Aa

"Quyền lực mềm" của tân Chủ tịch CLB doanh nhân 2030

Thứ Năm, 26/04/2018 - 06:01

Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười rạng rỡ, ít ai biết ẩn sâu trong vẻ dịu dàng ấy là một tinh thần thép.

Trần Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm CEO Viện đào tạo Doanh chủ, nữ Chủ tịch đầu tiên của CLB Doanh nhân 2030 sau 8 nhiệm kỳ. Tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế vận tải biển tại trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, ước mơ trở thành thuyền trưởng lại dẫn dắt chị trở thành một doanh nhân.

Nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường đại học về các lĩnh vực chứng khoán, pháp luật kinh tế… chị đã tích luỹ kinh nghiệm quản lý để có thể song hành vai trò giảng dạy và kinh doanh một cách hiệu quả.

Hiểu được sức mạnh của bản thân và tập thể, luôn biết cách tạo động lực làm việc trong doanh nghiệp và hội đoàn bằng “quyền lực mềm” uyển chuyển của một thiên tính nữ, chị đã đưa Viện Đào tạo doanh chủ vượt qua nhiều thăng trầm, để trở thành một địa chỉ uy tín cho giới nghiệp chủ.

Từng giữ nhiều vị trí khác nhau như Phó chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty CP Hồng Ngân, Trưởng ban kiểm soát Công ty CP Kỹ nghệ Đô Thành, Trưởng ban kiểm soát Công ty CP Dược phẩm An Giang, Chủ nhiệm CLB Nhà đầu tư cá nhân,…và hiện nay, chị đã trở thành vị chủ tịch nữ đầu tiên của CLB Doanh nhân 2030, đánh dấu một thời kỳ bứt phá mới của những doanh nhân nữ.

PV: Một người phụ nữ nhỏ nhắn như chị vì sao lại chọn vào ngành hàng hải, một ngành vốn dành cho phái mạnh? Dường như chị có ý thức từ rất sớm về việc học để trở thành một leader?

CEO Trần Thanh Hằng: Năm 1995, sau khi tốt nghiệp xong trung học, thời điểm mà rất ít gia đình định hướng được việc chọn ngành, chọn trường cho con cái, gia đình tôi cũng vậy, tôi chỉ đơn giản ước ao mình có thể trở thành 1 nữ thuyền trưởng với những câu chuyện về đại dương và khám phá 1 thế giới rộng lớn vượt khỏi đất nước nhỏ bé Việt Nam.

Câu chuyện về nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (người Tiền Giang) trong cơn bão lịch sử số 5 cách đây 20 năm đã quyết định đổ bỏ 50 tấn cá cơm xuống biển, tự mình cầm lái con tàu chống chọi với sức gió giật cấp 12, bất chấp hiểm nguy cứu sống 36 mạng người thoát chết càng làm cho tôi thấy ngưỡng mộ và hình ảnh chị như truyền thêm động lực cho việc phấn đấu học tập của tôi trong ngành hàng hải của mình.

Năm 2000, sau khi bảo vệ thành công thủ khoa cho luận văn đại học của mình, tôi là 1 trong 2 người được giữ lại trường để tiếp tục ở vai trò mới, trở thành giảng viên đại học. Dù ước mơ cách đó 5 năm không được thực hiện vì nữ không được tham gia ngành học hàng hải (lái tàu), nhưng mỗi hành trình của mình, tôi đều luôn tự tạo cho mình những động lực mới, những phấn đấu mới để vươn lên.

Với bản tính cầu tiến, đam mê khám phá, thích công việc năng động, tôi chia tay nghiệp giảng vài năm sau đó, để theo gót đàn anh lập nghiệp. Và từ đó, tôi lại đến với kinh doanh. Công ty đầu tiên mà tôi giữ vai trò CEO là Công ty CP Hồng Ngân chuyên tư vấn đầu tư chứng khoán.

PV: Viện Đào tạo doanh chủ ra đời từ rất sớm, khi nền kinh tế đang khởi sắc, nhưng những cơn bão khủng hoảng đã nhấn chìm nhiều doanh nghiệp trong ngành đào tạo mới mẻ này, làm thế nào để chị có thể trụ vững và tạo dựng thành công đến hôm nay?

CEO Trần Thanh Hằng: Doanh Chủ được ra đời bởi tâm huyết xây dựng 1 đội ngũ doanh nhân trẻ, khởi nghiệp, yêu nghề, luôn mong muốn tự chủ tài chính, nhưng khi tình hình thị trường nói chung rơi vào khủng hoảng thì Doanh Chủ cũng không thể tránh khỏi những thăng trầm.

Dù được ra đời bởi bốn chuyên gia tài chính thời bấy giờ, nhưng các anh đều là những CEO nổi tiếng bận bịu với doanh nghiệp của mình, nên một lần nữa, tôi lại đến với cơ duyên trở thành CEO Doanh Chủ từ năm 2010 cho đến hôm nay.

Dù công việc khá mới mẻ, nhưng tôi nhanh chóng nắm bắt được công việc mới nhờ nền tảng từng là giảng viên đại học của mình. Tuy nhiên, khác với việc dạy sinh viên, việc dạy nghề cho 1 người đã ở tuổi trưởng thành, đã có những kinh nghiệm nhất định là điều không dễ, tôi vẫn tiếp tục học hỏi, học cách làm quản lý, học điều hành, học cách ứng xử không chỉ với nhân viên mà còn với cả đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và tầm cỡ.

Tôi quan niệm rằng, tất cả những người làm việc cùng với mình, đến với mình đều là duyên, nhưng để có thể ngồi được lâu dài cùng nhau đó là 1 sự bền bỉ xây dựng quan hệ, uy tín, biết khiêm nhường, biết lắng nghe.

Vì vậy, Doanh Chủ trụ vững đến ngày hôm nay không chỉ bởi chúng tôi có những đồng nghiệp nhiệt huyết, làm việc có tâm, luôn giữ giá trị tốt đẹp, mà thành công như hôm nay là còn bởi chúng tôi đã kiên trì giữ đúng phương châm đào tạo “ứng dụng thực hành, chú trọng thực tiễn”, luôn tập trung vào chất lượng sản phẩm, điều đó cũng hình thành một giá trị văn hóa mà tôi luôn chia sẻ với nhân sự của mình.

Hiện tại, Doanh Chủ đã vượt qua được những sóng gió thăng trầm của thị trường, khẳng định được uy tín nhất định trong lòng khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và tôi cũng đã chính thức giữ hơn 70% cổ phần Doanh Chủ từ năm 2016.

Tôi luôn cảm thấy biết ơn những đồng nghiệp đã đi cùng tôi trong đoạn đường khó khăn nhất, các bạn đã gần như chấp nhận làm việc không lương, vì sự sống còn của doanh nghiệp, và những thất bại trong giai đoạn đó giúp cho tôi có nhiều kinh nghiệm hơn trong sự nghiệp.

PV: Nhưng để được chọn là một leader của CLB Doanh nhân 2030, với những con người đầy cá tính hẳn là không hề đơn giản?

CEO Trần Thanh Hằng: Ngay từ khi bước vào kinh doanh, tôi đã có ý thức một cá nhân để thành công phải luôn biết gắn mình với một nhóm hội đoàn nào đó vì bản thân mình luôn phải trau dồi, phải học từ những người bạn, mỗi người là một trang sách mới, và để thuyết phục được ai đó, tôi thường chọn cách nói nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn về quan điểm, luôn đứng ở vai trò người đối diện, đặt lợi ích của hội đoàn lên trên hết.

Với cách giải quyết tôi gọi là “quyền lực mềm”, thì tôi nghĩ, tất cả đều có thể trở thành 1 leader.

Quyết định tham gia CLB doanh nhân 2030, tôi thấy mình may mắn vì học hỏi được nhiều hơn, mỗi thành viên ban chấp hành đều là những ngôi sao sáng, tôi học từ họ cách tư duy, cách ứng xử, cách giải quyết vấn đề và trên hết là cách giữ cho nhau tình thân. Nhờ đó, chúng tôi trở thành những người anh em như một gia đình. Sẽ đơn giản hơn khi chúng ta biết hướng mọi việc đến lợi ích chung của hội đoàn.

PV: Chị từng chia sẻ về cách quản trị bằng tình yêu thương, đó có phải là “quyền lực mềm” mà chỉ riêng phụ nữ mới thấu hiểu và biết cách ứng dụng linh hoạt nhất?

CEO Trần Thanh Hằng: Thực tế tôi không giỏi, nhiều bạn trong CLB doanh nhân 2030 tài giỏi hơn tôi rất nhiều, họ lãnh đạo cả doanh nghiệp lớn, với doanh số khủng… nhưng các bạn vẫn đồng thuận bầu chọn tôi giữ vai trò chủ tịch CLB, có lẽ nhờ trải qua 1 thời gian dài, tôi vẫn luôn đến với 2030 bằng cái tâm, bằng cách sử dụng “quyền lực mềm”, bằng thuyết phục, bằng chia sẻ quan điểm cùng nhau để xử lý các vấn đề.

Tôi quan điểm là trước khi quyết định bất cứ vấn đề gì, mọi người đều có quyền tranh luận, biểu quyết theo đa số nhưng khi vấn đề được chốt thì tất cả sẽ cùng nhau thi hành. Trước mỗi sự vụ, tôi thường lắng nghe cả 2 phía để đặt mỗi người ở vị trí của nhau, và mỗi khi giải quyết được, tôi thấy động lực hơn, thấy có năng lượng để tiếp tục cống hiến.

Trong một tập thể trẻ, tính cách ai cũng mạnh mẽ, ai cũng có tài, có cái tôi, đều là ngôi sao sáng, thì mình chỉ có thể thuyết phục bằng cách nói chuyện ngọt ngào, mà tính cách này chắc chắn phụ nữ dễ dàng có được hơn vì bản năng của người phụ nữ là sự nhẹ nhàng, khéo léo và tinh tế.

PV: 2030 đang bước vào nhiệm kỳ 9 với nhiều bứt phá, trách nhiệm nặng nề nhất của chị là gì?

CEO Trần Thanh Hằng: Thế mạnh của 2030 từ trước tới giờ là hoạt động thiện nguyện xã hội vì cộng đồng, nhưng điểm yếu của 2030 là kết nối giao thương cho các hội viên, làm sao tạo ra những giá trị thiết thực giúp hội viên phát triển kinh doanh, hướng tới mục tiêu kết nối giao thương thông qua chương trình 2030 Bizgroup, với các hoạt động kết nối, thiết kế website giao thương, hỗ trợ các kênh quảng bá mạnh hơn cho hội viên, những tọa đàm cho chủ doanh nghiệp, huấn luyện cho nhân viên của doanh nghiệp…

Điều may mắn của nhiệm kỳ này là CLB đã quy tụ được 1 đội ngũ ban chấp hành rất trẻ, năng động, tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sang gánh vác nhiệm vụ mới để tiếp tục duy trì tốt những chương trình, sự kiện mà CLB doanh nhân 2030 đã có nhiều tiếng vang, nhiều dấn ấn đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa kết nối giao thương.

Gia đình hạnh phúc của chị Trần Thị Thanh Hằng và doanh nhân Vũ Tiến Thập, CEO D’Furni

Gia đình hạnh phúc của chị Trần Thị Thanh Hằng và doanh nhân Vũ Tiến Thập, CEO D’Furni

PV: Và cuối cùng, hạnh phúc đã mỉm cười với chị cũng từ CLB này?

CEO Trần Thanh Hằng: Tôi biết ông xã hiện tại năm 2011 khi tôi là thành viên 2030, lúc đó chúng tôi là những người bạn, cùng trong ban chấp hành CLB 2030.

Đến năm 2013, do sở thích đam mê chinh phục, thích phiêu lưu, mạo hiểm, chúng tôi tham gia chương trình 2030 World Challenge chinh phục đỉnh Fansipan, và qua chương trình đó, chúng tôi gần nhau hơn, thấu hiểu nhau và cảm nhận ở nhau nhiều điểm tương đồng, đó cũng là lý do anh Vũ Tiến Thập, CEO D’FURNI đã cùng tôi nên duyên chồng vợ.

Từ khi lấy anh, tôi cũng học hỏi được rất nhiều về kinh nghiệm quản lý điều hành doanh nghiệp, chúng tôi chia sẻ được nhiều giá trị trong cuộc sống, nhiều mối quan hệ bạn bè.

PV: Hai người “cảm” nhau nhất điều gì?

CEO Trần Thanh Hằng: Cả hai chúng tôi đến với nhau khi hôn nhân đầu không trọn vẹn, và mỗi người đều có 1 con riêng, nên để có thể chấp nhận sống cùng nhau cũng là 1 bước ngoặc lớn phải đủ chín chắn, lý trí, không thể chỉ vì những cảm xúc ban đầu mà quyết định.

Tình cảm nảy sinh bởi sự tôn trọng, sự quan tâm đặc biệt của 1 người này dành cho 1 người khác trong các hoạt động hội đoàn là khó tránh, nhưng tôi chọn anh bởi qua thời gian là bạn, tôi tin rằng anh sẽ là 1 người chồng quan tâm đến gia đình, cùng tôi xây dựng và gìn giữ gia đạo.

'Quyền lực mềm' của tân Chủ tịch CLB doanh nhân 2030 1
Gia đình hạnh phúc của chị Trần Thị Thanh Hằng và doanh nhân Vũ Tiến Thập, CEO D’Furni
Nhiều bạn bè cũng nói vui rằng, tuổi trung niên như tôi sẽ rất khó tìm được 1 ý trung quân, nhưng tôi hiểu, mình không hoàn hảo, vì vậy đừng chờ đợi 1 người đàn ông hoàn hảo, giữa vô số tính cách mà mình cần, thì mình phải biết tính cách nào cần thiết nhất.

PV: Hai leader ở với nhau, ai phải “chịu” ai?

CEO Trần Thanh Hằng: Chồng tôi gốc Thái Bình, chắc chắn cũng tiềm ẩn chút tính cách của người trai gốc Bắc quyết đoán và cá tính. Nên muốn vấn đề được chốt theo ý mình, tôi vẫn phải sử dụng đến “quyền lực mềm”, lý lẽ, phải trái phải được trình bày để thuyết phục anh.

Trong công việc, chúng tôi luôn chia sẻ cùng nhau, sắp tới tôi cũng sẽ tham gia vào HĐQT D’FURNI thì chắc chắn tình cảm vợ chồng cũng sẽ ảnh hưởng nhất định, vì vậy 2 chúng tôi cũng phải đưa ra những nguyên tắc để giữ hạnh phúc đó là: mọi quyết định đều trên tinh thần tôn trọng tổ chức, không mang những việc công ty về nhà.

Doanh nghiệp xây dựng văn hóa, thì ở nhà cũng phải xây dựng gia đạo. Mỗi ngày dù bận rộn đến đâu, chúng tôi cũng ăn sáng và ăn tối cùng nhau.

May mắn, chúng tôi đều thích đi phượt cùng nhau, cầu tiến trong kinh doanh, thích hoạt động cộng đồng giúp chúng tôi dễ dàng giữ hạnh phúc cho nhau.

PV: Chị có thể chia sẻ gì về cách gìn giữ hạnh phúc gia đình cho những nữ doanh nhân có hoàn cảnh như chị?

CEO Trần Thanh Hằng: Theo tôi, để hạnh phúc cần nhất là vợ chồng phải quan tâm lẫn nhau, đặc biệt là người chồng vì người vợ thường sống bằng cảm xúc, sự thiếu quan tâm dễ dẫn đến sự trầm cảm hơn cho người vợ. Người vợ cũng nên chia sẻ với người chồng những sở thích, mong muốn, để người chồng hiểu rõ hơn mình.

Song song đó, đôi khi chúng ta đòi hỏi quá nhiều ở người bạn đời, mà chưa chấp nhận 1 điều mình cần nhất ở đối phương. Hãy nhìn thấy điều quan trọng nhất để biết trân quý, gìn giữ, 1 tính cách mình mong muốn có được ở người bạn đời, để cả 2 dung hòa nhau hơn, từ đó quên đi những tính cách không cần thiết khác.

Gia đình phải là nơi bình an, để sau những giờ mệt mỏi, căng thẳng, cả 2 có những giây phút riêng tư, vui vẻ cùng nhau. Đặc biệt, trường hợp của tôi càng khó hơn khi cả vợ chồng lại có con riêng nữa.

Nguyên tắc được đặt ra là chúng tôi không được bênh con riêng, nếu thấy con sai, trực tiếp góp ý, dạy cho các con, mỗi bên phải tự xây dựng tình cảm với con, để dạy con bằng sự yêu thương, lẽ phải. Khi mình đã cho trẻ tình yêu thương, thì mình sẽ dễ dàng hơn trong việc giáo dục bé.

Và dù có là gì chăng nữa, ở công ty là sếp, thì về nhà vẫn là vợ, tôi tin rằng phụ nữ nào cũng thích hoa, thích sự lãng mạn của tình yêu, thích được quan tâm, được cưng chiều. Nếu người chồng nhớ đến những điều nhỏ nhặt đó trong cuộc sống, thì họ chắc chắn giữ được 1 ngọn lửa để giữ ấm gia đình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top