Aa

Quy định hồi tố Nghị định 20: Không thể đẩy cái khổ về phía doanh nghiệp

Thứ Sáu, 13/03/2020 - 15:45

"Chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 hồi tố từ năm 2017. Việc áp dụng pháp luật cần vận dụng linh hoạt để sửa lại một chính sách không phù hợp ngay từ thời điểm ban hành".

Ngày 12/3/2020 Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng chính phủ giải trình về một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Tại văn bản này Bộ Tài chính bảo vệ quan điểm về việc áp dụng sửa đổi điều khoản này từ kỳ tính thuế năm 2019. Như vậy, việc hồi tố quy định về khống chế trần lãi suất theo văn bản này lại mang đến sự thất vọng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý áp dụng hồi tố nghị định 20/2017/NĐ-CP

Theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản năm 2015 về hiệu lực trở về trước của văn bản pháp luật ghi nhận “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.”

Bộ Tài chính cho rằng “Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội” nên cần cân nhắc việc áp dụng hồi tố hiệu lực văn bản. Tuy nhiên, tôi có góc nhìn khác việc áp dụng khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản năm 2015, cụ thể:

Thời điểm hiện tại, ý kiến của số đông các chuyên gia đều thừa nhận quy định về trần lãi suất nêu tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP là không phù hợp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến một bộ phận doanh nghiệp, do đó việc sửa đổi là tất yếu để bảo vệ lợi ích của những doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nói cách khác, việc sửa đổi nhìn dưới một góc độ khác là việc khắc phục thiếu sót việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên cần thiết phải thực hiện một cách triệt để để không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Khái niệm lợi ích chung của xã hội là một khái niệm khá trừu tượng, một phần các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đương nhiên sẽ tác động đến xã hội, mỗi doanh nghiệp bị tác không không chỉ ảnh hưởng đến riêng doanh nghiệp mà nó kéo theo các hệ lụy khác như ảnh hưởng đến đối tác có liên quan, người lao động trong Công ty …

Hơn nữa, việc hồi tố ngoài việc bảo vệ lợi ích chung của xã hội còn để thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, mà cụ thể trong trường hợp này là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc áp trần lãi suất 20%, việc hồi tố thuần túy là để quyền, lợi ích hợp pháp của họ không bị ảnh hưởng theo đúng tinh thần của khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản năm 2015. Từ đó, tôi cho rằng có cơ sở pháp lý cho việc áp dụng hồi tố kể từ kỳ tính thuế năm 2017.

Thứ hai, về phương án bồi hoàn cho người nộp thuế nếu áp dụng hồi tố từ năm 2017

Quan điểm xuyên suốt của tôi về việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP là khắc phục, sửa chữa một quy định đã ban hành không phù hợp, do đó việc Bộ Tài chính cho rằng số thu của ngân sách nhà nước thấp hơn số phải bồi hoàn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng hay chưa có phê duyệt ngân sách nhà nước của năm 2020 cho việc này là không thực sự phù hợp.

Theo Tổng cục Thống kê thì doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện kinh doanh thì một đồng vốn chủ sở hữu còn ba đồng phải đi vay. Do đó, so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam với nguồn vốn chủ sở hữu chưa dồi dào thì việc phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay. 

Vì vậy, khi ban hành nghị định 20/2017/NĐ-CP với đối tượng áp dụng bao trùm cả doanh nghiệp Việt Nam vô hình trói buộc doanh nghiệp khi khống chế trần lãi suất. Từ năm 2017, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nguy cơ thuế chồng thuế bởi Nghị định 20/2017/NĐ-CP, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

Như vậy, việc bồi hoàn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây thêm tầng nấc khó khăn cho doanh nghiệp. Việc lấy lý do chưa bố trí ngân sách để bồi hoàn là không thỏa đáng. Chúng ta cần xây dựng lộ trình chi tiết để khắc phục triệt để những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do việc ban hành quy định pháp luật không phù hợp. 

Thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể bố trí ngân sách để hoàn lại, chưa có kế hoạch ngân sách chi trả cho việc này thì có thể thực hiện theo phương án đối trừ với số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hàng năm, từ đó không tạo áp lực đến cho ngân sách quốc gia và vẫn có thể giải quyết triệt để việc “sửa sai” do quy định pháp luật đã ban hành không phù hợp.

Về mặt pháp lý, không loại trừ việc có thể vận dụng linh hoạt Điều 47 Luật Quản Lý Thuế năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012. Chúng ta có thể coi việc ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP khiến cho số thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp bị tính sai, thuế chồng thuế, bị tính thừa để làm cơ sở hoàn trả tiền thuế cho doanh nghiệp.

Thứ ba, về việc triển khai hoàn thuế

Bộ Tài chính cho rằng việc áp dụng hồi tố có thể “tạo ra cơ chế xin cho phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực”, từ đó thêm lý do để đề nghị không áp dụng hồi tố từ năm 2017. Chúng ta không thể tư duy đẩy cái khó, cái khổ về phía doanh nghiệp được, rõ ràng công tác quản lý thuộc về các cơ quan nhà nước còn việc bồi hoàn cho doanh nghiệp là việc cần phải thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khi lường trước được sẽ tạo ra cơ chế xin cho, có thể phát sinh tiêu cực thì phía cơ quan nhà nước cần phải có những biện phát thắt chặt quản lý để ngăn ngừa việc này, song song với đó là bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Từ những nhận định nêu trên, tôi cho rằng việc sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP cần được tiến hành triệt để, xử lý tận gốc vấn đề ngay từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực để bảo vệ tốt nhất cho quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tăng niềm tin của doanh nghiệp vào việc ban hành chính sách của cơ quan Nhà nước. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, những doanh nghiệp bất động sản là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng kép từ dịch bệnh và chính sách, nếu như chúng ta có thể áp dụng hồi tố từ năm 2017 sẽ như một cái phao cứu sinh để doanh nghiệp có thể dựa vào.

Về mặt pháp lý, tôi cho rằng chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc áp dụng việc sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP hồi tố từ năm 2017, đương nhiên vẫn còn những lăn tăn nhất định nhưng việc áp dụng pháp luật cần được vận dụng linh hoạt để sửa lại một chính sách không phù hợp ngay từ thời điểm ban hành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top