cầu cùng những vấn đề về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên,... liệu một công trình có thể đảm đương tốt cùng lúc nhiệm vụ: thích ứng với môi trường xung quanh trong khi vẫn lưu giữ và bảo tồn được những tinh hoa kiến trúc bản địa?
Lời giải cho điều này còn khó khăn hơn với thị trường xây dựng Việt Nam trước bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi mạnh mẽ cùng những đặc trưng riêng vốn có của điều kiện khí hậu tự nhiên và sự phong phú trong vốn văn hoá của 54 dân tộc sinh sống trên toàn lãnh thổ.
Trong cuốn sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, PGS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”.
Chính vì vậy khi tiếp cận và tìm hiểu những công trình nhà ở truyền thống, cách tổ chức, xây dựng không gian ta có thể thấy những giá trị văn hoá lịch sử cùng các giải pháp thích nghi, ứng xử với thiên nhiên theo cách rất hài hoà, không khiên cưỡng hay gượng ép.
Cụ thể ở Việt Nam, với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa không thuần nhất, tính phân hoá cao theo thời gian và tính vùng miền đã tạo ra những đặc trưng lớn trong thiết kế thụ động, liên quan mật thiết đến yếu tố vi khí hậu công trình như phần mái đua lớn, hiên rộng, hướng nhà chủ yếu quay về phía Nam để đón gió mát và giảm bớt bức xạ mặt trời.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây với những thế mạnh của khoa học kỹ thuật hiện đại, dường như những kinh nghiệm tri thức của văn hoá bản địa đang có xu hướng bị coi nhẹ. Nhiều công trình đã quá lạm dụng những mô hình, công nghệ xây dựng kiểu mẫu từ phương Tây - nơi điều kiện tự nhiên và văn hoá kém tương đồng.
Chính điều này đã gây ra những tiêu cực trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên xung quanh và sự kém hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng đảm bảo các yếu tố tiện nghi như xử lý nhiệt, chiếu sáng và cấp khí tươi,… gây lãng phí và không thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, Việt Nam với bề dày hàng ngàn năm lịch sử cùng sự hội tụ đa văn hoá của 54 dân tộc khác nhau đã tạo ra những phong phú và đặc sắc riêng trong các kiến trúc xây dựng mà chỉ số ít các quốc gia trên thế giới có được. Để bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu này trước tốc độ đô thị hoá và toàn cầu hoá mạnh mẽ ngày nay thì cần có sự nhìn nhận và đầu tư thích đáng hơn.
Không thể chỉ vì chạy theo lợi nhuận để đốt cháy giai đoạn thiết kế và định hình lối kiến trúc riêng phù hợp cho từng công trình. Điều này dần dần sẽ tạo ra những thói quen áp dụng kiến trúc công nghiệp theo kiểu “mỳ ăn liền” dẫn đến sự nhàm chán trong thẩm mỹ và những tiếp biến văn hoá tiêu cực.
Có thể kể đến những khu đô thị, các toà nhà liền kề ở nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam được thiết kế dập khuôn, nguyên mẫu từ hình dáng cửa sổ đến lớp sơn phủ công trình. Hay nghiêm trọng hơn là phá vỡ đi cảnh quan tự nhiên và những nét độc đáo trong tập tục, văn hoá vốn đã tồn tại lâu đời của cả một vùng đất. Điển hình như trung tâm Thị trấn Sapa đã biến thành một đại công trường ngổn ngang, lộn xộn với các khách sạn, nhà nghỉ cao tầng được xây dựng chen chúc, thiếu tính quy hoạch.
Thách thức ứng phó và giảm thiểu các tác động từ môi trường
Theo báo cáo mới nhất của IEA và UN, ngành Xây dựng đang có sự hồi sinh trong tăng trưởng và số lượng công trình xây dựng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Hơn bao giờ hết, thách thức môi trường đối với cải thiện công trình hiện hữu và thiết kế tương lai cần được nhấn mạnh, bao gồm 4 mảng chính: thích ứng với sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và sự tiêu cực trong thay đổi sử dụng tài nguyên đất.
Với tuổi thọ trung bình từ 30 - 40 năm, mỗi tòa nhà chắc chắn sẽ liên tục tác động đến môi trường xung quanh nó. Việc giảm lượng carbon cho các tòa nhà và ngành xây dựng là một trọng điểm để đạt được Thỏa thuận Paris về hành động vì biến đổi khí hậu và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Vào năm 2018, vận hành các tòa nhà và hoạt động toàn ngành Xây dựng chiếm 36% tổng năng lượng tiêu thụ và 39% lượng khí thải carbon dioxide (CO2), với 11% trong số đó là kết quả của quá trình sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép, xi măng và thủy tinh.
Mặc dù công nghệ nâng cao, áp dụng nhiều cải tiến về vận hành và sửa chữa, con số năng lượng thực tế toàn cầu đã tăng 1% so với năm 2017 và 10% so với năm 2010. Cải thiện hiệu quả năng lượng cho công trình đã không đủ để vượt qua ảnh hưởng từ nhu cầu tăng trưởng do gia tăng diện tích sàn và đô thị hóa.
Nhưng năng lượng và khí thải chỉ là một phần của những áp lực đến với môi trường xung quanh từ ngành Xây dựng. Ở nhiều nơi, khoảng 50% lượng tài nguyện của tất cả các nguồn tài nguyên không thể tái tạo mà con người đang tiêu thụ, được sử dụng cho lĩnh vực xây dựng. Khiến nó trở thành một trong những ngành tiêu thụ lớn nhất và cũng kém bền vững nhất.
Từ những năm 1999, hơn 60% gỗ qua xử lý được dùng cho các công trình. Đối với tài nguyên nước ngọt, khoảng 17% lượng tiêu thụ toàn cầu trong năm 2010 trực tiếp đến từ các tòa nhà. Theo vòng đời của một công trình, lượng rác thải chiếm tới khoảng 50% tổng lượng rác được đưa ra các bãi rác (số liệu năm 2009).
Bề mặt đất, mạch nước ngầm, đa dạng sinh học... có thể bị thay đổi và phá hủy bởi các hoạt động xây dựng và các cơ sở hạ tầng không bền vững. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng với phần lớn bề mặt bê tông hóa góp phần vào hiện tượng ngập lụt sau mưa lớn và hiệu ứng đảo nhiệt ở nhiều thành phố.
Ở nhiều quốc gia, đất nông nghiệp đã bị mất hoặc buộc phải khai thác quá mức do bị chuyển đổi sử dụng cho cơ sở hạ tầng đô thị và các tòa nhà. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy sự ô nhiễm môi trường xung quanh (không khí, nước và chất rắn), từ quá trình xử lý chất thải khi sản xuất vật liệu, bụi và tiếng ồn trên công trường,...
Tổng quan, ngành Xây dựng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới đang đứng trước nhiều thách thức của thời đại. Tuy nhiên, những khó khăn này cũng có thể biến thành những lợi thế và tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường xây dựng bền vững nếu các công nghệ và giải pháp từ truyền thống đến hiện đại được áp dụng linh hoạt, tổng thể.
Tuần lễ Công trình cho Tất cả: Con người - Văn hóa - Môi trường được tổ chức vào ngày 29/07/2020 tới đây nhằm thúc đẩy môi trường xây dựng bền vững tại Việt Nam. Trọng tâm chương trình hướng tới mục tiêu đảm bảo không gian sống tiện nghi có lợi cho sức khỏe, tôn vinh giá trị văn hóa và thân thiện với môi trường.