Aa

Phong thủy công sở: Tại sao tránh kê bàn ngồi quay lưng ra cửa?

Thứ Năm, 06/09/2018 - 06:01

Ngồi làm việc quay lưng ra cửa, bạn sẽ tự chắn mất cơ hội của mình, bị như kiểu “tẩu hỏa nhập ma” và sẽ phải chịu hậu quả của những việc diễn ra “sau lưng” mình.

Vận khí trong phong thủy và sự “chế dương”

Trong các phần trước, chúng tôi đã giới thiệu nguyên tắc – bố trí bàn làm việc hợp cách theo phong thủy. Xét về mặt thực tế, cách kê bàn này sẽ giúp bạn tập trung tư tưởng, chủ động, tự tin khi làm việc cũng như điều hành công việc. Do đó, hiệu suất làm việc sẽ cao hơn, bạn sẽ đạt được kết quả tốt trong công việc và điều đó tất yếu sẽ giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp, từ đó mà có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của bạn nói chung. Đó chính là điều mà người ta thường gọi là may mắn.

Tuy nhiên, đã có nguyên tắc kê bàn hợp cách tất phải có kiểu kê thất cách. Theo những sự thất cách lần trước chúng tôi đã trao đổi thì kỵ nhất là ngồi làm việc mà phải quay lưng ra cửa, dù là cửa chữa cháy hay cửa sau cũng đều là điều nên tránh. Trong bài trước, chúng tôi đã kể câu chuyện của một nhân viên môi giới bất động sản ngồi quay lưng ra cửa và đã phải chịu hậu quả như thế nào. Tuy nhiên, phong thủy còn có cách giải thích sâu hơn về nguyên nhân của việc thiếu may mắn, thậm chí là tai họa khi kê bàn làm việc ngồi quay lưng ra cửa.

Theo nguyên lý vận khí trong phong thủy, luồng khí đi vào nhà qua các cửa ra vào, sau đó nó sẽ tản ra khắp phòng theo các hướng khác nhau tùy vào hình dạng, địa thế và sắp xếp các đồ vật trong phòng. Cũng theo nguyên lý phong thủy, con người và các công trình kiến trúc cũng như các đồ vật sẽ hấp thu nguồn sinh khí nhiều ít, thuận nghịch tùy theo hướng được sắp đặt. Việc chúng ta chọn hướng nhà, hướng ban thờ, hướng bếp, thậm chí là hướng mộ cũng chính là nhằm hấp thu sinh khí một cách tốt nhất. Việc kê bàn đúng hướng theo tuổi gia chủ cũng không nhằm ngoài mục đích đó. 

Ngồi quay lưng ra cửa vừa

Ngồi quay lưng ra cửa vừa "chế dương", vừa phải nhận sát khí. 

Như vậy, nếu bạn kê bàn theo hướng nhìn ra cửa, bạn sẽ hấp thu được nguồn sinh khí tốt nhất (tất nhiên còn phải kết hợp với việc xem hướng theo tuổi nữa). Bây giờ, trong trường hợp ngược lại, kê bàn ngồi quay lưng ra cửa, khi đó bạn sẽ bị luồng sinh khí tác dụng ngược, trong trường hợp này gọi là tán khí, mọi cơ may đều bị tiêu tan (kiểu như “tẩu hỏa nhập ma”).

Không những thế, cửa cũng là nơi được coi là đón nhận ánh sáng – tượng trưng cho mặt trời (cả về mặt thực tế và ý nghĩa tượng trưng). Vì vậy, nếu ngồi quay lưng ra cửa, có nghĩa là bạn đã tự chế dương, chắn mất nguồn sáng – mặt trời – của chính mình, do đó mà ảnh hưởng đến sức khỏe và sự nghiệp của bạn cũng sẽ bị suy kiệt. Điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ phải chịu hậu quả của những việc xảy ra “sau lưng” mình.

Quay lưng ra cửa và việc bị “sấp bóng”

Phong thủy cũng cho rằng, cửa là khí khẩu vừa nạp sinh khí mà đồng thời cũng nạp sát khí. Ngồi quay lưng ra cửa (hoặc phía sau là cửa số) thì sau lưng không có chỗ dựa, thường xuyên thấy cột sống bị ớn lạnh vì sát khí. Tạp âm từ bên ngoài truyền cả vào sẽ kích thích sống lung làm cho đại não không yên. Người lãnh đạo ngồi vị trí này luôn ở trạng thái căng thẳng, tâm trí sẽ rối loạn, dễ mắc sai lầm khi ra quyết định.

Các nhà phong thủy thường dẫn ra chuyện một nữ nhân viên nhà hàng ở California (Mỹ) ngồi quay lưng ra cửa phòng làm việc nên đã gặp phải nhiều phiền toái. Sau đó, cô đã theo lời khuyên của chuyên gia phong thủy chuyển bàn sang vị trí khác. Ít lâu sau đó, người ngồi kế cô khi trước (lúc này lại trở thành người ngồi quay lưng ra cửa) bị mất việc chỉ vì một chuyện không đâu.

Phong thủy cho rằng, ngồi quay lưng ra cửa chắc chắn sẽ gặp rắc rối. Chẳng thế mà các nhà phong thủy thường viện dẫn ví dụ ở một phòng quản trị tại một hội đoàn lớn, ba giám thị liên tiếp bị giáng chức chỉ trong thời gian có 6 tháng vì những người này đều ngồi làm việc quay lưng ra cửa. 

Ngồi sau lưng ra cửa sổ sẽ bị sấp bóng và ức chế trong công việc.

Ngồi sau lưng ra cửa sổ sẽ bị sấp bóng và ức chế trong công việc. 

Xét thấy: Những ví dụ mà nhà phong thủy đưa ra để minh họa cho quan niệm của mình chưa hẳn đã là điều có thật. Mà nếu có thật đi nữa, cũng có khi đó chỉ là điều trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, có một sự thật là ngồi quay lưng ra cửa sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc mà bạn đang làm. Điều dễ nhận thấy là ngồi như thế bạn sẽ bị “sấp bóng”, bóng đen của chính bạn sẽ đè lên trang giấy trước mặt, bạn sẽ chóng bị mỏi mắt và tất nhiên sức tập trung cho công việc không cao. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khắc phục được bằng cách tăng cường nguồn sáng phía trước.

Sự ảnh hưởng lớn nhất là ngồi như thế, bạn sẽ không biết được những gì diễn ra sau lưng mình. Một lúc nào đó có người bước vào, sát sau lưng bạn mà bạn cũng không hay. Khi làm việc, người ta phải tập trung tư tưởng cao độ và bất cứ một sự “nhòm ngó” của người ngoài vào đều làm “cắt đứt luồng suy nghĩ”, nhất là sự nhòm ngó đó lại là “nhìn trộm”. Đối với công việc sáng tác hay mang tính sáng tạo cao, việc “nhìn trộm vào trong suy nghĩ” lại càng tối kỵ.

Tóm lại, ngồi quay lưng ra cửa, bạn sẽ hay bị giật mình, thảng thốt vì luôn cảm giác có người lạ phía sau lưng bạn đang nhìn vào “công việc của bạn”, cũng có nghĩa là đang “nhòm vào ý nghĩ” của bạn. Vì vậy sẽ không thể tập trung vào công việc, sức sáng tạo sẽ giảm sút, tính toán nhầm lẫn là khó tránh khỏi. Và như vậy tất yếu kết quả làm việc của bạn sẽ không tốt, thậm chí còn ảnh hưởng xấu đến công việc và cuộc sống của bạn.

Hơn nữa, ngày nay hầu như mọi nhân viên văn phòng đều làm việc trên máy vi tính, ngồi quay lưng ra cửa cũng có nghĩa là màn hình vi tính quay… ra ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc không chỉ người bước vào phòng mà thậm chí cả người đi bên ngoài cũng có thể đọc được hết bí mật trên màn hình của bạn. Đối với một kế hoạch sản xuất kinh doanh, những sáng kiến mới, sản phẩm mới, hay bí mật về những con số trong lĩnh vực tài chính thì việc bị “lộ tẩy” như thế là hết sức nguy hiểm, thậm chí còn có thể là khởi nguồn dẫn đến sự phá sản của cả một doanh nghiệp lớn.

Thôi thì có kiêng có lành, phòng ngừa trước vẫn hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top