Aa

Quê hương

Thứ Bảy, 09/06/2018 - 06:00

Quê là mẹ là cha, là vườn nhà chở che hồn con trẻ lớn lên đi vào da, vào máu thịt nuôi sống thành người. Quê là nơi trở về, là chốn thiêng để con người biết yêu quý bà con lối xóm tình người.

Quê tôi có nhiều ruộng. Những thửa ruộng với nhiều cái tên nghe rất lạ nhưng sao gần gũi. Như ruộng Đìa đông, ruộng Đìa tây, ruộng Trung Đoạn nam, Trung Đoạn bắc, ruộng Cồn Tự, ruộng Quai Mọ, ruộng Gia Lóng, ruộng Trung đồng, Hậu Đồng, ruộng Gốc Lậm, ruộng Bàu, ruộng Tiểu Nội, ruộng Hậu Phiên, Thuyền Năm, Thuyền Tư, Thuyền Ba và ruộng Cày Rạ, ruộng Cổ Hà.

Tên từng thửa ruộng mang theo nó cả lịch sử hình thành của mình từ buổi khai canh. Thủa nhỏ tôi được theo mẹ cha lon ton nhổ mạ những đêm trăng. Quê là ruộng, là đồng trải màu xanh ươm mầm sống trong bước chân tảo tần của mẹ ướp vào hồn tôi từ thủa lọt lòng. Quê là sắc vàng của lúa, là màu sự sống.

Trước nhà tôi có lũy tre bên bờ Hói và con sông Vĩnh Định trong mát chảy quanh năm. Thủa tôi lớn lên còn tắm sông và dân làng uống nước từ con sông đó.

Chùa làng tôi. Làng tôi có hai ngôi chùa. Chùa mới xây những năm 1957, gọi là Niệm Phật đường. Ngôi chùa cổ của làng thì được lập nên theo bước chân tổ tiên từ thủa vào đây. Làng quê có Bụt hiền từ che chở cho bà con vui tiếng kinh, tiếng mõ sớm chuông chiều ngân vọng trong thanh bình...

Quê tôi có Cụ ông thường để râu tóc bạc phơ thong thả trong chiếc áo dài khăn đống đến chùa. Quê là hình ảnh ông cùng cháu thơ ngồi nghe kinh vui cảnh chùa.

Quê tôi có mái Đình. Đình làng là nơi tôn nghiêm chốn thiêng thờ phụng thần linh.

Đường làng quê có từng đàn ong bướm lũ lượt kéo về khi hoa mướp khoe sắc vàng rực tươi của mình trên giàn bên các mé vườn dọc hàng rào.

...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài giờ học, con trâu là hình ảnh đẹp và thân thương thủa chúng tôi lớn lên ở làng quê. Trâu là con vật gắn với tuổi thơ ở làng quê yêu thích của chúng tôi. Sao có thể nói hết được cái thú được người lớn cho cưỡi trên lưng trâu. Trâu bước đi rất thong thả và vững vàng. Tình yêu với loài vật, giờ có trong chúng tôi được nuôi dưỡng từ đó.

Quê tôi miền Trung nên các cụ bà mặc màu áo lam đến chùa ngày rằm và các ngày lễ. Tôi thấy các cụ mặc áo vào và nhai một miếng trầu. Có lễ, trên đoạn đường đi vừa gần đến chùa là miếng trầu đã nhai xong để nhổ ra và kịp chỉnh lại trang phục trước khi bước vào cánh cổng chùa. Quê là dáng bà thong thả ươm tình cho cháu con hình ảnh kia khi lớn lên, khi đi xa làm thành nỗi nhớ..

Quê tôi có Rú. Rú là khu mộ địa của dân làng riêng bao đời nay phủ kín cây Tràm xanh quanh co để con trẻ tò mò hướng về tưởng tượng như trong truyện cổ tích nửa hư nửa thực.

Lớn tuổi tôi mới được theo dân làng lên Rú ngày chạp mộ. Bên mé đường lên Rú có ao sen khoe sắc tỏa hương mùa Hạ. Trong vườn nhà liếp cà luống rau xanh mơn mởn nâng niu sự sống sẵn sàng hiến dâng…

Mấy mươi năm rồi nhưng tôi vẫn thích ăn bánh ướt chấm tương buổi sáng mà không thấy ngán. Quê tôi là thế, khó quên cả cái vị thèm thèm nhớ nhớ... đơn sơ chỉ là vì món quê.

Quê là mẹ là cha, là vườn nhà chở che hồn con trẻ lớn lên đi vào da, vào máu thịt nuôi sống thành người. Quê là nơi trở về, là chốn thiêng để con người biết yêu quý bà con lối xóm tình người. Quê như vậy là vui với tiếng reo hò chen lấn ngày hội đua thuyền dưới sông nước dòng Vĩnh Định thân thương.

Thủa còn làm chú tiểu, tôi có một lần cùng thầy tôi về xem đua thuyền. Thầy tôi đi xe đạp gần 20 cây số về làng tôi. Tôi và bố tôi đi bộ. Đó là dịp tôi được bố đưa về quê cùng Thầy xem đua thuyền. Bao nhiêu cảm xúc háo hức mong chờ ngày hội vui cho đến giờ vẫn nguyên vẹn trong tôi.

 

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Rồi...

Ngày tôi về làng để ở hẳn quê mình sinh sống, dân bao tháng năm được đến Am nhận quà biếu khi họ gặp khốn khó. Các bô lão tới lui ngày lễ trang nghiêm trong tiếng chiêng hòa tiếng chuông để hồn dân tộc vút cao nâng mình…

Lũy tre làng giờ thân thương, dòng sông Vĩnh Định hiền hòa, hai hàng cau trước am Thụy Ứng thẳng thắp hiên ngang như khí phách người quân tử, mái ngói hiên chùa bao đời chở che hồn dân tộc.

Nhưng sao, bao vẻ đẹp bỗng chốc như mây trời vô định, như dửng dưng trước thương đau kêu gào của quê hương. Con đường đất lấm bụi đến hôm nay vừa được làm mới bằng đường nhựa. Thế nhưng phẩm chất đời sống lại xuống cấp. Vẫn vậy bên lũy tre làng bao đời nhọc nhằn giờ chồng lên nỗi đau xé lòng bởi lớp trẻ vào Trung học là vướng nghiện.

Giờ đây, từ làng quê bình yên đến phố thị, cả đất nước oằn mình với những điều ngột ngạt, loạn lạc từ lòng người. Báo chí đưa tin có những cô giáo cho học sinh uống nước giẻ lau bảng, thầy giáo bị học sinh đâm, bác sĩ bị người nhà bệnh nhân dọa đánh,... Cảm giác bất an từ những thực phẩm rau quả người ta bày bán hàng ngày được ngâm trong những thùng hóa chất đầy độc tố.

Xót xa đến thắt lòng khi nhớ nghĩ lời cụ Lê Quý Đôn năm nào từng nhắc nhở, một dân tộc đứng trước nguy cơ mất nước là khi: Trẻ không kính già, Trò không trọng thầy, Binh kiêu tướng thoái, Tham nhũng tràn lan và Sĩ phu ngoảnh mặt.

Từ chuyện Formosa, đó là thảm họa của lòng người giết chết… giết đi cả những sinh vật núp dưới sông sâu biển rộng.

Cái chết đi ra từ lòng người chỉ biết tham quyền cố vị để bôi đen tất cả, bôi đen một màu chết trùm lên quê hương. Từ boxit Tây Nguyên và hôm nay, đương nhiên những cụm danh từ bỗng dưng bị gán cùng các sự kiện đau lòng không dừng lại ở đó.

Còn đâu vẹn nguyên cái êm đềm câu hát mẹ ru con. Còn đâu trưa hè bên bờ sông tắm mát dòng nước ngọt hương quê. Còn đâu thế giới trong trẻo với những câu chuyện lành lẽ, đơn sơ được kể... tự nhiên thấm vào tâm hồn con trẻ!!??

Tôi xót lòng! Cái xót xa của một người con sinh ra nơi làng quê nghèo nhưng trọng nhân nghĩa, làng quê của nghĩa trang, mộ địa và cát trắng.

Đã qua 10 năm trời đi về, gửi lời kinh cầu bên những bia đá khắc tên cha ông một thời ngã xuống, đổi máu xương lấy từng tấc đất, tôi vẫn thắt lòng cho những thương lo vận nước hôm nay đang về đâu!!!

Đã qua 50 năm gắn bó với miền quê, nơi mà từng nắm đất được thấm đẫm máu và nước mắt để tuổi thơ tôi được nghe tiếng chuông chùa thong thả bình yên; nơi mà bao nhiêu mất mát, bao tiếng than khóc xé lòng từ một thời lửa đạn để đối lấy ruộng lúa, triền đê yên bình..

Từng tấc đất, là quê hương, là máu thịt cha ông. Từng câu hát ru con và tiếng cười trong veo của con trẻ chính là nếp sống thuận hòa bao đời nay dân tộc ta lớp lớp cháu con đã tiếp nối và gìn giữ. Những điều đó được đổi lấy từ máu xương trãi thân phơi chiến địa.

Cho nên, những người thay mặt nhân dân đang nắm giữ các vị trí trong chính quyền hôm nay luôn cần thấu đáo, luôn cần cẩn trọng bằng cái tâm, cái đức của một người con hiểu đạo Hiếu – Trung với dân tộc, với xã tắc.

Trong buổi trà sớm, tôi chia sẻ trăn trở với một người trong làng. Nhấp ngụm trà, anh dừng lại một khắc rồi bảo: 

“Thầy ạ, có câu:

“Thương dân, dân lập đền thờ

Hại dân, dân đái ngập mồ lụt xương”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top