Aa

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra lỗ hổng khiến "cò đất" lộng hành

Chủ Nhật, 14/07/2019 - 05:00

"Họ tìm mua các miếng đất nằm trong quy hoạch và triển khai ngay các bước mà không xin phép để mua bán, xây dựng rồi sang tay”, ông Võ Văn Hoan nhận định.

Trong phiên chất vấn sáng 13/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan dành nhiều thời gian nói về đường đi nước bước của các đầu nậu nhà đất trong việc phân lô bán nền.

Mua đất quy hoạch phân lô bán nền

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng cần phải nhận diện thế nào về xây dựng không phép, trái phép, gây mất trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Báo cáo của UBND, HĐND đã chỉ rõ có công trình của Nhà nước, có công trình của doanh nghiệp và có cả công trình của người dân.

"Chúng ta đã có giải pháp xử lý nhưng đi vào cụ thể sẽ thấy đa số người dân TP chấp hành tốt vấn đề trật tự xây dựng, chỉ có 2 nhóm trong quá trình mua bán, sang nhượng đất đai cố tình vi phạm trật tự xây dựng”, ông Hoan nhận định.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Lê Quân

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Lê Quân

Nhóm đầu tiên là những trường hợp không có giấy tờ nên không làm thủ tục cấp phép xây dựng. Nhóm thứ hai là không có dự án nên không thể nào triển khai theo đúng quy trình thủ tục của dự án.

Hai loại này xuất phát từ cò đất hay môi giới đất. Môi giới thực chất là cò nhưng có tổ chức hơn, những người mua đất rồi sang tay kiếm lợi. Họ hình thành nhóm có thể là công ty nhưng không có chức năng kinh doanh bất động sản hoặc có chức năng nhưng không có năng lực đầu tư kinh doanh bất động sản.

"Họ tìm mua các miếng đất nằm trong quy hoạch và triển khai ngay các bước mà không cần xin phép để mua bán, xây dựng, sang tay”, Phó Chủ tịch UBND TP nói về cách thức hoạt động của một số nhóm ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Ông Hoan thừa nhận trong quá trình phối hợp, có những nguyên tắc mà cơ quan quản lý chưa triển khai tới nơi tới chốn. Đơn cử, nguyên tắc phối hợp phải phát hiện kịp thời nhưng mình phát hiện lúc nào cũng chậm hơn, đặc biệt ở địa bàn xa. Nhiều khi cán bộ đi qua không biết công trình do TP hay địa phương cấp phép và đây là lỗ hổng trong cơ chế phối hợp.

“Chúng ta cần xem xét mô hình liên kết thông tin các dự án cấp phép, dự án vi phạm, xử lý vi phạm, kết quả xử lý… Những thông tin này được truyền tải lên hệ thống từ quận, huyện, phường xã để công chức phường xã, địa chính đều tham gia. Hiện chúng ta đang tù mù”, ông Hoan nói.

UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 treo bảng cảnh báo người dân về pháp lý khu đất. Ảnh: Lê Quân

UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 treo bảng cảnh báo người dân về pháp lý khu đất. Ảnh: Lê Quân

Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách đô thị nhìn nhận một số công trình vi phạm được phát hiện nhưng chưa xử lý tới nơi tới chốn vì cơ chế vận hành xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đòi hỏi phải có biên bản, phải có xử phạt và có chế tài. Nếu trong phạm vi chức năng của một địa phương thì thực hiện dễ, trong khi cấp sở, ngành phải phối hợp dẫn đến chậm.

Người nghèo là nạn nhân của cò đất

Lãnh đạo UBND TP nhìn nhận việc người dân nghèo mua đất góp phần làm tăng vi phạm xây dựng nhưng họ cũng là nạn nhân. Trong khi đó, những người đầu nậu, cò đất lại chưa được nhận diện, chưa chỉ đích danh và xử lý, tạo điểm nóng trên địa bàn.

“Phải chỉ ra và xử nghiêm tình trạng đó, không thể trong một địa bàn khoảng 1ha mà ào ào xây dựng được, phải có người đứng mũi chịu sào. Với trường hợp đầu nậu phải xử nghiêm minh, không để tự tung tự tác. Ở phường, xã các anh biết hết nhưng chưa nhận diện hết tác hại của việc này và chưa giải quyết”, ông Hoan phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng lãnh đạo TP cần thấy day dứt khi tháo dỡ công trình vi phạm của dân nghèo. Ảnh: Lê Quân

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng lãnh đạo TP cần thấy day dứt khi tháo dỡ công trình vi phạm của dân nghèo. Ảnh: Lê Quân

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP, cho rằng cần nhận diện 2 nhóm dẫn tới sai phạm đó là nhóm đầu cơ trục lợi và cò đất, đầu nậu.

Đại biểu thắc mắc vì sao chính quyền nhận diện được 2 nhóm này nhưng không xử lý và vì sao có hiện tượng người nghèo, dân nhập cư lại mua những nơi phân lô bán nền sai quy hoạch.

Bà Quyết Tâm đặt câu hỏi sắp tới thành phố sẽ xử lý các chủ dự án "ma", đầu nậu, thu gom đất những nơi không đúng quy hoạch bán cho người nghèo thế nào.

Dù đồng tình với việc tháo dỡ những công trình vi phạm quy hoạch nhưng bà cho rằng lãnh đạo thành phố cần phải day dứt khi tháo dỡ nhà của người nghèo, có khi phải dành cả đời mới mua được nhà.

Đại biểu này cho rằng nhu cầu nhà ở của người dân là có thực, được hiến pháp quy định, nên đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng suy nghĩ những giải pháp, chính sách để thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top