Aa

Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành: “Cần phải chấm dứt ngay việc thực hiện các dự án BT”

Thứ Hai, 22/05/2017 - 06:01

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, chuyện đổi đất lấy hạ tầng cần phải xem xét lại vì nó chứa đựng rất nhiều nguy cơ lãng phí, tham nhũng. Do đó, cần phải chấm dứt ngay việc thực hiện dự án theo hình thức BT.

PV: Ông đánh giá thế nào về “phong trào” làm dự án BT, đổi đất lấy hạ tầng đang diễn ra trong thời gian vừa qua?

Ông Nguyễn Văn Đực: Các dự án BT hay chuyện đổi đất lấy hạ tầng cần phải xem xét lại toàn bộ câu chuyện vì nó chứa đựng rất nhiều nguy cơ lãng phí, tham nhũng ở đây.

Hiện nay, tiền xây dựng hạ tầng là một con số rất lớn nhưng thực tế có chính xác hay không, ai là người xác nhận con số này là đúng hay bị đẩy lên gấp 2,3,4 lần?

Xây một cái cầu hết bao nhiêu hay làm một con đường hết bao nhiêu, nó có giá trị như thế nào phải có sự kiểm chứng, chứ không thể một doanh nghiệp tự nói cái cầu này là 1.000 tỷ, cái cầu kia là 2.000 tỷ được.

Hiện đơn giá xây dựng từ công trình đến cầu đường đều bị đội lên do cách tính của ta sai vài lần cho nên mới có câu chuyện xây đường, cầu của Việt Nam còn đắt hơn cả thế giới. Vì vậy, khi doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng thỏa thuận với nhau thì giá trị xây dựng cây cầu, con đường đó là một lỗ hổng to lớn, có thể sai phạm 2 - 4 lần.

Còn chuyện đổi đất, giá trị đất là bao nhiêu cũng không thể giao cho chính quyền địa phương tự định giá được. Vì giá đất phải qua đấu thầu. Việc giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu thầu có thể dẫn đến tình trạng giá đất bị hạ xuống 2 - 4 lần.

Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.

- Ông vừa cho rằng, việc chính quyền giao đất cho doanh nghiệp theo hình thức BT có thể khiến giá đất bị hạ xuống từ 2- 4 lần. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Nguyễn Văn Đực: Ví dụ, giá đất có thể là 4 - 5.000 tỷ đồng nhưng người ta chỉ định giá 1.000 tỷ chẳng hạn. Như vậy, một cái bị đội lên 2 - 4 lần, một cái bị hạ xuống 2-4 lần. Hai cái này nếu nhân với nhau sẽ lãng phí từ 4 - 20 lần.

Vì thế, tôi đề nghị chấm dứt chuyện BT. B là B và T là T. Có nghĩa là ông xây dựng cầu đường thì đấu thầu theo xây dựng cầu đường. Có một công ty chuyên về cầu đường xây dựng.

Còn ông lấy hạ tầng thì mấy ông kinh doanh BĐS đấu thầu với nhau, bỏ tiền vào. Nên tách bạch ra như vậy thành 2 ông hoàn toàn khác nhau, không nên cho chung vào một. Cho chung vào một chắc chắn lãng phí, ít nhất là gấp đôi, nhiều nhất là 20 lần. Cho nên cần phải chấm dứt ngay việc thực hiện dự án theo hình thức BT.

PV: Về hình thức đầu tư này, hiện ở Hà Nội có những tuyến đường chỉ dài 3,5km nhưng được đổi 70ha đất hay thi công một nút giao cầu vượt được đổi hơn 400ha đất. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đực: Cái đó là sai hoàn toàn.

Theo tôi, nên tách bạch xây là xây, khai thác BĐS là khai thác BĐS. Xây thì thành phố bỏ tiền ra còn cái kia thì nên mua qua hình thức đấu thầu. Cần phải phân biệt rõ như vậy mới tránh được thất thoát. Nếu không, việc thất thoát vài chục lần ở dự án BT là chuyện bình thường.

PV: Thưa ông, hiện nay có tình trạng tại nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng theo hình thức BT, khi các đơn vị thanh kiểm tra vào cuộc thì phát hiện ra việc chủ đầu tư tự ý nâng giá, khai khống giá thành xây dựng dẫn đến việc tổng tiền đầu tư của công trình đội giá lên hàng trăm tỷ đồng. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đực: Tôi không khẳng định dự án nào nhưng chắc chắn thi công mà không qua đấu thầu cụ thể thì giá thành tăng ít nhất gấp đôi. Còn giao đất không qua đấu thầu thì cũng lãng phí gấp đôi hoặc gấp 3, gấp 4.

Ví dụ, khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM, ban đầu định giá 6-700 tỷ đồng nhưng khi đấu thầu lên đến 1.300-1.400 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần. Hoặc miếng đất khách sạn Kim Liên ở Hà Nội, theo giá định ban đầu là 122 tỷ đồng nhưng khi đấu thầu lên đến 1.000 tỷ đồng, như vậy tăng gấp 8 lần. Cho nên trường hợp xây dựng đổi hạ tầng là trường hợp phải chấm dứt càng sớm càng tốt.

PV: Theo ông thì việc xây dựng dự án BT nên chấm dứt càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước dành cho việc mở mang đường sá, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nếu chấm dứt hình thức này thì phải làm thế nào để có tiền đầu tư các con đường mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đực: Nên tách làm hai vụ riêng, hai gói thầu riêng biệt và chắc chắn khi tách thành 2 gói thầu riêng biệt, một anh A trúng thầu bên xây dựng, bên B trúng thầu mua đất chắc chắn sẽ không thể là một.

Vì ông đấu thầu bán đất là một ông khai thác kinh doanh BĐS, có khi ông không biết gì về cầu đường. Còn ông làm cầu đường có khi không biết gì về BĐS nên tại sao lại bắt một ông có hai chuyên môn như vậy được. Cho nên ngay tiền đề cũng là sai chức năng.

Một ông chuyên xây dựng cầu đường lại bắt làm cả BĐS là sai chức năng. Ông xây dựng cầu đường là xây dựng cầu đường. Lấy tiền của ông trúng thầu hạ tầng đưa cho ông trúng thầu xây dựng là xong. Tại sao lại phải nhập chung gây mất tài sản nhà nước?

Do vậy từ nay tất cả mọi dự án đều nên thông qua đấu thầu. Kể cả bán khu đất vàng nào ở trung tâm thành phố cũng phải qua đấu thầu, chứ không phải cứ lựa 2 -3 ông chung nhau. Nếu dự án nào lớn quá, có thể mời đấu thầu quốc tế chứ không nên giao cho ông A, ông B.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top