Aa

Phát triển nhà ở xã hội và nỗi bức xúc của các ngân hàng

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Sáu, 17/11/2017 - 20:01

Phụ thuộc quá nhiều vào các ngân hàng thương mại, phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ chưa thể tự chủ được nguồn vốn cho mình. Điều này có trở thành “nỗi ám ảnh” với các ngân hàng?

Nêu vấn đề tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, câu chuyện tài chính cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ đang là vấn đề rất nan giải ở Việt Nam.

“Có vẻ Chính phủ đang lựa chọn một chính sách đó là huy động nguồn lực từ ngân hàng là chính và bộ tài chính sẽ dành một khoản ngân sách để bù lỗ lãi suất cho ngân hàng. Từ đó khuyến khích ngân hàng cho vay ở phân khúc bất động sản này.

Nhưng tôi cho rằng đấy không phải là một giải pháp dài và lâu bền mà giải pháp này có thể gây bức xúc cho ngành ngân hàng nhất, là khi họ đang phải chịu nhiều áp lực về trả lãi suất cho người gửi tiền”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Ông Nghĩa cho rằng, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về cách thức huy động các nguồn lực khác từ xã hội để hỗ trợ cho người dân mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội.

TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa

Trong đó có thể áp dụng phương thức hình thành một quỹ tài chính cho phân khúc nhà ở nhà này. Trong đó có vốn từ các nguồn khác nhau kể cả từ vốn vay ODA, nguồn tài trợ hay tiết kiệm nhà ở. Và lựa chọn một tổ chức đứng lên xây dựng quỹ này mới có thể giải quyết được lâu dài.

Bởi theo ông Nghĩa, có rất nhiều chương trình đang chờ vốn từ ngân hàng như chương trình nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Đồng tình với quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng - cho hay Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã có chỉ đạo cần nghiên cứu giải pháp nguồn vốn cho phân khúc nhà thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội theo hướng giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Tính phương án lâu dài phải huy động mọi nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên theo ông Phấn, việc nghiên cứu học tập kinh nghiệm của nước ngoài, Cục đã từng làm nhưng kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công không phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam.

“Ở thời điểm nghiên cứu, làm Luật Nhà ở 2014, chúng tôi đã đi học, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới như Singapore và một vài nước khác. Chúng tôi cũng phân tích một hình thức được thực hiện thành công tại Singapore là gửi tiền vào qũy tiết kiệm nhà ở, ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Mọi công dân có nghĩa vụ đóng một số tiền nhất định vào ngân hàng tiết kiệm nhà ở này và số tiền đó trở thành nguồn chính để giải quyết câu chuyện nhà ở cho người dân, nguồn này do chính cá nhân người dân đóng góp. Đến khoảng 60 tuổi thì giải ngân.

Tuy nhiên áp dụng với điều kiện kinh tế Việt Nam thì có nhiều điểm chưa hợp lý nên không được thông qua trong Luật Nhà ở 2014. Và bây giờ chúng ta thông qua kênh Ngân hàng Chính sách Xã hội để giải bài toán nhà ở này, tuy nhiên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn. Vì đúng như ông Lê Xuân Nghĩa nói, ngân hàng hiện cũng đang có nhiều chương trình phải cân nhắc”, ông Vũ Văn Phấn chia sẻ.

Là người trực tiếp tham gia xây dựng Luật Nhà ở 2014, ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, có rất nhiều vấn đề cấp bách trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hôi và nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, trước hết phải giải quyết được khúc mắc về nguồn hàng.

"Nhà ở xã hội chỉ tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, các địa phương khác không có nhiều sức ép, nếu giải quyết được ở 2 thành phố này sẽ giải quyết rất tốt vấn đề ở các vùng khác của cả nước. Nhưng trước hết chúng ta phải có hàng hóa. Hiện tại hàng hóa ở phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội tìm rất khó. Cả Hà Nội và TP.HCM rất khan hiếm những căn nhà từ 50m2 trở xuống, với mức giá 15 triệu đồng/m2, ở những vị trí chấp nhận được, không quá xa trung tâm", ông Hà nhấn mạnh. 

Theo Phó Chủ tịch VNREA, trước hết phải nghiêm túc trong việc cung cấp nguồn cung, sau đó mới tính đến việc hỗ trợ về chính sách thuế, giá thành... 

Hồi đáp vấn đề TS. Lê Xuân Nghĩa nêu ra, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng việc cho vay như ngân hàng chính sách xã hội đang thực hiện cũng rất khó khăn. Phương án dùng ngân sách để bù lỗ lãi suất cho ngân hàng là tối ưu bởi nếu 1.000 tỷ đồng cho vay trực tiếp tới người dân thì chỉ được một số lượng nhất định rất ít, nhưng cùng 1.000 tỷ đồng đó dùng để bù lỗ lãi suất cho ngân hàng thì số người dân tiếp cận được với vốn sẽ lớn hơn. 

Với câu hỏi về việc xây dựng các quỹ tiết kiệm nhà ở, ông Hà cho biết: "Phương án này đã được cân nhắc nhiều nhưng với tình hình trong nước, người dân thu nhập ít, chưa đủ ăn mà bắt người dân nộp quỹ tiết kiệm nhà ở thì rất khó". 

Ông Hà cũng nêu một đề xuất về việc, nếu chưa thể mua được nhà ở, người dân có thể đi thuê. Đó là một hướng tốt để giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân nhưng nhà nước cũng phải có chính sách hỗ trợ cho người đi thuê nhà./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top