Aa

Quy hoạch phát triển các thành phố: Đất nông nghiệp có còn quan trọng?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 27/07/2018 - 20:01

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã đồng ý cho một số tỉnh, thành phố chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, diện tích các mảng xanh bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp lại đóng vai trò như một giải pháp thoát nước cho đô thị.

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép TP.HCM được chuyển đổi mục đích sử dụng 26,000ha đất từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp, đô thị. Được biết, đất nông nghiệp của TP.HCM hiện chiếm khoảng 55% tổng diện tích đất, nhưng đóng góp của nông nghiệp vào tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) của Thành phố chỉ đạt 0,8%. Trong khi đó, đất cho công nghiệp, dịch vụ chiếm 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.

Cũng tại tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng 183,61ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện 2 dự án KĐT du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường và Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận.

Trước đó, Chính phủ đã có Báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 134/2016 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia. Trong đó, tính đến ngày 31/12/2016, nhóm đất nông nghiệp của cả nước là khoảng 27.2 triệu héc-ta, cao hơn 386.210ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt. Bên cạnh đó, đất phi nông nghiệp vào khoảng gần 4 triệu héc-ta, thấp hơn 256.240ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt.

Đất khu công nghiệp có 92.410ha, thấp hơn 30.650ha so với chỉ tiêu; đất phát triển hạ tầng có 1.2 triệu héc-ta, thấp hơn 127.590ha so với chỉ tiêu; đất bãi thải, xử lý chất thải có 9.190ha, thấp hơn 5.180ha so với chỉ tiêu. Đất ở tại đô thị có 162.200ha, thấp hơn 17.170ha so với chỉ tiêu. Một số địa phương có diện tích đất ở tại đô thị lớn như TP.HCM 19.815ha; Hà Nội 12.898ha; Bình Dương 6.933ha; Đà Nẵng 4.820ha; Hải Phòng 4.440ha; Cần Thơ 4.711ha; Gia Lai 4.364ha.

Chuyển đất nông nghiệp ở đâu, chuyển như thế nào, chuyển cho ai phải có tính toán rõ ràng

Chuyển đất nông nghiệp ở đâu, chuyển như thế nào, chuyển cho ai phải có tính toán rõ ràng

Những con số trên cho thấy nhóm đất nông nghiệp tính chung trên cả nước vẫn chiếm khá cao. Việc giảm diện tích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu nhìn vào tốc độ đô thị hóa các tỉnh thành phố thời gian qua có thể thấy, các khu đô thị chen chúc phát triển trên các mảnh đất nông nghiệp tại các vành đai dường như đã chặn mất dòng chảy và đường thoát nước của thành phố nên dễ dẫn đến ngập úng đô thị mỗi khi mùa mưa bão về.

Giới phân tích nhận định, việc chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ là hoàn toàn đúng theo quy trình phát triển kinh tế xã hội của đô thị, thành phố lớn. Tuy nhiên, chuyển đất nông nghiệp ở đâu, chuyển như thế nào, chuyển cho ai phải có tính toán rõ ràng. Bởi, nếu đất chuyển sang làm công nghiệp công nghệ cao thì không cần nhiều đất, chuyển sang làm đô thị sinh thái phát triển tự nhiên cũng rất tốt nhưng phát triển thành công nghiệp truyền thống có thể dẫn đến ô nhiễm là không nên.

Ths. KTS. Nguyễn Thị Hồng Diệp, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nhận định: "Quá trình đô thị hóa là tất yếu khách quan, bên cạnh những tác động tích cực cũng nảy sinh những vấn đề an giải như giao thông, môi trường, áp lực dân số... Để giải quyết các bài toán áp lực của quá trình đô thị hóa thì phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi tối ưu có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai".

Trên thế giới, nhiều đô thị cũng phát triển nông nghiệp đô thị, điển hình như tòa nhà Rotunda ở ga số 3 của Chicago, xây dựng 26 tháp khí canh vào năm 2011, sử dụng nước và dưỡng chất từ khâu xử lý nước thải của tòa nhà, không sử dụng phân bón và hóa chất.

Tại Tokyo (Nhật) nông trại dưới đất của công ty Pasona rộng 1.000m2 trồng 100 loại rau có thể xem là biểu tượng cộng nghệ cao trong nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, Đức là nước phát triển mảng xanh trên mái lớn nhất thế giới, với 8 - 10 triệu mét vuông gia tăng canh tác nông nghiệp đô thị hàng năm trên mái các nhà xưởng, bãi đậu xe và các tòa nhà.

Có thể nói, trong phát triển đô thị bền vững, diện tích đất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng và cần giữ lại một phần thay chuyển đổi thành xây dựng. Hơn nữa, chuyển đổi đất đai cũng liên quan đến vấn đề đền bù đất là quyền lợi của các bên, đặc biệt là người dân. Do đó, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất mục đích khác phải đảm minh bạch, công bằng, không để xảy ra tình trạng nhếch nhác làm xấu bộ mặt đô thị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top