Aa

Quy trình, nó là cái gì vậy?

Chủ Nhật, 27/05/2018 - 06:00

Ngày xưa giáo sư Tôn Thất Tùng đã từng nói với sinh viên y: “Con đường để trở thành một bác sĩ phẫu thuật giỏi đi qua một bãi tha ma!”. Nghe rùng rợn, nhưng nó là sự thật. Bởi những sai sót trong ngành y thường rất dễ trả giá là tính mạng bệnh nhân. Nhưng sai sót nào của thày thuốc cũng đem ra xử lý hình sự thì chỉ trong sáu tháng là Hà Nội hết bác sĩ!

Dạo này nước Việt ta hay nói đến quy trình.

Bổ nhiệm thần tốc con ông cháu cha lên ghế lãnh đạo. Hỏi. Trả lời: đúng quy trình!

Phê duyệt dự án khống lên mấy trăm lần. Hỏi. Trả lời: đúng quy trình.

Cả trăm ngàn việc sai bét sai be, sai lè lè giữa thanh thiên bạch nhật, sai như có cả đống gai bồ kết chọc vào mắt người dân cả nước, ví dụ như mấy cái trạm BOT, ăn cướp tiền dân... Hỏi. Vẫn cứ ngang nhiên trả lời ráo hoảnh: đúng quy trình.

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn ảnh: Internet

Thế nhưng có một vụ án xử cái thảm họa y khoa trên Hòa Bình làm chết một lúc 8 người, hỏi đến quy trình chạy thận nhân tạo thế nào thì... Không có! Thế mới lạ lùng tài tình cho cái nước Việt ta, lúc cần xé tung những cái trò ma bùn tháu cáy thì bỗng nhiên cái gọi là quy trình ở đâu được lôi ra che chắn.

Còn cái công việc nghiêm cẩn chữa bệnh cứu người cần có quy trình khoa học bài bản kia thì... Quy trình lại trốn tiệt đi đâu để gây ra thảm họa!

Tất cả là do quy trình! Vậy quy trình là cái gì mà ghê gớm vậy?

Quy trình, hiểu theo nghĩa tiếng Việt trong sáng là trình tự, thứ tự, cách thức thực hiện một hoạt động đã được quy định, mang tính chất bắt buộc, đáp ứng những mục tiêu cụ thể của các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội: Từ sản xuất kinh doanh cho đến văn hóa nghệ thuật, khoa học...

Cả nước, chứ không riêng gì bệnh viện Hòa Bình đã không có bất cứ một cái quy trình thao tác chuẩn nào cho việc chạy thận nhân tạo cho đến khi xảy ra thảm họa.

Trong ngành dược mà mình làm việc hơn ba mươi năm thì người ta viết tắt của từ quy trình là các SOP- quy trình thao tác chuẩn (Standard Operating Procedure). Có rất nhiều SOP, từ những cái đơn giản nhất cho đến cái phức tạp nhất. Bên ngành y cũng vậy, rất nhiều quy trình, từ những cái đơn giản như quy trình rửa tay cho đến quy trình cấp cứu bệnh nhân trong các trường hợp cấp bách đều có hết.

Về cơ bản các dược sĩ, bác sĩ phải thuộc nằm lòng, cứ thế mà thực hiện. Thế nhưng vì có nhiều quy trình quá nên rất dễ bị nhầm lẫn, bởi thày thuốc cũng chỉ là con người nên ở nhiều chỗ làm việc, người ta đã phải in các quy trình thao tác chuẩn của công việc ra treo ngay tại đó để đọc hàng ngày chống nhầm lẫn. Thế nhưng rồi vẫn cứ xảy ra sai sót.

Ngày xưa giáo sư Tôn Thất Tùng đã từng nói với sinh viên y: “Con đường để trở thành một bác sĩ phẫu thuật giỏi đi qua một bãi tha ma!”. Nghe rùng rợn, nhưng nó là sự thật. Bởi những sai sót trong ngành y thường rất dễ trả giá là tính mạng bệnh nhân. Nhưng sai sót nào của thày thuốc cũng đem ra xử lý hình sự thì chỉ trong sáu tháng là Hà Nội hết bác sĩ! Đây không phải là ý kiến của người viết bài này, mà là ý kiến của một vị giáo sư lừng danh đã phát biểu trên diễn đàn Quốc hội khi xưa, cũng khi dư luận đang sôi sùng sục về sai sót trong ngành y. Ý kiến của cố giáo sư Tôn Thất Bách đó!

Trở lại câu chuyện về vụ thảm họa y khoa trên Hòa Bình.

Tòa đang xử. Thế nhưng càng theo dõi vụ xử càng thấy kinh hoàng! Thấy rõ một điều là cả nước, chứ không riêng gì bệnh viện Hòa Bình đã không có bất cứ một cái quy trình thao tác chuẩn nào cho việc chạy thận nhân tạo cho đến khi xảy ra thảm họa! Sau khi thảm họa xảy ra rồi, Bộ Y Tế mới cuống cuồng ban hành các quy trình kia. Vậy trước đó các cơ sở chạy thận nhân tạo sử dụng cái gì để vận hành máy móc?

Tất nhiên là có quy trình, họ sử dụng quy trình của bệnh viện Bạch Mai và hướng dẫn sử dụng máy và tất nhiên khi đi học chuyên khoa sâu về chạy thận nhân tạo các bác sĩ đã được dạy cẩn thận. Thế nhưng dù thế nào khi thiết lập một hệ thống máy móc như vậy thì vẫn phải thiết lập một hệ thống các quy trình thao tác chuẩn có tính pháp quy để cho các cá nhân thực hiện. Mà làm các việc đó là trách nhiệm của giám đốc bệnh viện và các phòng ban tham mưu. Thế nhưng đã không có một cái gì gọi là quy trình hay SOP hết. Đến cái biên bản xác nhận tình trạng máy móc sau khi sửa chữa đã tốt chưa, đã đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chưa cũng không có nốt! Họ cứ nói mồm với nhau ok rồi, ok rồi... chạy thôi. Xong.

Và tám bệnh nhân vô tội xong đời do thói tắc trách tùy tiện vô tội vạ của họ. Với những người làm trong những ngành khoa học thực hành liên quan đến tính mạng sức khỏe con người thường phải rất thận trọng tỉ mỉ chính xác. Và rất ít khi làm việc theo trí nhớ, mà phải dựa trên văn bản cụ thể.

Thế nên khi vụ việc xảy ra, tôi nghĩ mãi về cái nguyên nhân của thảm họa Hòa Bình kia. Với hiểu biết và ý kiến chủ quan của tôi, tôi cho rằng để xảy ra thảm họa là lỗi của cả một hệ thống. Hệ thống thiết lập và vận hành máy lọc thận nhân tạo ở bệnh viện Hòa Bình. Phải xử lý cả một hệ thống đã gây lên thảm họa. Người đứng đầu hệ thống ấy là giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương!

Và tôi vô cùng kinh ngạc và phẫn nộ khi thấy vụ xử không có tên Trương Quý Dương trong danh sách bị cáo.

Nguồn ảnh: Trí thức trẻ

Nguồn ảnh: Trí thức trẻ

Thế còn bác sĩ Hoàng Công Lương có tội không?

Là người thừa hành ở cấp thấp nhất trong cả cái hệ thống tội lỗi kia thì không có tội cũng phải có lỗi.

Lỗi của bác sĩ Lương là đã không thực hiện nghiêm túc những bài bản mà các thày đã dạy ở trường y. Đã tùy tiện và xuê xoa trong công việc. Nhưng dù bác sĩ Lương có thực hiện đúng nguyên tắc thì thảm họa vẫn cứ xảy ra, bởi lỗi hệ thống! Thế nên không truy tố những người đứng đầu hệ thống mà lại đi đổ tội cho một bác sĩ thừa hành ở cấp thấp nhất thì quả là lố bịch! Bác sĩ Lương không có tội. Lỗi của anh ta chỉ do khách quan mang lại và chỉ cần xử lý hành chính nội bộ là đủ. Còn cái việc cần làm là lôi cả hệ thống tội lỗi kia ra xử để làm gương cho cả nước, nhằm rút ra bài học, ngăn ngừa các thảm họa y khoa khác! Thế thì vụ án Hòa Bình đang xử kia phải bị dẹp. Và thay bằng một vụ khác, truy tố đúng đối tượng, xử đúng người đúng tội.

Nhưng việc này nằm ngoài khả năng của các ngành tư pháp Hòa Bình. Lại phải đợi trung ương ra tay thôi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top