Aa

Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm nhất quán trong phát triển kinh tế của Việt Nam

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 27/06/2019 - 01:10

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF 2019) tổ chức sáng 26/6.

Nhìn lại tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, năm 2019, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi so với những năm trước đây; tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhiều nền kinh tế đang gặp những khó khăn và suy giảm tăng trưởng. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức cần tiếp tục đối mặt để giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu là năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, trình độ quản trị, năng lực kinh doanh còn kém, tính liên kết về hạn chế, pháp luật về đầu tư kinh doanh còn bất cập, chi phí vốn, logistics, chi phí thủ tục hành chính còn cao. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp, mới đạt 140 người có 1 doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Chính phủ Việt Nam nhằm tránh tụt hậu và giảm khoảng cách giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong khu vực. Đây là những điều kiện đủ để Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng, ổn định xã hội, đảm bảo nâng cao chất lượng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính tiền tệ, phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, ưu tiên các sản phẩm xanh, đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao... 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp lớn. Theo đó, giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị - xã hội ổn định. Đây là nhân tố quyết định để huy động nguồn lực cho phát triển xã hội và phát triển kinh tế ổn định trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi như hiện nay.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ cũng tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, nhắm tới tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng nhất là các ngân hàng thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tái cấu trúc ngành năng lượng, theo hướng sạch, tái tạo, gió, mặt trời, khí thiên nhiên;  tái cấu trúc các ngành, sản phẩm và lĩnh vực kinh tế gắn với ứng phó với biến đổi khi hậu, bảo vệ môi trường.

Song song đó, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, đô thị, nông thôn để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chú trọng giáo dục đào tạo - vốn là quốc sách hàng đầu và là nhân tố quyết định cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay

Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh hơn, thông thoáng để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Cải cách hành chính; trong đó, đặc biệt là thủ tục hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng sẽ là một trong những trọng tâm được đẩy mạnh. Qua đó, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu. Cuối cùng, Chính phủ sẽ tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, tích cực hội nhập tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương với các khu vực phát triển trên thế giói. Đây chính là môi trường tốt để thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững và cũng là động lực mới của Việt Nam phù hợp với bối cảnh quốc tế.

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Cũng tại diễn đàn, ông Lộc gửi 10 kiến nghị tới Chính phủ đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Cụ thể, kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho doanh nghiệp; tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm để cải cách thủ tục hành chính; tăng cường minh bạch thông tin cho doanh nghiệp; có giải pháp phù hợp đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ; tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn; sửa đổi Luật lao động theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ, không sử dụng hệ thống trả công luỹ tiến; đảm bảo tính ổn định, tin cậy của môi trường kinh doanh: cải cách hệ thống tư pháp liên quan đến doanh nghiệp; cần có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, ký kết và thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Ông Lộc khẳng định: “Hành trình của Chính phủ đang rất thành công trong việc chuyển đổi từ cởi trói, tháo gỡ khó khăn sang kiến tạo, dẫn dắt, yểm trợ. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chuyển từ kêu ca sang hiến kế và chủ động thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo. Chúng ta đang có 2 bàn tay cùng vỗ lên thúc đẩy cho sự phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top