Aa

Phó Thủ tướng: “Điều chắc chắn bây giờ là không có gì chắc chắn”

Thứ Năm, 23/05/2019 - 03:00

Tình hình chính trị, kinh tế, thương mại thế giới đang diễn biến phức tạp và bất định, cũng như sự phức tạp, khó lường của thời tiết do biến đổi khí hậu là những thách thức mà Chính phủ phải đối mặt.

Những vấn đề trên được nhiều đại biểu Quốc hội bàn thảo tại phiên họp Tổ đánh giá bổ sung về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, diễn ra vào sáng 22/5.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Tổ. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Tổ. Ảnh: VGP/Thành Chung

Thế giới bất định nhưng Việt Nam ổn định

Theo đánh giá chung, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng trong bối cảnh diễn biến khó lường của kinh tế, chính trị thế giới nhưng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành, ban hành chính sách bám sát thực tiễn, ứng phó và giảm thiểu được các ảnh hưởng tiêu cực tới trong nước.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đoàn Đắk Nông), các tổ chức quốc tế, các hãng đánh giá tín nhiệm uy tín thế giới cho rằng Việt Nam đã giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm duy trì môi trường hoà bình, ổn định, độc lập tương đối giữa biến động mạnh khi các nước lớn có chiến tranh thương mại.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) nhìn nhận: “Điều hành của Chính phủ sát thực tế hơn. Nhiều năm liền lạm phát tăng thấp, đồng thời bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định để các doanh nghiệp yên tâm hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Việt Nam ứng xử nhuần nhuyễn với các cường quốc kinh tế, trong đó có Hoa Kỳ. Mặc dù thuộc nhóm 5 nước xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ nhưng chúng ta không bị Hoa Kỳ áp dụng các chính sách cân bằng thương mại”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng Chính phủ vẫn chưa làm tốt công tác truyền thông về giá điện thời gian qua và yêu cầu Chính phủ phải thông tin kịp thời hơn nữa về việc tăng giá điện, bởi trong 3 năm qua Việt Nam chưa hoà lưới điện quốc gia một nhà máy điện nào đủ lớn, khi nhu cầu sử dụng điện của toàn hệ thống tăng lên. Ông Kiên cũng yêu cầu Chính phủ thay đổi lại các bậc tính giá điện.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Ảnh: VGP/Thành Chung

Yêu cầu sống còn là chính sách giá điện hợp lý để thu hút nhà đầu tư

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta thấy rằng ổn định giá cả tạo ra niềm tin cho nhân dân, doanh nghiệp và xã hội. Điện là vật tư chiến lược, nếu thiếu thì không biết thế nào”.

Dẫn Khoản 3 Điều 17 của Luật Điện lực quy định: “Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện lực nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả”, Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện trong nhiều năm qua đã nỗ lực để bảo đảm nguồn điện cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của xã hội.

Nếu tính trung bình trước đây để đạt được mức tăng 7% cho GDP thì ngành điện phải tăng công suất hằng năm tới 14%. Tuy nhiên, năm 2018 để đạt 7% tăng trưởng GDP thì ngành điện chỉ cần tăng công suất 10,78% và với năm nay thì dự kiến ngành điện sẽ tăng 11,24% công suất, thấp hơn mức tăng công suất từ nhiều năm trước.

Cũng tại  Khoản 1, Điều 29 của Luật Điện lực quy định “Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, hải đảo”.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải có chính sách hợp lý về giá để thu hút đầu tư, là yêu cầu “sống còn” số 1, nhất là trong điều kiện sản lượng điện EVN sản xuất đang giảm (từ tỷ lệ sản lượng chiếm 9,77% tổng sản lượng điện vào năm 2017 thì năm 2018 và 2019 tỷ lệ này của EVN lần lượt là 8,36% và 5,26%).

“Nếu không có chính sách giá thành điện hợp lý thì rất là khó cho EVN tái tạo đầu tư và để thu hút các nhà đầu tư khác vào ngành điện”.

Trong khi đó, để phát triển năng lượng tái tạo thì giá một kWh điện này là 9,25 cent, cao hơn cả giá bán lẻ điện bình quân hiện nay và đi với đó, Nhà nước cũng phải tiếp tục đầu tư thêm 1 kWh năng lượng nền để bảo đảm an toàn hệ thống. Do đó chi phí đầu tư ngày càng lớn.

Ngành điện đã có nhiều cố gắng tiết giảm chi phí, trong năm 2017 số tiết giảm là 2.258 tỷ đồng, 2018 là 2.236 tỷ đồng và kế hoạch 2019 là phải tiết giảm 2.517 tỷ đồng.

Về thời điểm tăng giá điện, Phó Thủ tướng cho biết năm 2018 chưa hội đủ yếu tố tăng giá điện. Nhưng năm 2019 khi than tăng giá 2 lần với mức tăng 7.332 tỷ đồng, giá khí bao tiêu tăng 5.832 tỷ đồng, được tính toán, xác định và báo cáo lãnh đạo Chính phủ bằng văn bản vào ngày 19/3 thì ngày 20/3 giá điện mới tăng.

Ngoài ra, Chính phủ quy định lợi nhuận tối đa của EVN chỉ là 3% bởi vì trong lúc khó khăn, EVN phải thắt lưng buộc bụng, cộng với khoản 20.000 tỷ biến động đầu vào mua điện của EVN nên tổng thể giá điện chỉ tăng 8,36%.

“Tại sao lại tăng vào tháng 3?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và lý giải: “Tháng 3 vừa Tết xong sức mua giảm. Tháng 3 thời tiết mát mẻ, còn chưa tới Rét Nàng Bân. Tháng ba đột ngột mưa rào/ Để cho em trộm bước vào hồn anh. Tháng 3 là thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm theo thông lệ vì kết thúc mùa đông. Rồi tới cả tháng 4 có năm còn rét, chẳng tắm biển được. Do vậy mặc dù mức tăng này do Bộ Công Thương quyết nhưng theo Luật Quản lý giá xét thấy việc tăng giá điện ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô thì Chính phủ sẽ chỉ đạo tăng giá điện vào tháng 3”.

Tuy nhiên, vẫn theo Phó Thủ tướng: “Nay tháng 4 trời nắng như đổ lửa, rồi đầu tháng 5 lại lạnh như mùa đông. Chẳng Chính phủ nào dự báo được hoa sữa nở vào mùa hè. Rồi giá xăng dầu tăng do vấn đề địa chính trị. Giờ cái chắc chắn nhất bây giờ là chẳng có gì chắc chắn cả, thế giới đang bất định. Chúng tôi báo cáo thêm để có sự chia sẻ của Quốc hội. Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục theo dõi, bổ sung về điều hành”.

Về biểu giá điện, Phó Thủ tướng tán thành ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Kiên và cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục điều tra, nghiên cứu số người trung lưu dùng trên 200 số thì sẽ điều chỉnh tăng mức giá điện lên, bảo đảm công bằng trong chi trả của người dân.

“Sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về đợt tăng giá điện vừa qua. Ngoài ra, tôi đã báo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán lại báo cáo tài chính và giá điện năm 2019, nếu phát hiện sai sót thì phải khắc phục, nếu đúng thì phải ghi nhận và khẳng định”, Phó Thủ tướng nói.

Với mức tăng giá điện vừa qua và tính toán biến động giá xăng dầu, các mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước quản lý trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát mức tăng lạm phát năm nay từ 3,3 - 3,9%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top