Aa

Quy trình đặc biệt chọn Chủ tịch đặc khu vì thẩm quyền vượt trội

Thứ Hai, 16/04/2018 - 14:37

Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang dần "chốt" được nhiều nội dung lớn trước khi tiếp tục trình Quốc hội. Sự “đặc biệt” đang dần thể hiện rõ từ chính sách đặc thù và nhất là tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu.

Vẫn có HĐND nhưng tổ chức tinh gọn

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đề xuất hai phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB và nhận được nhiều ý kiến khác nhau về tính hợp hiến, mức độ trao quyền và khả năng giám sát, trong đó nổi lên là vấn đề có tổ chức HĐND hay không.

Báo cáo gần đây của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu là nội dung trọng tâm, xuyên suốt của dự thảo Luật. Việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu phải bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Cùng với đó phải bảo đảm tinh gọn đầu mối, phân cấp, phân quyền mạnh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của chính quyền đặc khu, đáp ứng yêu cầu xây dựng thể chế hành chính thuận lợi, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Một yêu cầu quan trọng nữa là phân định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa sự lạm quyền.

"Chúng ta không hề sợ không kiểm soát được quyền lực ở đặc khu. Lâu nay chưa thực sự công khai minh bạch nên mới có nhiều sai phạm mà không có kiểm soát, giám sát. Dân có quyền nhưng mọi thứ bưng bít thì dân hay nhiều cơ quan đến mấy cũng không giám sát được" – Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) 

Sau khi phân tích kỹ các ưu điểm và hạn chế của từng phương án do Chính phủ trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu chỉnh lý quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu theo hướng kết hợp ưu điểm của hai phương án do Chính phủ trình và hoàn thiện để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả hai phương án.

Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) đặc khu và Ủy ban nhân dân (UBND) đặc khu với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Cụ thể, về bộ máy thì HĐND đặc khu có tổng số đại biểu không quá 15 người, trong đó đa số hoạt động chuyên trách; không tổ chức Thường trực HĐND và các ban của HĐND. UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, chỉ bao gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch.

Chủ tịch đặc khu được trao quyền vượt trội

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của đặc khu do Quốc hội quyết định thành lập, Chủ tịch UBND đặc khu có những thẩm quyền vượt trội được phân quyền từ chính quyền trung ương và cấp tỉnh, dự thảo Luật quy định: "Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở thống nhất với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn”.

Phối cảnh đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn

Phối cảnh đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn

Phó Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo đề nghị của Chủ tịch UBND đặc khu, được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê chuẩn.

Ngoài ra, đặc khu có các khu hành chính được xác định theo ranh giới địa lý. Trưởng Khu hành chính do Chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm, là người đại diện của Chủ tịch UBND đặc khu tại khu hành chính, thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chủ tịch UBND đặc khu.

"Cơ chế kiểm soát quyền lực của Chủ tịch UBND đặc khu thế nào? Vừa qua chưa có quyền lực vượt trội mà lợi ích nhóm đã hình thành, lạm dụng quyền lực. Giờ cho vượt trội mà không có "lồng nhốt quyền lực" để giám sát chặt chẽ là rất đáng lo ngại!" – Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) 

Cũng theo dự thảo luật, Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại đặc khu, bao gồm các nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù được quy định tại Luật này và các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc tỉnh và ở phường theo quy định của pháp luật có liên quan (trừ nhiệm vụ, quyền hạn đã giao cho HĐND đặc khu và UBND đặc khu).

Người đảm nhiệm vị trí trên cũng được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, đồng thời phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND đặc khu.

Trong khi đó, HĐND đặc khu quyết định các vấn đề liên quan tới nhân sự chủ chốt, quy hoạch đặc khu, kế hoạch phát KT-XH, ngân sách và một số vấn đề liên quan trực tiếp tới cộng đồng dân cư địa phương và tập trung thực hiện chức năng giám sát.

Còn UBND đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu trong việc xây dựng để trình HĐND đặc khu quyết định các vấn đề quan trọng của đặc khu về phát triển KT-XH, ngân sách, quản lý dân cư; quyết định một số vấn đề về quản lý nhà nước ở đặc khu và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND đặc khu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top