Aa

Phiếm đàm: Cái gốc của... “lỗi đánh máy”!

Thứ Hai, 04/12/2017 - 20:13

Dạo này, các văn bản cấp Bộ của nước mình nhiều “lỗi đánh máy” quá! Nếu ở cấp phường, xã thì ảnh hưởng của nó cũng không lớn lắm, nhưng đây lại là ở cấp quốc gia, nhân tài nhan nhản, tuyển chọn kỹ càng, một chữ sai là hàng chục triệu người bị ảnh hưởng.

Vậy là Tám tôi quyết tâm đi tìm nguyên nhân gốc gác của những lỗi tày đình này.

Chia sẻ ý tưởng với một người bạn là nhà giáo, Tám tôi ngã ngửa người khi được trả lời: “Lỗi này là do các cụ từ xa xưa để lại”. Lạ thật! Các cụ ngày xưa bút lông mực tàu, làm gì có máy chữ mà đánh, mà có lỗi?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Anh bạn ra hiệu im lặng và bắt đầu kể chuyện.

Quê tôi có vụ tham nhũng lớn lắm, ở một công trình thi công đường giao thông. Lớn đến mức người dân trong xã nói rằng số tiền ấy, mỗi tờ có cài lên lá tre cũng không hết.

Như lẽ thường, mọi vụ tham nhũng đều phải có ô có dù mới có thể tham nhũng được. Khi công an dò theo dấu vết vụ án thì lại động đến mấy ông to ở trên tỉnh, có ông ở tận trung ương. Dân làng bàn tán: “Cái ô to đến như thế thì chắc là hòa cả làng thôi, chẳng xử được đâu”.

Ông bạn tôi là một cảnh sát điều tra kỳ cựu, nổi danh vì đã phá được nhiều vụ án lớn. Thế mà khi được giao thụ lý vụ án này, cứ lúng túng như gà mắc tóc. Kết luận điều tra đã có trong tay. Cái khó nhất bây giờ là khởi tố ai đây?

Khởi tố giám đốc công ty thi công ư? Nó là bạn thân từ thuở nối khố, thường xuyên chén tạc chén thù, mày mày tao tao như là ruột thịt vậy. Mà các hợp đồng đều hợp pháp cả, chỉ thiếu trách nhiệm có một tý thôi, lại còn có thể là do non kém về nghiệp vụ kế toán nên không kiểm soát nổi con số. Luật pháp có điều nào quy định phạm tội do non kém về nghiệp vụ đâu?

Ông bạn cảnh sát điều tra bắt đầu chuyển sang nhân vật thứ hai, cấp to hơn, đó là Giám đốc điều hành dự án của tỉnh.

Chà, động đến ông này cứ như có ý định đập đầu vào đá. Ông ta vốn là con một vị tai to mặt lớn của tỉnh, nhấc bút một cái là quyết định việc ngân sách Nhà nước rót về đâu. Ai ai trong tỉnh cũng phải nể sợ. Ngay cả cơ quan thực thi pháp luật này mà không có bút phê của Ngài, hoặc Ngài chỉ nhích bút thêm cho thêm một cái dấu phẩy thì hoặc là phải sống trong khắc khổ cả năm, hoặc là chi tiêu xả láng.

Nay động đến người con trai cả yêu quý của Ngài thì đến cái ghế của mình cũng chưa chắc đã còn chứ nói chi đến việc đưa ông ta ra toà.

Đến đây, ông bạn cảnh sát điều tra thở dài một cái rồi lật sang tập hồ sơ của nhân vật thứ ba, cấp to hơn nữa.

Người này là Phó Chủ tịch tỉnh. Khỏi phải nói thì ai cũng biết tâm trạng của ông bạn cảnh sát điều tra bối rối như thế nào. Chỉ biết rằng sau khi thừ mặt ra một lúc, ông ta quăng bút, gọi điện cho chúng tôi ra quán làm vài ly rượu cho đỡ căng thẳng. Rượu vào lời ra, ông kể cho chúng tôi nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nhờ tham mưu giúp.

Tôi là nhà giáo, chẳng quen phân tích, chia sẻ những câu chuyện rối rắm và phức tạp như vậy nên chỉ biết thở dài thông cảm. Còn thằng bạn nữa ngồi cạnh tôi thì bôn ba hơn, đã từng là nhà khoa học, sang Nga làm luận án tiến sĩ, sau ở lại buôn bán xuyên quốc gia. Nay giàu có trở về quê, đầu tư khai thác mỏ. Nó bảo:

- Các cậu ạ, tớ cho rằng cứ theo các cụ xưa dạy là ổn nhất.

Ông bạn cảnh sát điều tra ngơ ngác hỏi:

- Các cụ dạy hàng nghìn hàng vạn điều, biết học điều nào?

Nhà khai thác mỏ vẫn nhẩn nha từng nhấp rượu:

- Thì bà cụ nhà tớ cũng như bà cụ nhà cậu chẳng đã ru hai đứa rằng: “Cái cò, cái vạc, cái nông; Ba con cùng béo vặt lông con nào”. Cậu còn nhớ không?

Ông bạn cảnh sát vẫn không hiểu:

- Thì nó liên quan gì đến vụ án?

Nhà khai thác mỏ cười phá rồi đọc tiếp:

- “…Vặt lông con cốc cho tao; Tao nấu, tao nướng, tao xào, tao xơi”.

Đến đây, mắt ông bạn cảnh sát điều tra sáng ra.

Thế là sáng hôm sau, ông bạn tôi hì hụi lập hồ sơ về người thứ tư, đó chính là anh chàng trực tiếp lái máy ủi làm nên con đường.

Kể xong, anh bạn nhà giáo của Tám tôi cười tươi:

- Cậu thấy chưa, câu ca dao kia chẳng do các cụ để lại là gì?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top