Aa

Phát triển nhà bình dân vẫn như “muối bỏ biển”

Chủ Nhật, 22/12/2019 - 13:36

Vấn đề phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại những đô thị lớn như TP.HCM đã được đề cập rất nhiều, song đến thời điểm này vẫn là một bài toán chưa tìm ra lời giải.

Số lượng nhà ở dành cho người thu nhập thấp còn… rất thấp

Nhà ở xã hội quá thiếu

Mới đây, dự án nhà ở xã hội HQC Plaza do Công ty Hoàng Quân làm chủ đầu tư, gồm 1.735 căn hộ đã chính thức được khánh thành. Sự kiện này được nhiều chuyên gia đánh giá như một cơn mưa đầu hạ giải khát cho phân khúc nhà ở xã hội đang thiếu trong nhiều tháng qua.

Song, sự giải khát này cũng chỉ mới tạm thời khi mà báo cáo giải trình tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM Khóa IX vừa bế mạc vào đầu tuần qua, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện Thành phố có khoảng 476.000 hộ gia đình chưa có nhà ở, phải ở nhờ người thân.

Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức, hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư… Đây là thách thức rất lớn với Thành phố trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân, trong khi giá nhà đất lại đang quá cao, vượt xa khả năng của nhiều người.

“Tại thời điểm khảo sát năm 2016 có đến 80.000 hộ gia đình cần nhà ở. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020 thành phố chỉ dám đặt đặt mục tiêu xây dựng 46 dự án với 20.000 căn hộ. Đến cuối năm 2019 cũng chỉ mới hoàn thành khoảng 14.200 căn hộ”, ông Bình nói và nhấn mạnh thêm, hiện tại nguồn cung không thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đề xuất với UBND Thành phố để có giải pháp đáp ứng nhu cầu cho người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, rào cản đối với người thu nhập thấp ở Thành phố hiện nay là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền của họ, thiếu nhà ở xã hội, thiếu nhà cho thuê giá thấp trong khi giá nhà cao gấp 20 - 25 lần thu nhập bình quân người dân.

Điều đáng nói, cả nước cũng chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị tạo lập nhà ở ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013 - 2016. Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng chỉ mới hỗ trợ tín dụng thuê mua nhà được khoảng 1.000 tỷ đồng, trả góp trong 15 năm.

Riêng TP.HCM có chính sách hỗ trợ một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước với suất được vay đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm với thời hạn 15 năm để mua nhà. Tuy nhiên, hiện nay chương trình này đã được giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng và cần có nguồi lực lớn hơn để đáp ứng nhu cầu, cũng như sự công bằng giữa các đối tượng thuộc diện chính sách trên.

Để giải quyết bài toán đặt ra, mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về phê duyệt phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 của chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở cho các quận, huyện với số tiền là 10 tỷ đồng.

Trong đó, quận 12 được phân bổ 2 tỷ đồng; quận 3 được 1,1 tỷ đồng; các quận 10, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn mỗi địa phương được 1 tỷ đồng; quận 7 có 800 triệu đồng; huyện Nhà Bè có 700 triệu đồng; quận Tân Bình là 500 triệu đồng; quận 8 có 400 triệu đồng; huyện Bình Chánh là 300 triệu đồng; thấp nhất là quận 5 chỉ có 200 triệu đồng.

Nhìn vào những con số trên, nhiều chuyên gia cho rằng, số tiền 10 tỷ đồng mà Thành phố vừa phân bổ quá ít để có thể phát triển hay hỗ trợ người dân mua được nhà ở xã hội.

Cần tập trung nhiều nguồn lực

Thực tế, trong các năm qua, lãnh đạo TP.HCM cũng đã có nhiều chính sách trong việc xây dựng và hình thành các khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với hàng loạt những bất cập còn tồn tại trong thời gian qua thì số lượng nhà ở được tạo ra cho đối tượng này không khác gì “muối bỏ biển”.

Các chuyên gia cho rằng, nút thắt lớn nhất hiện nay chính là sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các thủ tục hành chính còn chồng chéo rườm rà khiến cho nhiều dự án nhà ở vẫn còn “nằm trên giấy”. Bởi hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng lại không dễ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, yếu tố rủi ro cao đã khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Theo ông Lê Hoàng Châu, việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân bởi có nhiều hạn chế, bất cập của một số quy định pháp luật nên đã bó hẹp phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, mặc dù nhu cầu là rất lớn.

“Điểm nghẽn lớn nhất là Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội. Tiếp đó là bất cập về việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê”, ông Châu nói và phân tích thêm, Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã quy định cơ chế tạo lập quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhưng cơ chế này chưa được thực thi hiệu quả.

Là một trong những doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở giá rẻ tại TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, thủ tục xin đầu tư dự án nhà ở xã hội khó hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Đây là một nghịch lý đang tồn tại. Cái khó thứ hai về dân số. Nhà ở xã hội có diện tích nhỏ hơn so với nhà thương mại, khi quy hoạch thì số lượng căn hộ nhiều hơn so với số lượng cư dân quy hoạch.

Mặt khác, dự án nhà ở xã hội phải cùng Nhà nước làm hạ tầng, trong khi nhà thương mại không phải tham gia. “Huyện Bình Chánh nằm trong quy hoạch ưu tiên phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM nhưng khi chúng tôi nộp đơn xin triển khai dự án nhà ở xã hội từ tháng 3/2019 song đến nay đơn vẫn nằm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư”, ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, ông Trần Hiền Phương, Tổng Giám đốc Công ty Seaholdings cho rằng, giá nhà đất liên tục tăng và luôn diễn ra tình trạng “sốt giá” hết khu vực này sang khu vực khác, “sốt” vừa tạm lắng thì lại “nóng” trở lại khiến mặt bằng giá thị trường hiện nay neo ở mức cao.

“Giá nhà thường xuyên tăng khiến những người có thu nhập thấp càng khó mua được nhà, trong khi số người chưa có nhà ngày càng nhiều hơn do sinh con và do nhập cư. Điều này làm tái diễn nghịch lý là mặc dù nhiều dự án được mở bán ra thị trường nhưng số người chưa có nhà ở còn rất nhiều, thậm chí có thể gia tăng trong vài năm tới”, ông Phương nói.

Để tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng nhà ở xã hội hoặc những người có thu nhập thấp sở hữu được nhà, ông Phương cho rằng, thay vì cứ tạo điều kiện để tăng các dự án nhà ở thương mại chất lượng cao, thì cả chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nên cần quan tâm ưu tiên phát triển nhà dành cho người thu nhập thấp và thực sự dành cho đối tượng này.

“Cần có các chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân và có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, trục lợi. Nhà nước cần tính toán các mức thuế mới dành cho hoạt động kinh doanh nhà. Đặc biệt, cần có những biện pháp phù hợp để chống nạn đầu cơ nhà đất, nạn tạo sốt ảo để trục lợi, việc mạo nhận đối tượng ưu đãi để mua nhà giá rẻ, cùng các hành vi gian dối khác liên quan đến nhà đất”, ông Phương nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top