Aa

Quy hoạch đường giao thông: Dân số bao nhiêu là vừa đủ?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 25/06/2018 - 06:00

Sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa đã và đang đòi hỏi TP. Hà Nội không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua có quá nhiều bất cập liên quan đến việc quy hoạch đô thị không đi đôi với hạ tầng giao thông, chưa tương xứng với sự phát triển nhanh của dân số.

Bỏ quên tính toán dân số

Theo giới phân tích, có 3 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Thứ nhất, quy hoạch giao thông không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Thứ hai, xây dựng các khu dân cư tập trung đông đúc mà hoàn toàn không có đánh giá tác động giao thông. Thứ ba, vận tải hành khách công cộng phát triển quá chậm, hiệu quả thấp.

Đáng chú ý là vấn đề mật độ dân cư tập trung quá lớn, việc giải quyết vấn đề giao thông công cộng của các TP lớn mới chỉ đang ở bước đầu. Theo thống kê, mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200 nghìn người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm.

Điều này cho thấy, hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập. Minh chứng rõ rệt nhất là có những tuyến đường thường xuyên ùn tắc như Minh Khai, Trương Định, Tây Sơn… thậm chí càng mở đường mới thì chuyện tắc càng lan rộng như Lê Văn Lương – Tố Hữu… Đây hầu hết là những tuyến đường có mật độ xe di chuyển rất lớn đi qua nhiều khu đô thị, nhiều dự án chung cư mới. Theo đó, về lâu dài, các thành phố cần phải đầu tư mở rộng xây dựng hạ tầng giao thông tốt hơn nữa.

Theo nhận định của chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế giao thông, Hà Nội muốn đảm bảo được từ 30 – 40% người dân đi xe công cộng thì ít nhất phải có khoảng 15 đến 20 nghìn xe buýt. Thế nhưng, nếu xe buýt nhiều như vậy thì làm sao có đường để đi. Do đó, hạ tầng giao thông cần được thiết kế đường trên cao, đường phía dưới như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… để tận dụng không gian đô thị.

Mặt khác, kinh nghiệm từ quốc tế đã cho thấy, mật độ dân số là chỉ tiêu hết sức quan trọng để kiểm soát phát triển trong khu vực đô thị. Tuy nhiên, chỉ tiêu này tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang được tính toán hết sức sơ sài. Đáng chú ý, các đồ án quy hoạch đô thị hay dự án nhà ở cũng không nói rõ cách tính, phương pháp tính, dân số cố định, dân số vãng lai, dân số cho phép, dân số phải khống chế…

Theo tìm hiểu, trong tất cả các bản quy hoạch 1/500 các dự án đều có số liệu về đất xây dựng, số dân được quy hoạch trong dự án như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính phê duyệt số người dự kiến trong khu vực quy hoạch (32,86ha) là 12.600 người; khu Đặng Xá (33,6ha) 13.000 người; khu nhà ở hồ Linh Đàm (160,9ha) 25.128 người; Ciputra (300ha cho cả 3 giai đoạn) 50.000 người;… Những dự án này đều tính toán quy mô dân số dự án bằng cách lấy tổng diện tích sàn xây dựng chia 40 - 45 người (đối với chung cư) và 70 - 80 người (đối với nhà liền kề hay biệt thự) nhưng trên thực tế, khi dự án được mở bán, số dân thực tế lại cao hơn dự kiến. Hệ quả là câu chuyện quá tải dân số gây áp lực lên hạ tầng giao thông. 

Đầu tư giao thông bằng BT có thực sự hiệu quả?

Để giải quyết câu chuyện ùn tắc giao thông, nhiều dự án đường trong trung tâm thành phố đang được triển khai. Tuy nhiên, trước vấn đề thiếu vốn, thành phố dự kiến thu xếp nguồn vốn cho các dự án nói trên bằng cách khai thác quỹ đất tại một số khu vực đã có chủ trương thực hiện đấu giá trên địa bàn các quận Cầu Giấy; Tây Hồ, huyện Đông Anh, Gia Lâm… hay các địa bàn lân cận nơi có dự án đi qua.

Rõ ràng với các dự án giao thông với có quy mô lên tới ngàn tỷ đồng đòi hỏi nhà đầu tư có năng lực tài chính đủ mạnh, có kinh nghiệm thi công, đủ năng lực kỹ thuật để thực hiện dự án. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số dự án đầu tư theo BT lại được “giao vào tay” một số doanh nghiệp non trẻ, thậm chí trao đổi với mức giá chênh lệch cao như dự án đường vành đai 2,5 đoạn Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 (quận Thanh Xuân),... đã dẫn đến nhiều tranh cãi.

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế phát triển: “Rõ ràng, theo quy định, phần đất kinh doanh (giao cho nhà đầu tư) chỉ chiếm trung bình 26% tổng diện tích khu đất đối ứng cho dự án BT, đồng nghĩa cho thấy lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân ngày càng hài hòa. Việc Hà Nội cho phép thực hiện một số dự án giao thông theo hình thức BT sẽ là tốt nếu làm đúng quy trình, thực hiện đấu giá công khai minh bạch. Bởi, trước nhu cầu cấp bách hiện nay về hạ tầng giao thông của Hà Nội, việc triển khai các dự án này là cần thiết. Tuy nhiên, khi triển khai giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào, quá trình BT cần có đầy đủ căn cứ, cơ sở pháp lý, định mức kinh tế kỹ thuật thì mới thực sự có hiệu quả”.

Mặt khác, giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh xây dựng hạ tầng giao thông mới, các thành phố cần phải đặt mục tiêu kìm hãm sự gia tăng dân số trong lõi đô thị và hạn chế phương tiện cá nhân. Theo đó, với mỗi mảnh đất xây dựng dự án buộc phải có đánh giá tác động giao thông, hợp lý thì mới được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, di chuyển được một số cơ quan, bệnh viện, trường học ra khu vực ngoại vi cũng sẽ kéo giãn áp lực dân số và giao thông cho trung tâm TP.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top