Aa

Phó thủ tướng: Giá điện điều chỉnh phải tính tác động tới sản xuất, người dân

Chủ Nhật, 02/07/2017 - 06:30

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý việc điều chỉnh giá điện phải tính tác động chi phí đẩy tới sản xuất, tiêu dùng.

Quan điểm này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra khi kết luận buổi họp tổng kết công tác điều hành giá nửa đầu năm 2017 của Ban chỉ đạo điều hành giá.

Theo Phó thủ tướng, việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá điện phải đảm bảo hài hoà mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất điện và tác động chi phí đẩy tới sản xuất, tiêu dùng, đời sống người dân. Như vậy, giá các mặt hàng này mới đóng góp vào mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay độ trễ của lạm phát trong những năm sau. 

Định hướng điều hành lạm phát được Trưởng Ban chỉ đạo nêu ra là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính đồng thời gắn với việc chuyển các giá dịch vụ công thiết yếu theo lộ trình giá thị trường.

EVN sẽ được tự quyết tăng giá điện tối đa 5%. Ảnh: EVN

EVN sẽ được tự quyết tăng giá điện tối đa 5%. Ảnh: EVN

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng thấp so với kế hoạch 1,6 - 1,8%, khi chỉ đạt bình quân 1,51%. Dựa trên mức tăng lạm phát thực tế, Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng kế hoạch lãi suất cho vay theo diễn biến thị trường, hỗ trợ cho tăng trưởng. Cơ quan này cũng được yêu cầu điều hành tăng tín dụng ở mức phù hợp để lạm phát cơ bản khoảng 1,6% năm nay. 

Liên quan tới việc điều hành giá điện, theo quy định tại Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân vừa được Thủ tướng ký phê duyệt ngày 30/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được quyền tự quyết tăng giá điện trong phạm vi 3-5%. Trường hợp mức tăng 5-10% sẽ do Bộ Công Thương xem xét quyết định và Thủ tướng sẽ quyết khi giá điện tăng trên 10%. Thời gian điều chỉnh giá bán điện là 6 tháng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, việc cho phép EVN được tăng giá điện tối đa 5% mà không cần báo cáo theo đúng quy định tại Luật Giá, Luật Điện lực. Ngoài ra, theo quy định trước đây, giá bán điện bình quân được điều chỉnh khi thông số đầu vào biến động, các thông số khác chỉ được xét tới khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán... đã gây hiểu lầm khi thực hiện tăng giá điện. Do đó, việc tách bạch rõ cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm và hằng năm lần này được vị Cục trưởng kỳ vọng, sẽ đảm bảo công khai, minh bạch và quản lý giá điện theo nguyên tắc thị trường.

"EVN được quyền tự quyết tăng giá điện 3-5% khi có biến động của các thông số đầu vào cơ bản để bảo đảm phản ánh kịp thời các biến động vào giá điện", Cục trưởng Cục điều tiết điện lực nói.

Một điểm thay đổi trong cơ chế điều hành giá điện lần này, mức tối thiểu được điều chỉnh tăng giá điện là 3%, thay vì 7% như trước đây. Lý giải việc thay đổi này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, quy định ngưỡng điều chỉnh giá điện tối thiểu 7% trước đây được cho là cao, mỗi lần giá điện tăng đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Mặt khác, việc chỉ điều chỉnh giá bán điện bình quân khi giá điện tăng từ 7% trở lên không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm, cũng như không phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh nên đã gây lỗ cho các đơn vị ngành điện và không thu hút đầu tư lĩnh vực này.

Ông Tuấn đơn cử, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của EVN gần 235.000 tỷ đồng, việc tăng giá điện 7% đồng nghĩa tăng tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn này ít nhất khoảng 16.000 tỷ đồng. Điều này sẽ khó đạt được sự đồng thuận của người dân, gây khó khăn trong việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường.

"Việc đưa mức giá tối thiểu điện được điều chỉnh về 3% sẽ kịp thời phản ánh biến động các thông số đầu vào như giá dầu, tỷ giá VND/USD...", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top