Aa

Phố cũ, nhà cũ, dấu lặng cũ

Thứ Ba, 09/10/2018 - 06:00

Ngược chiều phố cũ, nhà cũ, dấu lặng cũ vẫn còn đây, giá trị không tính được bằng vàng. Nó như tia chớp xanh luôn thức tỉnh người đương thời,... đủ để ta không bao giờ muốn xa rời nơi ta sống với những sự cũ, rêu phong đã trở thành di sản trong tâm thức ta, phần đời của ta.

Giờ đây đi khắp Hà Nội I, sang đến Hà Nội II, dù bạn có thuộc lòng Hà Nội cũ như lòng bàn tay thì vẫn lạc đường như thường. Lý do vì có nhiều phố mới đặt tên, nhiều chung cư cao tầng, nhiều shop đèn sáng như pháo hoa, ta đi lạc trong chính nơi ta đang sống. Đến một ngày heo may, ngồi lại bậc cửa của hiên nhà chỉ còn nhớ một Hà Nội cũ, phố cũ, nhà cũ, sự cũ vẫn chảy trong người như những cột mốc không nhổ ra khỏi trái tim bé nhỏ của mình. Đó là ẩn ức, là kỷ niệm, là gia tài của quá khứ, là tài sản văn hóa của một đời người.

Tôi vẫn hay mở album, lật những tấm ảnh đen trắng để nhớ về dấu vết cũ, như thước phim cũ sẽ tua trở lại. Ngay cả sách cũ, nếu học cách sống tối giản như người Nhật, ta sẽ đem cống hiến sách tất cả sách của gia đình cho thư viện, và loại bỏ nhiều đồ đạc trong nhà. Nhưng cho dù đời sống có hiện đại đến mấy cũng không thể bỏ đi một quyển sách cũ có giá trị nghiên cứu và đó cũng là lý do trái tim mách bảo bạn nên giữ lại điều gì.

Thi thoảng tôi vẫn ngồi xem lại cuốn sách bằng tiếng Pháp của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện còn lưu trên giá, ngỡ ông như vẫn còn đâu đây, đọc sách ở ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Chế Nghĩa. Phố nhỏ và rất ngắn, phố vẫn cũ như xưa, phố vẫn nhớ hôm nao bác Viện vẫn hay cho sách cô giáo nông học, cho sách nhà văn Triệu Bôn, ông Viện vẫn là điểm tựa tinh thần cho mấy bạn trẻ thời ấy, ở tuổi trưởng thành. Ông Nguyễn Khắc Viện có trí nhớ như một quyển sách bách khoa về y học và xã hội học, lại có một cách sống tối giản. Trong nhà ông ngoài sách ra, đồ đạc không có một thứ gì đáng giá ngoài sách. Sống được như thế không dễ; nhưng ông vẫn để lại trong tấm lòng bạn bè tri thức những kỷ niệm về học vấn và tinh thần lạc quan yêu đời, luôn truyền lửa cho những người cùng thời và các bạn trẻ thích đọc sách.

Nếu lúc nào trong con người của tôi chợt tham vọng về tiền bạc, vật chất, lại nghĩ đến bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, lòng chùng xuống, thanh thản bước qua ngày eo hẹp để được thanh thản. Rồi một chiều tạt xuống xóm Hạ Hồi, Hà Nội còn một cái xóm đã toàn nhà bê tông, rẽ sang ngõ nhỏ Đoàn Nhữ Hài, thấy ngôi nhà hai tầng thật cũ của nhà văn Tô Hoài. Ông cũng là người đi nhiều nhất trong giới nhà văn, và cũng không mua sắm gì ngoài ít quyển sách cần đọc cho nghề viết. Hồi còn sống, tôi may mắn có lần thưa chuyện với ông ở căn nhà trong con ngõ cũ này. Tôi dè dặt hỏi ông: “Ông vẫn viết trên chiếc bàn bé tẹo này ạ?”. Ông đáp" “Tôi được cái dễ tính, ngồi đâu cũng viết được. Ngày nào cũng viết”. Tầng hai căn nhà giản dị, đơn sơ, càng không có thứ tài sản gì, ngoài một giá sách. Ông cũng không lưu trữ nhiều sách, kể cả gần hai trăm đầu sách ông viết ra. Cứ nhìn một cách sống, nhìn nội thất ngôi nhà đủ biết chủ nhân có một cách sống tối giản, không màng nội thất cao sang.

Hình như, giá trị vật chất đang đứng ngoài cánh cửa kia. Học được một cách sống như thế này mới khó sao. Ông Tô Hoài có thói quen viết vào buổi sáng, buổi chiều đọc sách báo và đi thăm bạn hữu, khi có nhuận bút, đưa bạn đi uống rồi lại đưa bạn về. Một thời, nhà văn Nguyễn Văn Bổng mắt kém, vẫn vịn vai Tô Hoài đi uống bia ở cuối phố Nguyễn Du, bên mạn hồ Thiền Quang. Phố cũ, nhà cũ hình như vẫn lưu dấu cũ, ám ảnh cũ, không phai nhòa trong trí nhớ của tôi, nhất là cách cư xử, cách chia sẻ với bạn hữu khi lâm hạn. Ông Tô Hoài hay cho đi mà rất ít ai biết, vì tính ông Tô Hoài không thích, không nói ra, trừ khi người được cho nhớ lại. Nhớ sao khi đọc “Chiều chiều” nhớ những chiều chiều ông vẫn đi dạo với bạn văn để được nói về nghề viết, nghề vinh quang và tủi nhục ra sao.

Nhớ sao những mái phố liêu xiêu trong mưa phùn, những ngày ẩm thấp mà cơ ngơi của nhiếp ảnh Quang Phùng chỉ có mấy mét vuông, cái giường như manh chiếu hẹp còn một nửa để nằm, một nửa để lưu giữ tư liệu ảnh về Hà Nội cũ và Hà Nội mới. Khi trò chuyện với ông Quang Phùng, lúc nào cũng thấy gương mặt ông ánh lên ấm áp và nụ cười ấm áp, không bao giờ thấy ông phàn nàn, kêu ca về vật chất eo hẹp. Ông kể chuyện buồn, nhớ thời bao cấp, luôn xót thương người bạn họa sỹ Bùi Xuân Phái, cả đời vẽ phố mà không đủ cơm ăn. Có những ngày ông Phái ấy phải đi khuân vác vật dụng, dàn cảnh sân khấu cho đoàn kịch, đoàn chèo, cố kiếm làm sao cho đủ năm cái bánh mỳ cho năm người ăn mới dám về nhà. Ôi, cái thời bao cấp, cái thời đói hoa cả mắt, chứ bây giờ mình no, ăn hết nhiều, ở hết mấy.

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng luôn so sánh với thời bao cấp để đi qua hạn hẹp về nơi sống của mình có bốn mét vuông vừa để ở, vừa ngủ, vừa say mê với nghề chụp ảnh. Tuổi ngoài tám mươi vẫn chống gậy đi bấm máy. Nếu nói về tia chớp phải nghĩ đến ngay sự bắt kịp của tốc độ mà máy ảnh ông Quang Phùng chớp được về Hà Nội cũ. Nếu bàn về chữ nghĩa, thì nơi tôi sống; còn đó một nhà văn Tô Hoài, lao động với gần hai trăm đầu sách mà ngôi nhà nội thất tới nay không thấy có lấy một thứ gì đáng giá, ngoài tác phẩm văn học được lưu giữ ở thư viện quốc gia. Nơi tôi sống có nhiều thứ đổi thay của thời cuộc, của tiền tệ, vàng giá cao và xuống thấp, những dự án, cầu vượt, những tốc độ của đường cao tốc… nhưng ngược chiều phố cũ, nhà cũ, dấu lặng cũ vẫn còn đây, giá trị không tính được bằng vàng. Nó như tia chớp xanh luôn thức tỉnh người đương thời, về những trải nghiệm, về cách nhìn nhận giá trị đích thực của văn hóa, giá trị tinh thần của nhà văn, họa sỹ, nhiếp ảnh để lại; vừa đủ để ta ngước lên và cúi xuống, đủ để ta không bao giờ muốn xa rời nơi ta sống với những sự cũ, rêu phong đã trở thành di sản trong tâm thức ta, phần đời của ta.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top