Aa

PVC "đem con bỏ chợ", nhiều dự án siêu khủng "chết yểu"

Thứ Hai, 19/09/2016 - 08:25

Mắc nhiều sai phạm gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, PVC cũng khiến nhiều dự án bất động sản "ngắc ngoải" theo.

Những ngày gần đây, thông tin nhiều nguyên lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị khởi tố, bắt giam và truy nã khiến dư luận dậy sóng.

Ngoài khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng mà PVC phải gánh chịu do những lãnh đạo này gây sai phạm, nhiều người còn quan tâm đến các "siêu dự án" mà công ty này làm chủ cũng như làm tổng thầu EPC hoặc chủ các gói thầu nhỏ.

Một trong số đó phải kể đến "bom tấn" khu Trung tâm Thương mại Tháp dầu khí và Công viên Giải trí (gọi tắt là PVN Tower) ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.

Khoảng đầu năm 2010, giới đầu tư bất động sản được dịp xôn xao khi hay tin Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ xây dựng Tổ hợp Tháp Dầu khí Việt Nam với vốn đầu tư trên 1 tỷ USD.

Công trường dự án Tháp Dầu khí - PVN Tower (ảnh đăng trên Tri thức trẻ năm 2015)

Công trường dự án Tháp Dầu khí - PVN Tower được dùng làm chỗ tập golf (ảnh đăng trên Tri thức trẻ năm 2015)

PVC và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương công bố thoả thuận hợp tác đầu tư xây dựng dự án PVN Tower 102 tầng cao 528m (cao nhất Việt Nam và thứ 2 châu Á ở thời điểm đó) trên mảnh đất rộng 25ha, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.

Được biết, theo kế hoạch, tổ hợp dự án PVN Tower được xây dựng với các chức năng phòng làm việc hạng A, khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, chịu được động đất trên 6 độ Richter. Tuy nhiên, tháng 3/2011 chủ đầu tư mới lại hạ quy mô 102 tầng xuống còn 79 tầng và vốn đầu tư cũng giảm xuống còn hơn 600 triệu USD.

Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam không tiếp tục thực hiện dự án này để tập trung nguồn lực cho hoạt động của ngành, nghề kinh doanh chính theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Thông tin trên báo Tiền phong, sau khi tiếp nhận dự án PVN Tower từ tay PVN, PVC chỉ tiếp tục thực hiện dự án trên diện tích đất 21,2 ha thay vì 25 ha như kế hoạch. Không chỉ thế, sau hơn 3 năm tiếp quản, PVC cũng không triển khai tiếp dự án.

Đến năm 2015, dự án này lại một lần nữa đổi chủ, được chuyển giao về cho Tập đoàn Mai Linh.

Bên trong vẫn chỉ là bãi đất hoang để người dân thả bò  (ảnh đăng trên Tri thức trẻ năm 2015)

Bên trong vẫn chỉ là bãi đất hoang để người dân thả bò (ảnh đăng trên Tri thức trẻ năm 2015)

Cũng theo Tiền phong, không chỉ PVN Tower, một dự án khác cũng bị PVC "đem con bỏ chợ" đến mức phải bán tống bán tháo cổ phần là Mỹ Đình Pearl.

Được biết, PVC là 1 trong 5 cổ đông sáng lập ra Công ty Bất động sản Dầu khí (PV - SSG) với mục đích triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản cao cấp Mỹ Đình Pearl gồm: Tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp tọa lạc trên khu đất có diện tích rộng 3,8ha tại số 1 Châu Văn Liêm, quận Nam Từ Liêm.

Dự án được thiết kế với quy mô là 2 tòa nhà căn hộ chung cư Mỹ Đình Pearl bao gồm tổng cộng 666 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, một tòa nhà khách sạn có trên 500 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao và một khối văn phòng hạng A.

Đến tháng 8/2015, PVC ra thông báo bán đấu giá toàn bộ số cổ phần (10 triệu cổ phần- hơn 25% cổ phần) mà đơn vị đang nắm giữ tại Công ty Bất động sản Dầu khí. Hiện nay, dự án đã được chuyển giao cho PV-SSG, đất dự án đang được tạm thời chuyển đổi sang dịch vụ tập golf.

Ngoài đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư các "siêu dự án", năm 2011, PVC còn làm tổng thầu EPC với gói thầu lên tới 34 nghìn tỷ đồng; năm 2015 - 2016 cũng được giao 2 gói thầu trị giá hơn 3.000 tỷ đồng.

Năm 2011, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (ở Thái Thuỵ, Thái Bình) khởi công với công suất thiết kế 1.200MW, tổng mức đầu tư 34.295 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, lúc này PVC làm Tổng thầu EPC.

Năm 2015, PVC được giao 2 gói thầu trị giá hơn 3.000 tỷ đồng tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. Dự án này do PVN làm chủ đầu tư, Tổng công ty lắp máy Việt Nam Lilama làm Tổng thầu EPC.

Thông tin trên báo Tiền phong, một lãnh đạo Lilama cho biết thêm, gói thầu Xử lý nền được ký kết giữa Lilama và PVC ngày 29/5/2015, trị giá 571 tỷ đồng. Gói thầu Xây dựng được ký kết giữa Lilama với PVC ngày 5/4/2015, trị giá 2,555 tỷ đồng.

Các gói thầu "siêu khủng" này sau đó đều được PVC chia nhỏ cho các đơn vị thành viên như như Cty CP Xây dựng công nghiệp và dân dụng dầu khí (PVC-IC); Cty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà (PVSD), Cty CP Đầu tư và Xây dựng dầu khí Phú Đạt (PVC Phú Đạt), Cty TNHH Băng Dương (BDC), Cty CP Địa Kỹ thuật Việt Nam (GEOVIETNAM)...

Điều đáng nói là, rất nhiều đơn vị của PVC đã chi tiêu, tạm ứng sai nguyên tắc số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, thậm chí quyết toán khống với nhiều khoản chi sau lại thành nợ khó đòi.

"Theo số liệu kiểm tra tại Ban điều hành Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và được ghi nhận đến thời điểm 30/6/2013, ngoài việc cho tạm ứng cá nhân thừa hơn 645 triệu đồng so với thanh toán thực tế, sự dễ dãi trong thanh toán đã khiến đơn vị sau này phải gánh khoản nợ khó đòi do các đơn vị không thanh toán lại lên tới hơn 79,98 tỷ đồng", báo Tiền phong đưa tin.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các công ty con của PVC, có những khoản tạm ứng vượt hợp đồng hàng chục tỷ đồng cùng những khoản nợ khó đòi lên tới hàng tỷ đồng.

Liên quan đến những "vấn đề" tại PVC, báo Tiền phong dẫn lời Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan công an đang nghiên cứu tài liệu vì PVC có rất nhiều đơn vị thành viên, vì vậy cần có số liệu hạch toán của các công ty con.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top