Aa

Quy hoạch đô thị không thể theo “nhiệm kỳ“

Thứ Năm, 15/11/2018 - 20:01

Quy hoạch đô thị thay đổi theo chu kỳ, không đồng nhất, thiếu tính kết nối vùng... đã tạo thành một lực cản vô hình cho sự phát triển chung của TP.HCM và vùng TP.HCM.

Quy hoạch đô thị liên tục thay đổi gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào TP.HCM

Quy hoạch đô thị liên tục thay đổi gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào TP.HCM

Nhiều thách thức

Tại Hội thảo "Quy hoạch đô thị TP.HCM - Thực tiễn và cơ hội đầu tư" vừa diễn ra tại TP.HCM, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy hoạch đô thị hiện nay luôn thay đổi theo chu kỳ, nhiệm kỳ 5 năm 1 lần, làm thay đổi quy hoạch tổng thể không nhất quán. Do vậy, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có tâm lý e ngại, không dám đầu tư mạnh.

Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Sinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh của IMM Group cho biết, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường khiến doanh nghiệp bị động. Các đối tác nước ngoài thường hỏi cặn kẽ về các quy hoạch của Thành phố và thời gian hoàn thiện quy hoạch. Tuy nhiên, câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời đáp rõ ràng.

“Rất khó thuyết phục khối ngoại tham gia các dự án đầu tư tại TP.HCM khi các quy hoạch của Thành phố không rõ thời gian hoàn thành”, đại diện IMM Group nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho rằng, Thành phố đang phải chi hàng nghìn tỷ đồng chỉ để giải quyết các vấn đề đô thị do quá khứ để lại. Nếu có tầm nhìn dài và có quy hoạch tốt, thì đã không phải dùng quá nhiều ngân sách để khắc phục những hậu quả này.

Tương tự, theo ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trức TP.HCM, Thành phố hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả cũ và mới của quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh những vấn đề mang tính chất thời sự như tăng dân số cơ học nhanh, ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường..., TP.HCM còn phải đối mặt với những vấn đề mới như sụt lún đô thị, nhu cầu năng lượng cho các lĩnh vực sản xuất mới, cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp số.

“Thời gian qua, chúng ta đã tập trung và kỳ vọng vào công việc lập các đồ án quy hoạch, trong đó đã đưa ra được mục tiêu, nội dung, kế hoạch mong muốn, dự kiến thực hiện. Tuy nhiên, chưa kịp thời xây dựng chiến lược phát triển đô thị và chính sách phát triển đô thị. Theo đó, chiến lược phát triển đô thị vạch ra các mục tiêu, kế hoạch để thực hiện, nguồn lực cần huy động, giải pháp lớn để thực hiện. Chính sách phát triển đô thị đưa ra các hệ thống văn bản làm công cụ quản lý, hình thành bộ máy quản lý thực hiện để triển khai chiến lược đó”, ông Thảo nói.

Trước đó, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, hệ thống đường giao thông của Thành phố hiện nay còn thiếu so với yêu cầu phải đáp ứng trong giai đoạn này của quy hoạch.

Đầu tư cơ sở hạ tầng gắn kết với liên kết vùng là một trong những giải pháp giải bài toán quá tải trong nội đô TP.HCM

Đầu tư cơ sở hạ tầng gắn kết với liên kết vùng là một trong những giải pháp giải bài toán quá tải trong nội đô TP.HCM

Cụ thể, tính đến nay, tỷ lệ giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 8,85% (theo quy hoạch là 22,3 %). Tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.262km, đạt mật độ 2,03km/km2 (theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam phải đạt 10 - 13,3km/km2, một số quốc gia trong khu vực đã đạt từ 4 - 6km/km2).

Về vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận, theo quy chuẩn, cứ 1km2 đất phải quy hoạch 10km đường, nhưng hiện nay mới chỉ đạt 1km2 đất có 2km đường. Điều này cho thấy Thành phố có tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị rất thấp.

“Việc phải quy hoạch Thành phố đáp ứng tốc độ phát triển đô thị quá nhanh đã để lại những hậu quả là kẹt xe, ngập nước, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo và chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Đây là những yếu kém ở cả khâu xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch”, ông Tuyến nói.

Gỡ khó cách nào?

Để giải quyết những khó khăn, tồn tại của công tác quy hoạch, phát triển đô thị TP.HCM hiện nay, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố phải gắn với quy hoạch Vùng TP.HCM, triển khai các quy hoạch phân khu, đồng thời với việc kiến nghị tổ chức bộ máy quản lý đô thị đồng bộ theo vùng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (GIS) để khai thác tối đa các thế mạnh của Vùng cho phát triển.

“Trên cơ sở quy hoạch đã được điều chỉnh hợp lý, cần xây dựng kế hoạch phát triển đô thị hợp nhất, có phối hợp đa ngành, chặt chẽ giữa phát triển đô thị với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, chất lượng cao, trên cơ sở hệ thống giao thông công cộng hiện đại và nghiên cứu bổ sung giao thông đường thủy”, ThS.KTS. Phan Văn Tuấn, Trưởng phòng P.KV1, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM chia sẻ.

Đồng quan điểm, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng cho rằng, Thành phố cần thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch đã ban hành, đảm bảo quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng phải đồng bộ với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.

“Thành phố cần xây dựng chính sách phát triển cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị TP.HCM, trọng tâm là quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất, xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối như giao thông, cấp nước, thoát nước...”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng đưa ra một số giải pháp khác như: Sớm hoàn thành quy hoạch không gian ngầm và đề án ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật đô thị; Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các quy hoạch về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có liên quan đế việc sử dụng đất, đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; Lựa chọn, thuê tư vấn có năng lực, kinh nghiệm lập dự án kêu gọi đầu tư để triển khai các quy hoạch hiệu quả...

Về việc giải quyết vấn đề giao thông đô thị, ông Cường cho biết, cần phải đẩy mạnh công tác dự báo mức độ tăng trưởng dân số trên địa bàn Thành phố. Bởi dân số của TP.HCM tăng chủ yếu do tăng cơ học, dân nhập cư tăng cao dẫn đến cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Nghiên cứu đề án để đánh giá khả năng tạo thêm nguồn thu từ khai thác hệ thống hạ tầng giao thông đô thị của thành phố. Đề xuất với Trung ương chấp thuận cơ chế phân cấp cho Thành phố chủ động, chịu trách nhiệm trong thực hiện áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án có tính chất trọng điểm và trong phạm vi thành phố tự cân đối, chủ động được nguồn lực...

Chia sẻ về kinh nghiệm quy hoạch, ông Michel Fanni, Giám đốc Quy hoạch Kiến trúc, Giám đốc Phát triển và Cải tiến đô thị cho đô thị mới Marne la Vallee (Pháp) cho biết, không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới đều gặp khó khăn, thách thức khi thực hiện quy hoạch đô thị, đặc biệt là những vùng đô thị mới.

Theo ông Michel Fanni, để quy hoạch đô thị mới, các nhà quản lý phải nghĩ đến việc giải quyết được việc làm tại chỗ cho người lao động, điều này phần nào giải quyết bài toán kẹt xe khi lưu lượng xe di chuyển từ vùng đô thị này qua vùng đô thị khác lớn do thiếu việc làm. Ngoài ra, quy hoạch độ thị mới phải là một sản phẩm trí tuệ tập thể, được tiếp nối liên tục ở các giai đoạn. Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng cần tính trước phương án khi phải đối mặt với ngập lụt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top