Aa

Quảng Ninh và câu chuyện đầu tư hạ tầng du lịch

Thứ Năm, 21/12/2017 - 21:14

Ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Du lịch, Tổng cục du lịch cho rằng Quảng Ninh muốn phát triển du lịch phải có điểm đến, có hạ tầng du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí. Việc đầu tư hạ tầng du lịch là điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch.

Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nổi trội và đặc sắc nhất cả nước (di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu di tích - danh thắng Yên Tử, hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác).

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, bất động sản và du lịch tại đây đã từng bước phát triển ổn định, bền vững. Nhiều dự án bất động sản du lịch của các tập đoàn, các nhà đầu tư chiến lược, được đầu tư chất lượng và đồng bộ đã góp phần thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị, thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp và du khách đến với Quảng Ninh.

Phát biểu tại Hội thảo “Đầu tư bất động sản với chiến lược phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh” sáng ngày 21/12, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Du lịch, Tổng cục du lịch cho biết, những năm vừa qua, Quảng Ninh không những phát triển du lịch lưu trú trên bờ, mà còn phát triển sản phẩm du lịch trên biển. Nhóm du lịch mua sắm, tổ chức hội nghị hiện khá tốt. Nhóm sân bay bến cảng còn đang đầu tư và cần phát triển thêm.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, Quảng Ninh muốn phát triển du lịch phải có điểm đến, có hạ tầng du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí. Việc đầu tư hạ tầng du lịch là điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch.

Đầu tư hạ tầng du lịch là điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch tại Quảng Ninh.

Đầu tư hạ tầng du lịch là điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch tại Quảng Ninh.

“Quảng Ninh cần đầu tư đồng bộ hạ tầng về đường sá, giao thông và vui chơi giải trí. Làm đường giao thông, cảng biển. Tỉnh nên cho phép áp dụng nhiều hình thức đầu tư để thu hút vốn theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo tôn trọng quy hoạch du lịch được duyệt, khu vực nào được phép phát triển du lịch, đặc biệt là tiêu chuẩn quản lý du lịch”, Vụ trưởng Vụ Du lịch khuyến nghị.

Trong khi đó, ông Tạ Văn Tố, Tổng GĐ Tập đoàn CEO, thành viên Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, một số kinh nghiệm về phát triển hạ tầng và bất động sản của các khu du lịch nổi tiếng thế giới có thể áp dụng cho Quảng Ninh.

Đưa ra đề xuất cụ thể hơn, theo ông Tố, chính sách marketing, cải thiện môi trường du lịch tại Quảng Ninh phải được thực hiện thường xuyên liên tục.

Về hạ tầng, ông Tố đề xuất, Nhà nước, Chính phủ đi trước thực hiện thiết kế và xây dựng hạ tầng khung, xây dựng các đường cao tốc, đường vành đai và quy hoạch bến cảng chính, sân bay chính. Nhà nước quy hoạch một số điểm nhấn kinh tế đặc khu so với khu vực Đông - Đông Nam Á để thu hút đầu tư dựa trên thế mạnh du lịch. Xác định mô hình đặc khu kinh tế xanh, hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa thạch.

Về phát triển nguồn nhân lực, theo ông Tố giai đoạn trước mắt cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương xung quanh. Đây là lực lượng chính cho việc phát triển của đặc khu nên cần có các chính sách cụ thể hỗ trợ cho việc thu hút (trong đó có chính sách bất động sản, cụ thể như chính sách nhà ở, quy hoạch phát triển bất động sản tại địa phương dành cho các đối tượng này…).

Về dài hạn phải xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách thu hút lao động chất lượng cao về sống và làm việc tại đây. Đây mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững cho đặc khu.

Đối với công tác quảng bá hình ảnh, cần thành lập cơ quan quảng bá du lịch chung (lấy từ nguồn quỹ phát triển 1-2% doanh thu du lịch). Phải có các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh. Ví dụ Vân Đồn là du lịch biển đảo, làm sao để khi nhắc đến Quảng Ninh, du khách biết đến đây là du lịch biển đảo của Việt Nam.

Trong lĩnh vực du lịch khách sạn, cần ưu tiên cho các dự án có thương hiệu quản lý quốc tế đi kèm để nhanh chóng nâng cao tầm của đặc khu kinh tế. “Dịch vụ thương mại và mua sắm muốn phát triển không chỉ dựa vào những đặc sản địa phương, thương hiệu trong nước mà cần có sự góp mặt của các thương hiệu quốc tế. Cần có chính sách nhập khẩu ưu tiên đặc biệt đối với những thương hiệu quốc tế này”, ông Tố cho biết.

Tại hội thảo, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trưởng bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá: “Quảng Ninh có tiềm năng phát triển du lịch vô cùng mạnh. Chúng tôi thấy rằng, mặc dù tốc độ phát triển lớn nhưng việc đầu tư phải đi song song. Công tác điều tra, khảo sát tốt thì chắc chắn thị trường bất động sản sẽ phát triển tốt”.

Liên quan đến những vướng mắc trong quá trình phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng nói chung, tại Quảng Ninh nói riêng, ông Phấn đề xuất:

Trường hợp các dự án bất động sản du lịch có loại hình biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nếu sau khi hoàn thành, chủ đầu tư chỉ sử dụng vào mục đích làm cơ sở lưu trú du lịch (kể cả trường hợp chủ đầu tư bán cho các hộ gia đình, cá nhân các biệt thự du lịch, căn hộ du lịch trong dự án này nhưng chỉ dùng vào mục đích làm cơ sở lưu trú du lịch) thì cần phải thực hiện việc quản lý kinh doanh, vận hành, cho khách du lịch thuê theo đúng quy định của pháp luật về du lịch.

Trường hợp các dự án bất động sản du lịch có loại hình biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, sau khi hoàn thành, chủ đầu tư có nhu cầu bán cho hộ gia đình, cá nhân và hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vừa dùng vào mục đích kinh doanh du lịch vừa để ở ổn định lâu dài, thì hiện Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ ngành liên quan đang trình xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nội dung có liên quan để các bộ ngành có hướng dẫn cụ thể nhằm làm căn cứ triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên đối với các loại hình bất động sản này.

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top