Aa

Phát triển tài chính tiêu dùng để hỗ trợ an sinh xã hội

Thứ Năm, 21/05/2020 - 15:39

Đó là một trong những nhận định của TS. Cấn Văn Lực khi đánh giá vai trò của lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn do tác động dịch bệnh Covid-19.

Phát triển tài chính tiêu dùng giúp kích cầu tiêu dùng

Tại Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng với chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh vai trò kích cầu nền kinh tế của tài chính tiêu dùng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Một minh chứng cụ thể là ngay sau khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành, nhiều tổ chức tín dụng đã thực hiện nghiêm túc, có các gói hỗ trợ thiết thực cho nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đặc biệt trong số đó, FE CREDIT - công ty tài chính tiêu dùng, một trong những tổ chức hướng tới đáp ứng nhu cầu vay tiền của người dân có thu nhập trung bình và thấp, đã có những chính sách hỗ trợ cho khách hàng hiện hữu.

Theo đó, FE CREDIT đã nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ từ tháng 2 đến hết tháng 6/2020 cho khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh. Cho đến thời điểm hiện tại, FE CREDIT đã thực hiện miễn giảm lãi cho hơn 185.000 khách hàng hiện hữu, chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, hoặc chấp nhận hoãn việc thanh toán trong 3 tháng. Đồng thời, đơn vị này cũng xem xét miễn giảm phí chậm thanh toán đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bới Covid-19. 

TS. Cấn Văn Lực. 

Cùng chung quan điểm với lãnh đạo Bộ KHĐT và những dẫn chứng đóng góp của các tổ chức tín dụng, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính có vai trò quan trọng, góp phần phục hồi phát triển kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội sau đại dịch.

Theo đó, vai trò của tài chính tín dụng thể hiện qua 3 yếu tố sau: 

Thứ nhất, trong giai đoạn vừa phục hồi kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh hiện nay, tài chính tín dụng vẫn là nhu cầu quan trọng của người dân, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng.

Thứ hai, tài chính tín dụng có vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Thứ ba, tài chính tín dụng góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua 3 phương diện: Phát triển tài chính tín dụng là cơ sở để tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh. Từ đó, thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam khi tài chính tiêu dùng tập trung vào phân khách hàng dưới chuẩn, nhỏ lẻ, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. 

Đồng thời, thị trường tài chính tín dụng đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đến hết năm 2019, ước tính các công ty tài chính tạo ra khoảng 50.000 việc làm; trong đó, riêng 3 công ty tài chính hàng đầu đang sở hữu khoảng 38.000 nhân viên.

Theo nghiên cứu của PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đối với nền kinh tế, sự phát triển của tài chính tiêu dùng đã tạo động lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế thông qua gia tăng mức tiêu dùng của người dân và tác động tăng tổng cầu. 

"Tài chính tiêu dùng đã góp phần rút ngắn chu kỳ sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, đồng thời đảm bảo cho quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục với quy mô ngày càng tăng. Thực tế ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam trong thời gian qua, tài chính tiêu dùng đã và đang trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy tỷ trọng tiêu dùng trong GDP".

Đâu là điểm tựa cho sức bật của tài chính tiêu dùng?

Đánh giá cao vai trò của tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện tại, các tổ chức tín dụng vẫn gặp khó khăn nhất là khi Thông tư 01 chưa có hướng dẫn rõ ràng. Tuy nhiên, khi có chính sách tốt, Chính phủ, nhà sản xuất và tổ chức tài chính sẽ tạo ra sự kết hợp nhuần nhuyễn để thúc đẩy nền kinh tế. 

Bàn thêm về cơ sở cho tài chính phát triển, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của Việt Nam tương đối khả quan trong khi quy mô tài chính tiêu dùng còn khiêm tốn. Chính phủ có 4 chính sách kích cầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu, định hướng phát triển của nhiều tổ chức tín dụng về đẩy mạnh cho vay cá nhân và văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân ngày càng thay đổi.

Tuy nhiên, với vai trò và tiềm năng phát triển như vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các bên liên quan cần xem xét một số giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam một cách lành mạnh, bền vững như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính và nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Về phía các công ty tài chính tín dụng, TS. Lực phân tích, các doanh nghiệp cũng cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường sau dịch bệnh. 

"Bên cạnh đó, các công ty tài chính tín dụng cần tăng cường nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, qua đó tăng sức cạnh tranh so với các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng…). Đặc biệt, các công ty tài chính tín dụng phải tham gia đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng…", TS. Lực cho hay. 

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, đại diện Công ty Tài chính SHB (SHB Finance)

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy - đại diện Công ty tài chính SHB (SHB Finance) nhận định, sau giai đoạn dịch bệnh sẽ mở ra nhiều định hướng mới trong phát triển kinh doanh, là dịp để các công ty mới cấu trúc lại mô hình hoạt động kinh doanh sao cho phù hợp và nhanh chóng ứng dụng công nghệ số để giảm thiểu chi phí, đáp ứng xu hướng cho vay tiêu dùng mới.

Mặc dù, công ty tài chính phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong cho vay, nhưng, các quy định pháp luật hiện hành lại chưa đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của công ty tài chính trong hoạt động thu hồi nợ của khách hàng không trả nợ đúng hạn, cố tình chiếm dụng tiền vay. Với tình trạng này, bà Vy đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có nhiều chế tài pháp lý chặt chẽ hơn nữa đối với các khách hàng không trả nợ đúng hạn, để các công ty tài chính có thể xây dựng phương án thu hồi nợ toàn diện và hiệu quả hơn nữa. 

"Luật pháp cần bảo vệ người bị hại, không chỉ là người đi vay mà còn là người cho vay - tức các tổ chức tài chính trong trường hợp người đi vay vi phạm quy định", bà Vy kết luận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top