Aa

Quy hoạch sân golf: Cần phá bỏ từ bức tường định kiến

Chủ Nhật, 10/03/2019 - 06:01

Câu chuyện quy hoạch sân golf chưa bao giờ hạ nhiệt trong những cuộc đàm luận xoay quanh chủ đề về sự phát triển của thị trường golf Việt. Sau nhiều năm thực hiện, những ảnh hưởng từ quy hoạch sân golf đã khiến dự luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách này. Không ít chuyên gia cho rằng, muốn bỏ quy hoạch sân golf thì trước tiên phải phá vỡ bức tường định kiến về golf.

Cần cởi trói cho sân golf

Ngay từ khi mới xuất hiện ở Việt Nam, golf đã bị khoác lên mình “định kiến” là môn thể thao dành cho giới quý tộc. Tiếp theo, không ít ý kiến cho rằng, phát triển sân golf sẽ ảnh hưởng tới môi trường, sẽ phải lấy đất nông nghiệp làm sân golf, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia… Do đó, sự xuất hiện của chính sách quy hoạch sân golf được coi là giải pháp hạn chế những hệ lụy xấu phát sinh từ việc kinh doanh môn thể thao cho giới thượng lưu này.

Theo Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/ 11/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam, đến năm 2020 cả nước có 89 sân golf. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, chính sách quy hoạch sân golf bắt đầu bộc lộ những điểm bất cập.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến nay cả nước mới chỉ có gần 30 dự án golf được thực hiện và đưa vào khai khác, vẫn còn khá nhiều dự án đang “đắp chiếu”. Đáng nói hơn, phía Bộ KH&ĐT cũng cho biết, cả nước có 98 dự án thì có tới một nửa chưa đi vào hoạt động, hoạt động không hiệu quả, hoặc vắng khách.

df

Quy hoạch sân golf đang kìm hãm sự phát triển của thị trường golf. (Ảnh minh họa)

Điều gì tạo ra nghịch lý, trong khi nhiều dự án golf bị đắp chiếu hay chật vật tìm lãi trong lỗ vì vắng khách, thì một số tỉnh lại tiếp tục có những kiến nghị phê duyệt những dự án sân golf mới?

Có luận điểm cho rằng, quy hoạch sân golf hiện tại đang tạo ra sự lệch pha giữa cung và cầu. Quy hoạch sân golf đang hình thành sự “phân phối” sân golf cho các vùng miền, địa phương một cách cứng nhắc. Điều đó khiến cho nơi có tiềm năng  golf lại không được phát triển thảo đáng, trong khi những nơi thiếu sự kết nối hạ tầng lại cũng có “suất” golf để rồi hoặc là không thể triển khai dự án, hoặc triển khai rồi cũng rơi vào tình trạng ế khách rất lãng phí. Vô hình trung, quy hoạch sân golf trở thành “vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển của thị trường golf Việt.

Trước thực trạng đó, cách đây hơn 1 năm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã cho rằng, quy hoạch sân golf là một loại quy hoạch sản phẩm không cần thiết và Bộ sẽ đề xuất sửa đổi theo hướng bỏ quy hoạch này. Cụ thể, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đang trình Quốc hội Luật Quy hoạch, theo hướng để các địa phương quyết định và chuyển việc phê duyệt dự án sân golf thành dự án đầu tư có điều kiện.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định: “Nguyên tắc lập dự án đầu tư sân golf ‘phải tuân thủ nhiều điều kiện", như không được sử dụng đất lúa, không sử dụng đất quốc phòng an ninh, không sử dụng đất bảo tồn văn hóa... Cùng với đó, việc xây 5 sân hay 10 sân là do địa phương quyết định, hiệu quả do nhà đầu tư tính toán chứ Nhà nước không nên can thiệp”.

Sự cởi mở trong chính sách về sân golf này đã tạo nên những kỳ vọng mới cho các nhà đầu tư nói riêng và thị trường golf nói chung

Để kinh doanh golf vận hành theo cơ chế thị trường

Không ít các chuyên gia cho rằng, nên để golf phát triển thuận theo quy luật thị trường.

Ở góc độ kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Thực ra, trước đây nhiều chuyên gia đã đề nghị là phải có quy hoạch sân golf thật cặn kẽ ở các địa phương, để có lượng sân golf phù hợp, vừa mang tính chất phục vụ nhu cầu của người chơi golf nhưng đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu sử dụng tiết kiệm đất đai và các tài nguyên khác để phát triển kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, có lẽ quan điểm của các nhà quy hoạch và quản lý đã có sự thay đổi”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Đã đến lúc, việc xem xét quy hoạch các sân golf là không còn quan trọng. Lợi ích mà các sân golf đang hoạt động đem lại cho địa phương về mặt kinh tế - xã hội đã được nhìn nhận tương đối rõ ràng. Trong bối cảnh Luật Đất đai ngày càng chặt chẽ thì thực sự việc quy hoạch sân golf cũng không cần thiết nữa. Vì vậy chúng tôi cho rằng, việc bỏ quy hoạch sân golf là hợp lý”.

Đã đến lúc, việc xem xét quy hoạch các sân golf là không còn quan trọng. Lợi ích mà các sân golf đang hoạt động đem lại cho địa phương về mặt kinh tế - xã hội đã được nhìn nhận tương đối rõ ràng.

- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh -

Theo luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Giám đốc Công ty luật Legal United Law, ngày 7/2/2018, Chính phủ ban hành văn bản số 207/TTg-NN đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ KH&ĐT xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch sân golf trên cơ sở đảm bảo đáp ứng đúng quy định về điều kiện hình thành, tiêu chí xây dựng theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan cho đến ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực (ngày 01/01/2019).

 “Việc bỏ quy hoạch ngành golf cần bắt đầu từ xóa bỏ định kiến, hiểu sai về lợi ích mà golf mang lại. Bỏ quy hoạch ngành golf về mặt địa bàn là cần thiết, giúp cho ngành golf phát triển bền vững và ổn định. Thay vào đó, Nhà nước cần đưa ra các nguyên tắc, điều kiện và tiêu chí rõ ràng, cụ thể mang tính quy định, định hướng và hướng dẫn để các nhà đầu tư và chính quyền địa phương có thể xem xét, quyết định việc đầu tư và kinh doanh sân golf theo các điều kiện có thể đáp ứng được, mang tính dự trù và chủ động cao hơn cho nhà đầu tư”, vị luật sư này khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top